Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 05:39 (GMT +7)
Phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa là nhiệm vụ trung tâm
Thứ 4, 20/01/2021 | 08:42:35 [GMT +7] A A
Ðại hội lần thứ IX của Ðảng họp từ ngày 19 đến 22-4-2001, tại Thủ đô Hà Nội, với sự tham dự của 1.168 đại biểu đại diện cho hơn 2 triệu 479 nghìn đảng viên trong toàn Ðảng.
Với khẩu hiệu hành động "Trí tuệ, Dân chủ, Ðoàn kết, Ðổi mới", Ðại hội đã đánh giá chặng đường 71 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Ðảng; tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Ðại hội VIII, 15 năm đổi mới, 10 năm thực hiện chiến lược kinh tế - xã hội và rút ra những bài học kinh nghiệm về công cuộc đổi mới. Từ đó phát triển và hoàn thiện đường lối, định ra chiến lược phát triển đất nước trong những thập niên đầu thế kỷ 21.
Ðại hội nhận định, 5 năm qua (nhiệm kỳ Ðại hội VIII), bên cạnh thuận lợi, nước ta gặp nhiều khó khăn, như yếu kém vốn có của nền kinh tế, thiên tai lớn liên tiếp, cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế ở một số nước châu Á,... Trong hoàn cảnh đó, toàn Ðảng và toàn dân ra sức thực hiện Nghị quyết Ðại hội VIII, đạt những thành tựu quan trọng. Kinh tế tăng trưởng khá; văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ; đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện. 10 năm thực hiện Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội (1991 - 2000) đã đạt những thành tựu to lớn và rất quan trọng. Tuy nhiên, nền kinh tế phát triển chưa vững chắc, hiệu quả và sức cạnh tranh thấp. Tình trạng tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là rất nghiêm trọng,…
Những bài học về đổi mới do Ðại hội các nhiệm kỳ trước nêu lên vẫn nguyên giá trị.
Ðại hội thông qua đường lối phát triển kinh tế là: Ðẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp; ưu tiên phát triển lực lượng sản xuất, xây dựng quan hệ sản xuất theo định hướng xã hội chủ nghĩa; phát huy cao độ nội lực, tranh thủ nguồn lực bên ngoài và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển nhanh, có hiệu quả và bền vững; tăng trưởng kinh tế đi liền với phát triển văn hóa, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường, kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001 - 2010 là đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, nâng cao rõ rệt đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Trong 5 năm tới (2001 - 2005), lấy phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa là nhiệm vụ trung tâm. Thực hiện nhất quán chính sách phát triển nền kinh tế nhiều thành phần. Các thành phần kinh tế kinh doanh theo pháp luật đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh; trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân,…
Về công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, Ðại hội chỉ ra nhiều hạn chế và nhấn mạnh trong những năm tới phải tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm: tăng cường giáo dục tư tưởng chính trị, rèn luyện đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân. Ðẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu, làm trong sạch đội ngũ đảng viên. Tiếp tục đổi mới công tác cán bộ. Xây dựng, củng cố các tổ chức cơ sở đảng; kiện toàn tổ chức, đổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng,…
Ðại hội đã bầu Ban Chấp hành T.Ư gồm 150 ủy viên. Ban Chấp hành T.Ư bầu Bộ Chính trị gồm 13 ủy viên, Ban Bí thư 9 ủy viên. Ðồng chí Nông Ðức Mạnh được bầu làm Tổng Bí thư.
Theo Báo Nhân dân
Liên kết website
Ý kiến ()