Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 12:07 (GMT +7)
Phát triển kinh tế biên mậu
Thứ 4, 07/06/2023 | 06:33:34 [GMT +7] A A
Phát huy lợi thế về vị trí địa lý, công tác phát triển kinh tế biên mậu trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đạt được nhiều hiệu quả tích cực. Các hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) thực hiện theo đúng định hướng đường lối của Nhà nước, chỉ đạo của tỉnh. Qua đó, đã góp phần giữ ổn định hoạt động kinh tế biên mậu, tăng thu ngân sách hằng năm.
Với gần 119km đường biên giới trên bộ và 191km đường biên giới trên biển với Trung Quốc, Quảng Ninh là tỉnh có điều kiện thông thương tốt với Trung Quốc qua hệ thống các cửa khẩu trên đất liền và trên biển. Phát huy lợi thế đưa Quảng Ninh sớm trở thành cửa ngõ hội nhập quốc tế của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, "cầu nối" hợp tác giữa Việt Nam với các nước ASEAN và khu vực Đông Bắc Á, tỉnh đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương duy trì, mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, ngoại giao hợp tác kinh tế với Trung Quốc. Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh đầu tư, xây dựng các kết cấu hạ tầng phụ trợ tại các cửa khẩu, đưa vào sử dụng các tuyến cao tốc… đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao lưu, phát triển kinh tế qua khu kinh tế cửa khẩu.
Ghi nhận tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, từ đầu năm 2023 đến nay, tổng trọng lượng hàng hóa XNK đạt trên 672.500 tấn, tăng 340% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Cửa khẩu cầu Bắc Luân II, lượng hàng hóa XNK đạt 312.900 tấn, tăng 178% so cùng kỳ 2022, bình quân đạt 2.565 tấn hàng hóa XNK/ngày. Tại Lối mở Km3+4 Hải Yên, hàng hóa xuất khẩu đạt 339.100 tấn hàng, tăng 838% so cùng kỳ 2022; hàng hóa nhập khẩu 20.400 tấn, tăng 406% so cùng kỳ 2022.
Cùng với đó, tỉnh tích cực tuyên truyền các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế biên mậu, giúp doanh nghiệp trong tỉnh nắm vững các quy định đối với từng lĩnh vực hàng hóa cụ thể; thông tin, hướng dẫn liên quan đến XNK hàng hóa sang các đối tác đã ký các hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam, như: Hiệp định thương mại tự do ASEAN (AFTA), Hiệp định khung về hợp tác kinh tế ASEAN - Trung Quốc, Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc để thành lập khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc… Qua đó, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu trong tỉnh được hưởng các ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu.
Ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Công ty Du lịch và XNK Vĩnh Thịnh, cho biết: Là doanh nghiệp XNK, đơn vị nhận được nhiều hỗ trợ của tỉnh và địa phương sở tại nơi thực hiện các hoạt động giao thương, buôn bán. Đặc biệt, trong thời gian bị ảnh hưởng của dịch bệnh, các doanh nghiệp XNK nhận được sự hỗ trợ đồng hành và tháo gỡ khó khăn kịp thời từ các cấp chính quyền, địa phương, giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động. Cùng với đó, các cơ chế chính sách mới từ phía bạn cũng được thông báo kịp thời đến doanh nghiệp để doanh nghiệp thực hiện, áp dụng giúp cho doanh nghiệp tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí. Tôi đánh giá rất cao về sự phát triển, đồng hành và hỗ trợ của tỉnh Quảng Ninh tới các doanh nghiệp hoạt động XNK.
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các sở, ban, ngành, lực lượng chức năng cùng các địa phương có cửa khẩu giao thương như: Móng Cái, Bình Liêu, Hải Hà đã tăng cường công tác quản lý nhà nước, tham mưu, phối hợp và ngoại giao để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tháo gỡ cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh. Điển hình: Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 492/QĐ-UBND (ngày 31/5/2023) phê duyệt đề cương Đề án xây dựng cơ chế, chính sách thí điểm triển khai khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc; xây dựng, trình UBND xem xét các kế hoạch về hành động thực hiện Chiến lược XNK hàng hóa tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, kế hoạch triển khai Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh… Đồng thời, đẩy mạnh hướng dẫn thủ tục xuất khẩu (giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O) cho các công ty xuất khẩu các sản phẩm sản xuất sang các thị trường mới để hưởng ưu đãi thuế quan do Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết, như: Công ty TNHH XNK Quốc tế An Khang xuất khẩu mặt hàng sầu riêng tươi sang thị trường Trung Quốc, Công ty TNHH Sợi hóa học Thế kỷ mới xuất sợi hóa học sang thị trường Philippines…
Với nhiều chính sách, sự đồng hành hỗ trợ kịp thời, đồng bộ từ tỉnh đến địa phương đã giúp cho hoạt động XNK vùng biên ngày càng đạt được kết quả tích cực. Tới nay, hoạt động thương mại XNK hàng hóa qua các cửa khẩu/lối mở với Trung Quốc tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, Cửa khẩu Bắc Phong Sinh (huyện Hải Hà), Cửa khẩu Hoành Mô (Bình Liêu) đang phát triển ổn định. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của doanh nghiệp trong tỉnh trên địa bàn tỉnh năm 2022 đạt 2,783 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm 2021; 6 tháng năm 2023 ước đạt 1,453 tỷ USD, tăng 13,78% so với cùng kỳ 2022. Dự kiến, năm 2023 đạt 3,095 tỷ USD, tăng 11,2% cùng kỳ và dự kiến tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2023 đạt 9,7%.
Minh Đức
- Sơ kết 5 năm “Mô hình thực hiện thủ tục và quản lý hải quan tập trung tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái”
- Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Vạn Gia: Tặng 30 phần quà cho các học sinh nhân ngày Quốc tế thiếu nhi
- BQL Cửa khẩu quốc tế Móng Cái: Góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH nơi địa đầu Tổ quốc
- Thực hiện nghiêm quy trình, thủ tục, kiểm tra, kiểm soát tại cửa khẩu, lối mở
Liên kết website
Ý kiến ()