Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:39 (GMT +7)
Ứng dụng khoa học kỹ thuật trong khám, chữa bệnh
Thứ 6, 24/11/2023 | 11:33:20 [GMT +7] A A
Việc chủ động triển khai nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) trong chăm sóc, điều trị, chữa bệnh tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh đã mở ra cơ hội mới trong nâng cao sức khỏe cho bệnh nhân, tiết kiệm các chi phí trong khám chữa bệnh.
Ung thư phổi là bệnh lý ác tính phổ biến, trong đó khoảng trên 75% trường hợp bệnh nhân ở giai đoạn tái phát, di căn, ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe. Đối với ung thư phổi giai đoạn IV, việc lựa chọn các phương pháp điều trị với phẫu thuật, xạ trị, hóa chất, miễn dịch... khó khăn hơn, tồn tại hạn chế về hiệu quả. Trong đó, điều trị hóa chất thường được áp dụng chỉ mang lại 40% tỷ lệ đáp ứng, với thời gian sống thêm không quá 6 tháng và gặp nhiều tác dụng phụ không mong muốn.
Y học thế giới đã cho phép tìm ra các đột biến điểm trên gene thúc đẩy tăng sinh tế bào phổi. Trong đó, đột biến EGFR chiếm khoảng 50% trên bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ người châu Á. Trên cơ sở đó, liệu pháp nhắm trúng đích ra đời với bản chất là các thuốc ức chế lên các thụ thể gene này làm cắt đứt các dẫn truyền tín hiệu tăng sinh tế bào, từ đó kìm hãm quá trình tăng sinh, phát triển, xâm lấn và di căn ung thư. Kỹ thuật này đã trở thành tiến bộ mới trong điều trị ung thư phổi.
Việc xét nghiệm tìm đột biến gene EGFR ở bệnh nhân ung thư phổi ở giai đoạn tái phát, di căn tế bào nhỏ được Bệnh viện Bãi Cháy thực hiện từ năm 2020 đã đóng vai trò quan trọng để bác sĩ xây dựng phác đồ áp dụng phương pháp điều trị thuốc trúng đích TKIs cho nhóm bệnh nhân có phát hiện đột biến gene. Kỹ thuật xét nghiệm đột biến gene EGFR trong điều trị đích hiện là giải pháp tối ưu giúp các bệnh nhân ung thư biểu mô tế bào nhỏ của phổi giai đoạn này, giúp kéo dài tuổi thọ và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Đây cũng là một trong 4 giải pháp KHKT đạt giải nhất trong Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Ninh lần thứ IX.
Bác sĩ CKII Đinh Thị Lan Oanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Bãi Cháy, cho biết: Qua nghiên cứu từ năm 2020 đến 2022, chúng tôi đã phát hiện được 60 bệnh nhân ung thư phổi có đột biến EGFR dương tính, chiếm 37,7%. Trong đó, các bác sĩ đã lựa chọn được 25 bệnh nhân đủ điều kiện điều trị thuốc đích tại Bệnh viện. Sau 3 tháng điều trị, các triệu chứng của bệnh nhân cải thiện rõ rệt với tỷ lệ trên 80% giảm đau ngực, giảm ho và giảm khó thở; tỷ lệ kiểm soát bệnh là 96%; tỷ lệ đáp ứng đạt 80%. Thời gian tới, đơn vị tăng cường đào tạo tập huấn, thường xuyên cử các cán bộ đi đào tạo trình độ tại bệnh viện tuyến trung ương, đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Đồng thời, chuyển giao, nhân rộng xét nghiệm gene EGFR tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh mở ra cơ hội mới cho những bệnh nhân ung thư phổi.
Cùng với đó, sáng kiến ứng dụng kỹ thuật lấy huyết khối động mạch não bằng dụng cụ cơ học có sự trợ giúp của phần mềm RAPID trong điều trị đột quỵ nhồi máu não của Bệnh viện Đa khoa tỉnh là một trong số đề tài đạt giải nhất tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Ninh lần thứ IX.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh là một trong 3 bệnh viện ở miền Bắc tiên phong triển khai ứng dụng kỹ thuật lấy huyết khối động mạch não bằng dụng cụ cơ học có sự trợ giúp của phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID trong điều trị đột quỵ nhồi máu não. Phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID được phát triển bởi Đại học Stanford của Mỹ và được Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) chấp thuận cho sử dụng tại Mỹ. Đến nay có hơn 40 quốc gia trên thế giới sử dụng vào việc chỉ định can thiệp tái thông mạch máu cho bệnh nhân đột quỵ.
Ông Lê Hồng Quảng (73 tuổi, TX Quảng Yên) được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong tình trạng mồm méo, không nói được, lơ mơ. Chụp cắt lớp mạch máu não, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị tắc động mạch não bên trái. Ngay khi được hội chẩn liên khoa, bệnh nhân nhanh chóng được can thiệp hút khối huyết bằng dụng cụ với sự hỗ trợ của phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID. Sau can thiệp, bệnh nhân đã nhanh chóng hồi phục tích cực.
Bác sĩ CKII Ngô Quang Chức, Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: Dựa vào phần mềm Rapid hiện nay, giờ vàng cứu bệnh nhân đột quỵ có thể kéo dài tới 24 tiếng. Đặc biệt, những bệnh nhân đột quỵ trong lúc ngủ, việc ứng dụng phần mềm đã đưa ra được chỉ định lấy huyết khối. Do đó, số lượng bệnh nhân được cứu chữa cũng tăng lên rất nhiều. Thực tế cho thấy đề tài có tính ứng dụng hiệu quả rất cao, mang lại lợi ích thiết thực cho bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não.
Không chỉ hai đề tài trên, nhiều đề tài trong lĩnh vực y tế đã đạt giải cao tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ IX như: Ứng dụng phẫu thuật thay khớp háng điều trị gãy cổ xương đùi đạt giải nhì, ứng dụng kỹ thuật tiêm nội nhãn anti VEGF trong điều trị võng mạc và phù hoàng điểm đạt giải nhì... qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()