Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 21:57 (GMT +7)
Phát triển hệ thống thương mại - dịch vụ ở Hạ Long
Thứ 3, 27/12/2022 | 07:47:42 [GMT +7] A A
Là thành phố thủ phủ của Quảng Ninh, nhiều năm qua, Hạ Long luôn quan tâm đến việc phát triển hệ thống thương mại - dịch vụ, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển KT-XH trên địa bàn.
Bà Phạm Thu Nga (chung cư Goden Park tower, đường Phạm Bạch Lộ, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) đến chơi tại nhà người thân ở phường Hồng Gai (TP Hạ Long). Bà Nga nhận xét: TP Hạ Long không chỉ ấn tượng bởi cảnh đẹp thiên nhiên, đường giao thông rộng rãi, đô thị khang trang, mà còn ấn tượng bởi sự thuận tiện trong dịch vụ mua bán hàng hóa. Các trung tâm thương mại, chợ nơi đây khang trang, rộng rãi, đi lại thuận tiện, hàng hóa phong phú. Gia đình tôi dự định lúc nghỉ hưu sẽ chuyển về đây sinh sống.
Không chỉ bà Nga, mà rất nhiều du khách đến TP Hạ Long đều cảm thấy rõ sự phát triển của hệ thống thương mại, dịch vụ nơi đây. Còn với người dân Hạ Long, thuận tiện trong mua bán, trao đổi hàng hóa giúp mọi người càng thêm gắn bó với mảnh đất này. Bà Nguyễn Thị Việt (khu 5, phường Hồng Hà, TP Hạ Long) cho biết: Ở Hạ Long, từ mua sắm đồ dùng điện tử, hàng hóa phục vụ sinh hoạt của gia đình, cho đến thực phẩm hằng ngày đều rất thuận tiện. Nhiều gia đình tại TP Hạ Long làm công nhân ở các doanh nghiệp, hay làm theo ca, trước đây khi đi làm về muộn không mua được thức ăn vì chợ truyền thống đóng cửa, nay mọi người thoải mái mua đầy đủ các loại qua hệ thống siêu như GO! Hạ Long, Winmart+ hay một số của hàng tiện ích khác.
Được biết, hiện TP Hạ Long có khoảng 3.900 doanh nghiệp, chủ yếu hoạt động trong các ngành kinh tế công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng; bán buôn, bán lẻ, sửa chữa; dịch vụ lưu trú và ăn uống; hoạt động khoa học. Mạng lưới phân phối hàng hóa rộng khắp các phường, xã trong thành phố, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của dân và khách du lịch.
Nhiều tập đoàn, thương hiệu lớn trong và ngoài nước đã có mặt tại Hạ Long, như: Go Hạ Long, Lotte, KFC, Điện máy HC, Media Mart, Vincom Center... Toàn thành phố có 2 trung tâm thương mại hạng 1 là GO! Hạ Long và Vincom Center Hạ Long, 9 siêu thị hạng 3 đến hạng 1, hàng chục cửa hàng tiện ích, điểm bán, giới thiệu sản phẩm OCOP… Ngoài ra, ở Hạ Long còn có 27 chợ đang hoạt động với hơn 7.800 điểm kinh doanh cố định, hơn 870 điểm kinh doanh lưu động.
Để thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ trên địa bàn, thành phố tăng cường hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng hóa đơn điện tử. Đến nay, trên địa bàn đã thiết lập được 1.020 điểm thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ truyền thống. 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử, vé điện tử.
Công tác tác quản lý nhà nước đối với chợ, trung tâm thương mại cũng được tăng cường nhằm bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng. Thành phố thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, kiểm tra về ATTP… Năm 2022, thành phố tổ chức tập huấn 2 lớp ATTP cho các cơ sở chế biến, kinh doanh lương thực, thực phẩm trên địa bàn; đồng thời kiểm tra, giám sát 2.605 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Qua đó, xử phạt vi phạm hành chính 142 cơ sở với số tiền 937,8 triệu đồng; cấp 169 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP...
TP Hạ Long còn tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan xúc tiến đầu tư, giới thiệu sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm mang tính địa phương, sản phẩm xây dựng chương trình OCOP như: Chả mực, ruốc tôm, ổi lê… Đồng thời thông tin về kỳ xét chọn sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia, đăng ký tham gia xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp; tăng cường công tác kết nối tiêu thụ nông, thủy sản. Hiện nay, trên địa bàn thành phố đã bố trí 1 điểm bán hàng tập trung tại Chợ Hạ Long 1 để hỗ trợ nông dân các xã Dân Chủ, Hòa Bình tiêu thụ sản phẩm…
Các cơ quan chức năng cũng hướng dẫn các xã, phường, đơn vị, hộ sản xuất có sản phẩm tiềm năng tham gia vào chu trình OCOP. Năm 2022, thành phố đã phối hợp tổ chức thẩm định 14 sản phẩm mới của 7 tổ chức trên địa bàn tham gia chương trình OCOP của tỉnh; giám sát trực tiếp tại 2 cơ sở sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm OCOP; phối hợp với Viettel Quảng Ninh và VNPT Quảng Ninh hướng dẫn cho các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP trên địa bàn lên 2 sàn thương mại điện tử Voso.vn và Postmart.vn với 65 sản phẩm.
Các giải pháp hỗ trợ của chính quyền địa phương, sự vào cuộc của các doanh nghiệp thời gian qua đã góp phần thúc đẩy thương mại, dịch vụ trên địa bàn ngày càng phát triển. Năm 2022, giá trị sản xuất ngành dịch vụ - thương mại của TP Hạ Long đạt khoảng 48.847,7 tỷ đồng, tăng 15,9% so với năm 2021.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()