Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:41 (GMT +7)
Phát triển hạ tầng, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt
Thứ 3, 06/08/2024 | 11:01:12 [GMT +7] A A
Ngày 28/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 1813/QĐ-TTg. Thực hiện Quyết định này, tỉnh Quảng Ninh đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp thiết thực để đưa TTKDTM thành thói quen của người dân. Qua đó, giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt; ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán, dịch vụ TTKDTM, đáp ứng nhu cầu thanh toán một cách thuận tiện, hiệu quả của tổ chức, cá nhân…
Trong đó, tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm phát triển hạ tầng công nghệ thông tin. Nhờ đó, hạ tầng viễn thông cơ bản đáp ứng yêu cầu triển khai chuyển đổi số toàn diện tỉnh, phục vụ tốt việc vận hành, sử dụng các ứng dụng hệ thống chính quyền điện tử, ứng dụng TTKDTM và nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân trên địa bàn. Đến nay, toàn tỉnh có 6.287 trạm thu phát sóng di động; tỷ lệ dân số được phủ sóng mạng di động 4G trở lên đạt 99,96%; tỷ lệ dân số được phủ sóng Internet đạt 100% với tốc độ truy cập trung bình xấp xỉ tốc độ trung bình của cả nước; tỷ lệ thuê bao sử dụng điện thoại di động đạt 1,3 thuê bao/người dân, cao hơn bình quân cả nước (1,23 thuê bao/người dân).
Đặc biệt, để đáp ứng yêu cầu về thanh toán trực tuyến, từ năm 2022, Sở Thông tin và Truyền Thông đã thực hiện tích hợp, kết nối nền tảng thanh toán trực tuyến Payment Platform của Cổng dịch vụ công Quốc gia với hệ thống Một cửa điện tử và Cổng dịch vụ công của tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh tiếp tục duy trì ổn định hệ thống thanh toán trực tuyến qua Cổng dịch vụ công Quốc gia với tỷ lệ thanh toán trực tuyến đạt 30,1% (tăng 5,2% so năm 2023).
Song song với đó, các ngân hàng cũng chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ TTKDTM, nhất là thanh toán điện tử tiếp tục được phát huy hiệu quả, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán ngày càng tăng của xã hội và thích ứng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Đến nay, trên địa bàn có 432 máy ATM, 3.194 máy POS với trên 2.400 điểm chấp nhận thanh toán thẻ tại hầu hết các cơ sở bán lẻ, chuỗi phân phối, khách sạn và tiếp tục mở rộng ra các cơ sở y tế, trung tâm phục vụ hành chính công, trường học... Bên cạnh đó, việc thanh toán sử dụng mã QR Code đã được ứng dụng và triển khai rộng rãi nhằm thúc đẩy, khuyến khích và tạo thói quen thanh toán qua thiết bị di động phù hợp với xu thế phát triển của thế giới và hành vi người tiêu dùng, mang lại nhiều lợi ích, thuận tiện và an toàn cho khách hàng.
Cùng với đó, để phát triển dịch vụ thanh toán, các tổ chức tín dụng đã chú trọng phát triển mạnh hệ sinh thái số với các sản phẩm, dịch vụ, phương thức thanh toán mới, an toàn, tiện lợi, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp. Nhiều dịch vụ, phương thức thanh toán mới như mở tài khoản/mở thẻ bằng phương thức điện tử (eKYC), thanh toán/rút tiền tại ATM bằng QR Code, thanh toán thẻ chíp phi tiếp xúc (contactless chip), xác thực thanh toán sinh trắc học, mã hóa thông tin thẻ (tokenization) đã được các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán tích hợp vào trong sản phẩm, dịch vụ để nâng cao tiện ích, an toàn bảo mật. Qua đó góp phần phổ biến TTKDTM đến với người dân.
Đến nay, trên địa bàn có 3,4 triệu tài khoản cá nhân ở các tổ chức tín dụng (tăng 223 nghìn tài khoản so 31/12/2023), trong đó có 2,5 triệu tài khoản đang hoạt động, 595.000 tài khoản mở bằng hình thức trực tuyến (eKYC); có 61.474 tài khoản doanh nghiệp; bình quân khoảng 2,5 tài khoản đang hoạt động/1 người dân từ 15 tuổi trở lên. Ngoài ra, đến 30/6/2024, trên địa bàn hiện có 803,5 nghìn tài khoản Mobile – Money, trong đó Viettel: 645,9 nghìn tài khoản, VNPT: 96,7 nghìn tài khoản, Mobifone: 60,9 nghìn tài khoản.
Hiện tại, toàn tỉnh có 19 chợ hạng 1; 11 chợ hạng 2 và 13 chợ hạng 3 đã triển khai Mô hình Chợ 4.0; 100% các chợ trung tâm chấp nhận thanh toán các khoản phí và thực hiện thanh toán hóa đơn điện, nước thông qua các phương thức TTKDTM; tỷ lệ số hộ kinh doanh tại chợ chấp nhận phương thức TTKDTM đạt trung bình là 83%. Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Quảng Ninh sẽ tiếp tục hoàn thiện hạ tầng, dịch vụ, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trên cơ sở ứng dụng công nghệ, tạo thuận lợi cho người dân, đặc biệt là người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa tiếp cận được dịch vụ TTKDTM.
Bảo Bình
Liên kết website
Ý kiến ()