Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 16:33 (GMT +7)
Phát triển du lịch cộng đồng từ các làng dân tộc thiểu số
Thứ 2, 17/07/2023 | 07:47:33 [GMT +7] A A
Sở hữu cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, ẩm thực đặc sắc và nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, các địa phương Bình Liêu, Ba Chẽ, Hải Hà, Móng Cái đang có những bước đi đầu tiên trong phát triển du lịch cộng đồng. Điều này không chỉ góp phần bảo vệ, phát huy những giá trị văn hóa vốn có, mà còn giúp người dân phát triển kinh tế trên mảnh đất quê hương.
Độc đáo sắc màu văn hóa Bình Liêu
Giữa trập trùng núi và mây, những ngôi nhà đất cổ còn sót lại tại thôn Bản Cáu (xã Lục Hồn) vẫn lưu giữ nét trầm mặc chứa đựng văn hóa độc đáo, riêng có của mình. Trong không gian mang đậm dấu ấn thời gian ấy là cuộc sống bình yên của những con người đã gắn bó cả đời mình với mảnh đất này. Chị Tô Mai (thôn Bản Cáu), một trong những chủ nhân của ngôi nhà đất cổ, chia sẻ: "Tôi sinh và và lớn lên ở thôn, trong ngôi nhà đất cổ. Đây chính là nơi lưu giữ kỷ niệm và những nét văn hóa truyền thống để con cái nhớ về cội nguồn. Dù đã xây dựng thêm một ngôi nhà bê tông vững chắc, nhưng mọi sinh hoạt tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên vẫn được thực hiện ở ngôi nhà đất cổ này".
Thôn Bản Cáu hiện có 11 hộ dân còn lưu giữ những ngôi nhà gạch đất. Theo ông Loan Thành Len, Chủ tịch UBND xã Lục Hồn, nhà gạch đất của người Tày ở Bình Liêu vẫn còn giữ được khá nguyên gốc những giá trị vốn có. Người Tày có câu “Hết kên ngòi mò mả, ngài dú thả tì lườn” (làm ăn xem phần mộ, ở tốt xem nền nhà), ý nói việc chọn đất làm nhà rất quan trọng. Ở Bình Liêu, các bản làng người Tày tập trung dưới chân núi, ở các thung lũng. Họ thường chọn nơi đất bằng phẳng, cao ráo, gần nguồn nước, gần ruộng vườn để xây nhà. Kiến trúc nhà đặc trưng được làm hoàn toàn bằng vật liệu tự nhiên là cây, đất và đá. Móng nhà làm bằng đá lấy từ các bãi đá ở bờ sông. Gạch xây nhà lấy từ bùn ở ruộng. Toàn bộ xà, cột, đinh được lấy từ gỗ, tre, nứa ở trong rừng, hoặc nhà trồng được. Nhà đất được lợp bằng ngói âm dương - loại ngói được làm từ đất sét đỏ được nung trong 3 ngày đêm.
Không chỉ giữ những nếp nhà, người dân nơi đây luôn tự hào khi khoác lên mình trang phục truyền thống của dân tộc mình, nó chắt chiu những tinh hoa văn hóa trong từng đường nét họa tiết, thể hiện vẻ đẹp duyên dáng, kín đáo mà rất mực đằm thắm của người dân nơi đây. Nét đẹp văn hóa dân tộc còn được người dân gìn giữ qua những nghề thủ công truyền thống như rèn, chạm bạc, đan lát, may vá…
Với vốn văn hóa dân tộc quý giá, mang tính độc bản của người dân thôn Bản Cáu nói riêng, các dân tộc trên địa bàn huyện Bình Liêu nói chung, những năm qua cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc đã quan tâm gìn giữ, dành nhiều nguồn lực để phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, khai thác để trở thành sản phẩm du lịch bền vững.
Bên cạnh ban hành nhiều chính sách, nghị quyết mang tính định hướng lâu dài, huyện Bình Liêu đã tổ chức khôi phục và duy trì các lễ hội đặc sắc của các dân tộc thiểu số (DTTS). Có thể kể đến: Lễ hội đình Lục Nà của dân tộc Tày; Hội hát Tháng Ba của dân tộc Sán Chay; Ngày lễ “Kiêng gió” của người Dao Thanh Phán; chợ phiên vào chủ nhật hằng tuần. Huyện cũng chú trọng xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của CLB văn nghệ nhằm xây dựng phong trào văn hóa văn nghệ cơ sở, giữ gìn và phát huy các làn điệu hát dân ca truyền thống, như hát then của dân tộc Tày, hát pả dung của dân tộc Dao, hát soóng cọ của dân tộc Sán Chay. Đến nay huyện có 21 CLB văn nghệ, trong đó có 9 câu lạc bộ văn nghệ cấp xã, duy trì sinh hoạt động đều đặn. Huyện có 4 Nghệ nhân Ưu tú được vinh danh cấp Nhà nước, 2 Nghệ nhân dân gian Việt Nam do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng vì có thành tích gìn giữ và phát huy vốn di sản văn hóa phi vật thể.
Công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống còn được triển khai thông qua gìn giữ trang phục dân tộc: Mặc trang phục dân tộc tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện; phát động tới CBCCVC, NLĐ trong các cơ quan hành chính nhà nước mặc trang phục dân tộc ít nhất 2 buổi/tuần trong các ngày làm việc và trong các cuộc hội nghị, các sự kiện lớn của huyện; giáo viên, học sinh ngành Giáo dục mặc trang phục dân tộc vào thứ 2 và thứ 6; người dân mặc trang phục của dân tộc mình khi tham dự các lễ hội, sự kiện lớn.
Triển khai song hành với công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, huyện khai thác các giá trị văn hóa truyền thống để phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng. Huyện xây dựng 7 nhóm sản phẩm theo chuyên đề, nổi bật là: Du lịch khám phá, trải nghiệm bản sắc văn hóa dân tộc, trải nghiệm các lễ hội ngày hội truyền thống của dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ. Đồng thời xây dựng các bản làng văn hóa đặc trưng cho các DTTS, trở thành “bảo tàng sống” trải nghiệm văn hóa các dân tộc. Du lịch cộng đồng, hoạt động trải nghiệm văn hóa các dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ trên địa bàn huyện ngày càng phát triển, thu hút được cộng đồng nhân dân tham gia hoạt động du lịch; các dịch vụ homestay được hình thành như Homstay A Dào, Sông Moóc House, Hoàng Sằn... Bình Liêu đã trở thành một điểm đến hấp dẫn trong bản đồ du lịch văn hóa các dân tộc của tỉnh; năm 2022 huyện đón gần 101.000 lượt du khách, doanh thu đạt 53 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 203 đón khoảng 54.100 lượt du khách, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 27 tỷ đồng.
Bảo tồn và phát huy các giá trị đặc sắc, riêng có
Ngày 21/6/2023,UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 161/KH-UBND về thí điểm xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa 4 làng DTTS gắn với phát triển du lịch cộng đồng, khu vực miền núi tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2023-2025. Theo đó trong giai đoạn 2023-2025, tỉnh sẽ thí điểm xây dựng 4 làng DTTS: Làng người Dao ở thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn, TP Móng Cái; làng người Tày ở thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu; làng người Sán Dìu ở thôn Vòng Tre, xã Bình Dân, huyện Vân Đồn; làng người Sán Chỉ (Sán Chay) ở thôn Lục Ngù, xã Húc Động, huyện Bình Liêu.
Mục tiêu của kế hoạch nhằm xây dựng mô hình tổ chức cộng đồng dân cư thôn/làng với không gian và sinh hoạt hằng ngày mang sắc thái văn hóa đặc trưng của DTTS (Tày, Dao, Sán Dìu, Sán Chỉ). Đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc trân quý, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình; khơi dậy tinh thần tự hào, tự trọng, tự tôn dân tộc, tự lực vươn lên của mỗi cá nhân, hộ gia đình người DTTS trong việc bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc mình, gắn với phát triển du lịch cộng đồng tạo sinh kế bền vững; hăng hái thi đua làm giàu chính đáng; tích cực, chủ động bảo vệ môi trường tự nhiên; bảo vệ trật tự, an ninh khu vực.
Xây dựng, bảo tồn các làng dân tộc này được gắn với xây dựng NTM kiểu mẫu, NTM tiên tiến, Chương trình OCOP Quảng Ninh; phát triển kinh tế đa ngành. Bên cạnh đó, phát huy cao nhất sự tham gia tự nguyện, tích cực của người dân và lấy người dân làm trung tâm, nòng cốt và là người được thụ hưởng từ thành quả xây dựng làng dân tộc; khuyến khích người dân tự nguyện đầu tư cải thiện, nâng cấp cơ sở vật chất để hình thành các điểm đến đạt tiêu chuẩn đón khách du lịch; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư, liên kết phát triển du lịch cộng đồng phù hợp.
Cũng trong giai đoạn 2023-2025, Quảng Ninh sẽ xây dựng thêm 9 điểm du lịch cộng đồng có giá trị nổi trội về tài nguyên du lịch, giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương, đáp ứng tiêu chí về khả năng cung ứng, tính cộng đồng và giá trị bền vững. Giai đoạn sau năm 2025, tỉnh sẽ tập trung đánh giá, rà soát kết quả thực hiện các chính sách; điều chỉnh, cập nhật số lượng điểm phát triển du lịch cộng đồng còn lại theo điều kiện thực tế và cân đối nguồn ngân sách.
Hưởng ứng kế hoạch của tỉnh, các địa phương đã định hướng, chủ động phát huy các giá trị truyền thống gắn với phát triển du lịch. Điển hình, huyện Vân Đồn đã có kế hoạch xây dựng làng văn hóa DTTS thôn Vòng Tre, xã Bình Dân, theo hướng văn hóa du lịch kết hợp với xây dựng thôn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Xã Bình Dân hiện có 379 hộ dân/1.356 nhân khẩu, gồm 6 dân tộc anh em cùng sinh sống, là Sán Dìu (thuộc dân tộc Sán Chay), Dao, Kinh, Tày, Nùng, Hoa; trong đó người Sán Dìu chiếm trên 95%. Đến nay người Sán Dìu vẫn lưu giữ truyền thống giao tiếp bằng tiếng nói của dân tộc mình. Trẻ em sinh ra hầu hết đều được cha mẹ, ông bà dạy tiếng dân tộc mình ngay từ lúc tập nói. Trang phục dân tộc được duy trì mặc vào các ngày lễ, Tết, dịp biểu diễn văn hoá, văn nghệ...
Ông Đào Văn Vũ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vân Đồn, cho biết: Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, huyện và xã Bình Dân phải thực hiện trong năm 2023, cũng là thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, gắn với xây dựng chương trình NTM và giảm nghèo bền vững. Huyện sẽ chỉ đạo xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt nội dung của kế hoạch đến cán bộ, nhân dân. Xác định người dân phải là chủ thể, là động lực của chương trình. Xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể, lựa chọn cá nhân đam mê làm du lịch dịch vụ, khuyến khích, vận động người dân làm du lịch, dịch vụ về lĩnh vực ẩm thực, văn hoá truyền thống, du lịch trải nghiệm… Bên cạnh đó, thực hiện trồng cây xanh, cây hoa tạo cảnh quan, môi trường, phát động duy trì ngày chủ nhật xanh, làm tốt công tác vệ sinh môi trường… Huyện yêu cầu Phòng GD&ĐT phối hợp với MTTQ, các đoàn thể xã Bình Dân tuyên truyền, vận động nhân dân may trang phục truyền thống cho học sinh, duy trì thứ hai đầu tuần chào cờ mặc trang phục truyền thống.
Giá trị văn hóa các DTTS trên địa bàn tỉnh là một bộ phận quan trọng trong di sản văn hóa dân tộc Việt Nam, là tài sản vô giá của thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau. Bảo tồn và phát huy văn hóa các dân tộc đã góp phần gìn giữ, bảo tồn những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của các DTTS, không bị mai một, hòa nhập trong nền văn hóa toàn cầu. Qua đó góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra.
Hoàng Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()