Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 14:36 (GMT +7)
Phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ: Tạo bứt phá, nâng sức cạnh tranh
Thứ 4, 23/06/2021 | 09:51:23 [GMT +7] A A
Dưới sự hỗ trợ và đồng hành sát sao với doanh nghiệp của tỉnh, nhiều doanh nghiệp KH&CN đã và đang đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, nhất là các sản phẩm nghiên cứu khoa học vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh. Từ đó, tạo ra sức bật lớn, tăng giá trị, chất lượng, hiệu quả sản xuất, phát triển bền vững.
Nền tảng phát triển, hội nhập
Nhận thức được tầm quan trọng của việc trở thành doanh nghiệp KH&CN, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và giá trị của các sản phẩm. Qua đó, tạo được sự bứt phá, nâng cao sức cạnh tranh.
Điển hình như Công ty TNHH Nuôi trồng, sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc đã hoàn thiện và phát triển quy trình sản xuất, chế biến khép kín từ khâu ươm trồng, nuôi giống đến sản xuất, chế biến các sản phẩm trên dây chuyền hiện đại. Hiện nay, các sản phẩm của công ty gồm: Trà giảo cổ lam; trà bổ gan, trà giải độc gan; trà diệp hạ châu; viên tiểu đường; viên chè vằng; viên giải rượu, giải độc gan... đều là sản phẩm OCOP và xếp hạng 4 sao, được người tiêu dùng đánh giá cao. Năm 2020, công ty mở rộng đầu tư trên 10 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất dược phẩm đạt tiêu chuẩn GMP.
Hay như Chi nhánh Công ty TNHH Quang Vinh, sau khi thực hiện dự án ứng dụng KHCN sản xuất gốm sứ cao cấp, đã giảm 30% lượng khí gas nhờ thu hồi nhiệt thừa trong lò nung để sấy sản phẩm mộc, giảm sản phẩm lỗi hỏng, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng suất lao động với công nghệ mới, hiện đại, sản phẩm sản xuất ra có giá thành hạ trên 30%. Sản phẩm của công ty được xuất khẩu sang các thị trường lớn, như: Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Đức, Chi Lê, Colombia, Đan Mạch...
Một số doanh nghiệp khác như: Công ty CP Thiết bị điện Cẩm Phả, Công CP Thiết kế và Phát triển công nghệ xây dựng SPAN, Công ty CP Gạch ngói Đất Việt, Công ty TNHH MTV KH&CN cơ khí Trí Đạt... đều có mức tăng trưởng cao qua các năm, nghiên cứu phát triển thêm sản phẩm mới và mở rộng thị trường nhờ vào hiệu quả hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ sau khi thành lập và hoạt động theo mô hình doanh nghiệp KH&CN.
Tính đến nay Quảng Ninh đã có 21 doanh nghiệp KH&CN, đứng thứ tư toàn quốc, sau TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Thanh Hoá. Tỉnh có 185 sản phẩm được hình thành từ kết quả KH&CN ở các doanh nghiệp.
|
Các sản phẩm từ những doanh nghiệp KH&CN đã trở thành thương hiệu mạnh, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong nước cũng như quốc tế. Nhiều doanh nghiệp được nhận bằng khen của Chính phủ, của tỉnh, giải thưởng của các tổ chức có uy tín trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh.
Với mục tiêu thúc đẩy phát triển doanh nghiệp KH&CN, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh, Sở KH&CN đang triển khai nhiều giải pháp đồng hành, tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc triển khai các nhiệm vụ KH&CN, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, hướng dẫn, tổ chức nghiệm thu kết quả KH&CN… để đảm bảo các hồ sơ luận chứng rõ ràng, đủ điều kiện cho việc chứng nhận doanh nghiệp KH&CN. Song song với đó là hỗ trợ các doanh nghiệp về dây chuyền công nghệ tiên tiến, chuyển giao công nghệ mới, đào tạo, quản trị, vận hành doanh nghiệp... nhằm phát triển các sản phẩm mới, có sức cạnh tranh trên thị trường.
Theo ông Hoàng Bá Nam, Giám đốc Sở KH&CN, tính đến nay Quảng Ninh đã có 21 doanh nghiệp KH&CN, đứng thứ tư toàn quốc, sau TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Thanh Hoá. Trong đó, có 6 doanh nghiệp KH&CN trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xây dựng; 9 doanh nghiệp KH&CN nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; 2 doanh nghiệp KH&CN y tế, dược; 3 doanh nghiệp KH&CN chế biến thực phẩm; 1 doanh nghiệp KH&CN trong lĩnh vực CNTT. Đã có 185 sản phẩm được hình thành từ kết quả KH&CN ở các doanh nghiệp này. Các doanh nghiệp KH&CN sẽ được Chính phủ ưu đãi những cơ chế, chính sách về thuế, tín dụng, tiền thuê đất, hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, thương mại hóa kết quả nghiên cứu KH&CN vào nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của đơn vị.
Khắc phục hạn chế, đồng hành cùng doanh nghiệp
Mặc dù có nhiều nỗ lực, song cũng theo lãnh đạo Sở KH&CN, việc phát triển doanh nghiệp KH&CN trên toàn quốc nói chung và trên địa bàn Quảng Ninh nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng, nhu cầu của các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức rõ về những lợi ích khi trở thành doanh nghiệp KH&CN.
Nguyên nhân được xác định, do công tác truyền thông còn chưa sâu rộng; nhiều doanh nghiệp chưa đặt sự quan tâm vào hoạt động KH&CN để nâng tầm giá trị sản phẩm, đề xuất chương trình, nhiệm vụ KH&CN để tạo ra các sản phẩm KH&CN; một số điều kiện, thủ tục để thụ hưởng chính sách ưu đãi sau khi trở thành doanh nghiệp KH&CN còn những bất cập, khiến doanh nghiệp còn nhiều e ngại.
Khắc phục những hạn chế trên, Giám đốc Sở KH&CN cho biết: Thời gian tới, Sở sẽ tăng cường phối hợp với Cục Phát triển thị trường doanh nghiệp (Bộ KH&CN) triển khai các hội thảo, tọa đàm online, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp KH&CN tiếp cận được với các chính sách mới của Nhà nước. Đồng thời, nâng cao năng lực hỗ trợ tư vấn doanh nghiệp KH&CN thụ hưởng các chính sách ưu đãi; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình đổi mới công nghệ, đăng ký triển khai các nhiệm vụ KH&CN hằng năm. Cùng với đó, hỗ trợ doanh nghiệp KH&CN trong việc đầu tư, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm KHCN, tạo giá trị gia tăng cao; đồng hành sát sườn để nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong hoạt động KH&CN, hướng dẫn, thúc đẩy các doanh nghiệp thành lập doanh nghiệp KH&CN.
Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()