Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 21:18 (GMT +7)
TP Hạ Long: Phát triển đô thị bền vững
Thứ 6, 05/08/2022 | 08:45:56 [GMT +7] A A
Đến nay diện mạo đô thị của thành phố ngày càng khang trang, sạch đẹp; ý thức thực hiện văn minh đô thị của nhân dân được nâng lên; các vi phạm về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, an toàn giao thông giảm...
Kiên quyết xử lý vi phạm
So với nhiều địa phương, TP Hạ Long có tốc độ đô thị hóa cao, hoạt động xây dựng diễn ra rộng khắp, nên tình trạng vi phạm về trật tự xây dựng đô thị vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi. Các vi phạm chủ yếu là người dân xây dựng trái phép, không phép, sai quy hoạch xây dựng, sai thiết kế được duyệt, lấn chiếm đất đai... Điều này không chỉ ảnh hưởng đến an toàn giao thông, mà còn làm mất mỹ quan đô thị. Nếu không xử lý nghiêm sẽ gây hệ lụy về công tác quản lý kiến trúc, quy hoạch của thành phố.
Trước thực trạng này, thành phố đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho các doanh nghiệp và người dân về việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực đất đai, bảo vệ môi trường và hoạt động xây dựng. Đối với những trường hợp cố tình vi phạm, thành phố tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, xử lý.
Từ năm 2020 đến nay, UBND thành phố đã chỉ đạo kiểm tra xử lý 48 quy hoạch có vi phạm theo chỉ đạo của UBND tỉnh; triển khai 8 cuộc thanh tra đối với 8 đơn vị về công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng đô thị, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, công tác quản lý tài chính, ngân sách và thực hiện các công trình dự án đầu tư xây dựng cơ bản...
Qua đó, kiến nghị xử lý thu hồi 4 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sai quy định; hủy bỏ 16 đồ án quy hoạch chi tiết; thu hồi nộp ngân sách nhà nước trên 3,8 tỷ đồng, giảm giá trị quyết toán 146 triệu đồng. Các đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố cũng xử phạt trên 170 trường hợp lấn chiếm, tự ý sử dụng đất với diện tích gần 500ha; 82 trường hợp sử dụng sai mục đích với diện tích khoảng 20ha; thu hồi và chấm dứt hoạt động nuôi trồng thủy sản (xen lẫn rừng ngập mặn) đối với 202 hộ, diện tích trên 1.080ha; phát hiện, xử lý 357 trường hợp lấn chiếm, hủy hoại đất, tự ý san gạt, hạ cốt nền, 120 công trình xây dựng sai phép, không có giấy phép... với số tiền xử phạt vi phạm hành chính 2.703,5 triệu đồng.
Trong 6 tháng năm 2022, đối với lĩnh vực trật tự xây dựng, thành phố đã ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính 175 trường hợp; tổng số tiền phạt gần 5 tỷ đồng và yêu cầu 357 trường hợp phải thực hiện khắc phục hậu quả.
Để nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự ATGT, trật tự đô thị, thành phố coi trọng nhiệm vụ đảm bảo ATGT và quản lý vỉa hè. Các lực lượng chức năng của thành phố đã có nhiều biện pháp quyết liệt trong việc lập lại trật tự kỷ cương giao thông đô thị, không để tái diễn tình trạng lấn chiếm, sử dụng trái phép vỉa hè, lòng đường gây cản trở giao thông. Nhờ đó, ý thức của người dân ngày càng được nâng lên. Năm 2021, thành phố tiến hành tháo dỡ gần 2.000m2 mái che, mái vẩy, thu giữ hơn 1.600 ô dù, biển quảng cáo, xử phạt vi phạm hành chính gần 7.000 phương tiện dừng, đỗ sai quy định; 6 tháng đầu năm 2022 vi phạm đã giảm đáng kể, chỉ có gần 300 ô dù, biển quảng cáo bị thu giữ, trên 2.800 phương tiện bị xử phạt do dừng, đỗ xe dưới lòng đường, vỉa hè trái phép.
Cần quyết liệt khắc phục tồn tại
Thực tế cho thấy, công tác quản lý đô thị của TP Hạ Long vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là trong lĩnh vực xây dựng. Mặc dù, phần lớn các trường hợp vi phạm đều đã được các đơn vị chức năng kiểm tra, phát hiện, kịp thời tham mưu UBND thành phố ban hành các quyết định xử lý vi phạm theo quy định, nhưng tình trạng chủ công trình vi phạm chưa nghiêm túc thực hiện ngừng thi công, tháo dỡ bộ phận công trình vi phạm theo quyết định xử phạt vẫn có hiện tượng gia tăng và tiếp diễn.
Nguyên nhân chính là ở các công trình nhỏ lẻ, nhà ở..., một số chủ đầu tư nhận thức không đúng về các quy định pháp luật xây dựng, dẫn đến hành vi vi phạm trật tự xây dựng. Những khu vực có vị trí xa trung tâm, trục đường chính, giáp đồi núi, một số chủ đầu tư có suy nghĩ cơ quan chức năng không kiểm tra, xử lý, nên cố tình thực hiện hành vi vi phạm hoặc khi bị kiểm tra, xử phạt thì cố tình không chấp hành, chống đối. Đối với các công trình quy mô lớn (nhà cao tầng, khách sạn, dịch vụ...) việc thực hiện các thủ tục hành chính, hoàn thiện hồ sơ mất nhiều thời gian, phức tạp, liên quan nhiều bộ, ngành, đơn vị, do đó có một số chủ đầu tư cố tình đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng (xây dựng khi chưa được cấp giấy phép xây dựng, sai thiết kế được duyệt, xây dựng vượt mật độ xây dựng, chỉ giới, khoảng lùi, tầng cao...) trước lúc hoàn thiện hồ sơ pháp lý theo quy định (vì mức phạt còn thấp so với lợi ích xây dựng công trình mang lại).
Những khó khăn nói trên khiến cho việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, trật tự đô thị chưa được giải quyết triệt để. Điển hình như những vi phạm tại dự án Khu đô thị mới hiện đại phía Đông hòn Cặp Bè (phường Hồng Hải), do Công ty TNHH HDMON Hạ Long làm chủ đầu tư (hiện còn 380 công trình vi phạm) và Khu đô thị mới Vinhomes Dragon Bay (phường Hồng Gai) do Tập đoàn Vingroup - Công ty CP làm chủ đầu tư (211 công trình vi phạm). Đa phần các công trình này xây dựng, cơi nới tum, thay đổi kết cấu, tự ý nâng tầng. Các lực lượng chức năng của thành phố đã lập biên bản, phạt hành chính, yêu cầu tháo dỡ, trả lại đúng thiết kế ban đầu; nhưng việc khắc phục vi phạm vẫn chưa có nhiều chuyển biến.
Vì vậy, thành phố cần có những biện pháp mạnh tay hơn nữa trong công tác xử lý vi phạm. Nếu sau nhiều lần vận động, tuyên truyền người dân không chấp hành, thành phố cần triển khai đồng loạt các biện pháp cưỡng chế, phá dỡ các bộ phận công trình vi phạm theo đúng quy định của pháp luật để thể hiện sự thượng tôn pháp luật và góp phần xây dựng trật tự xã hội kỷ cương, xây dựng đô thị ngày càng văn minh. Đồng thời, cần có những biện pháp chấn chỉnh, xử lý đối với các xã, phường để xảy ra tình trạng vi phạm kéo dài.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()