Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:36 (GMT +7)
Phát triển Đảng trong đội ngũ thợ lò người dân tộc thiểu số Kỳ 2: Những tín hiệu khả quan
Thứ 4, 04/10/2023 | 10:19:54 [GMT +7] A A
Đánh giá từ các tổ chức cơ sở Đảng khối khai thác than hầm lò vùng Hạ Long, Cẩm Phả cho thấy, số lượng công nhân người dân tộc thiểu số được kết nạp Đảng chưa nhiều nhưng những đảng viên sau khi được kết nạp đều là những công nhân tiêu biểu, được đánh giá cao về tay nghề, có bản lĩnh chính trị, đạo đức, tác phong của người đảng viên; được lãnh đạo và đồng nghiệp tín nhiệm, yêu mến. Họ chính là lực lượng nòng cốt để tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước cho các đồng nghiệp, đồng hương hiệu quả nhất. Ghi nhận từ cách làm của một Đảng bộ cơ sở.
Công ty Cổ phần Than Núi Béo - Vinacomin là đơn vị duy nhất trong TKV chuyển đổi sản xuất từ lộ thiên sang hầm lò. Khi còn khai thác than bằng phương pháp lộ thiên, lực lượng công nhân lao động của Công ty chủ yếu là dân tộc Kinh, quê ở các tỉnh của vùng đồng bằng Bắc bộ. Lúc đó công tác phát triển Đảng thực hiện khá thuận lợi, lực lượng đảng viên chất lượng tương đối đồng đều.
Tuy nhiên, sau 6 năm chuyển hướng sang khai thác than hầm lò, nguồn lao động của Công ty dần thay đổi. Thợ lò chủ yếu đến từ các tỉnh vùng núi phía Bắc, là người dân tộc thiểu số. Hiện nay, Công ty có trên 3.300 lao động, trong đó thợ lò Công ty tuyển dụng được người dân tộc thiểu số là 900 người.
Lực lượng lao động này nhiều như vậy nhưng số lượng đảng viên chiếm tỷ lệ rất thấp, mới chỉ có hơn 20 người. Trước thực trạng này, thấy được tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác phát triển đảng viên người dân tộc thiểu số trong Công ty thời kỳ sản xuất mới, Đảng bộ Công ty đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo các chi bộ có đông lao động người dân tộc thiểu số chú trọng xây dựng lực lượng quần chúng ưu tú nhằm tạo nguồn cho công tác phát triển Đảng. Ông Đặng Bá Sơn, Bí thư chi bộ - Quản đốc Công trường Khai thác 5 cho biết: Hiện nay, Chi bộ đã giới thiệu được 2 công nhân ưu tú người dân tộc thiểu số học lớp cảm tình Đảng, còn lại một số đối tượng đang triển khai xác minh lý lịch. Chi bộ sẽ quan tâm phát hiện, bồi dưỡng các công nhân người dân tộc thiểu số có triển vọng trong thời gian tới.
Dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ Công ty, các tổ chức đoàn thể như: Đoàn thanh niên, Công đoàn, Hội Cựu chiến binh đã có những cách thức tổ chức hoạt động, sinh hoạt, tuyên truyền đổi mới phù hợp. Đây là cơ sở quan trọng để công tác phát triển Đảng trong công nhân người dân tộc thiểu số ở Công ty có nhiều chuyển biến.Công đoàn Công ty đã tập trung chăm lo đời sống công nhân lao động nói chung, thợ lò người dân tộc thiểu số nói riêng, coi đây là yếu tố then chốt góp phần tạo nguồn phát triển đảng viên trong lực lượng lao động này. Ban Chấp hành Công đoàn Công ty thường xuyên chỉ đạo các công đoàn bộ phận đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức chính trị cho lực lượng đoàn viên này, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho họ thể hiện năng lực và động cơ phấn đấu trở thành đảng viên. Dưới sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Công đoàn Công ty, Công đoàn các bộ phận luôn kiên trì tiếp xúc, trao đổi, tuyên truyền cho lao động vùng cao ngày càng hiểu hơn về vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong lịch sử phát triển của giai cấp công nhân. Để sẻ chia một phần khó khăn đối với người dân vùng cao, Công đoàn Công ty tổ chức nhiều đoàn từ thiện đi ủng hộ đồng bào dân tộc một số xã thuộc tỉnh Sơn La, Cao Bằng, Lai Châu - quê hương của nhiều công nhân đang làm thợ lò tại Công ty. Việc làm này được đông đảo bà con địa phương và thợ lò ghi nhận.
Cùng với đó, Công ty đã mở các lớp tìm hiểu về phong tục tập quán của nhiều dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc cho cán bộ chỉ huy sản xuất ở các đơn vị để có cách ứng xử phù hợp, dần dần tìm được tiếng nói chung với công nhân vùng cao.
Bên cạnh việc khuyến khích, động viên nhiều đoàn viên người dân tộc thiểu số làm việc đủ ngày công, Đoàn thanh niên Công ty đã vận động họ tích cực tham gia các phong trào thi đua, sinh hoạt chi đoàn, giao lưu văn nghệ, thể thao. Với nội dung gần gũi, phù hợp với tâm lý đoàn viên người dân tộc thiểu số, các hoạt động này giúp họ dễ tiếp cận và có hứng thú tham gia, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần và tạo sự gắn kết giữa lực lượng thanh niên này với Công ty.
Mặc dù số lượng đảng viên người dân tộc thiểu số chưa nhiều nhưng Đảng ủy Công ty không nóng vội trong khâu kết nạp mà luôn coi trọng chất lượng, chỉ tập trung bồi dưỡng quần chúng thực sự ưu tú cho Đảng. Thợ lò Nông Văn Thành, người dân tộc Tày, công nhân Công trường Khai thác 2 là một trong những công nhân tiêu biểu người dân tộc thiểu số được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 12/11/2018 tại Công ty. Anh tự hào chia sẻ: Trở thành đảng viên là vinh dự lớn đối với tôi. Trong 5 năm vừa qua, tôi luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và sẽ tiếp tục gương mẫu rèn luyện tác phong làm việc, bản lĩnh chính trị để các đồng nghiệp vùng cao học tập theo.
Mới đây nhất, thợ lò Thào A Thênh, người dân tộc H’mông, công nhân Công trường Khai thác 5 đã được Đảng bộ Công ty kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam dịp 2/9/2023. Anh là một trong những nhân tố điển hình trong lao động sản xuất, luôn đảm bảo ngày công với mức thu nhập khá ổn định. Tới đây, anh sẽ đại diện cho lực lượng lao động người dân tộc thiểu số của Công ty tham gia Hội thi chọn Thợ giỏi và Hội thi An toàn - Vệ sinh viên giỏi cấp Tập đoàn năm 2023.
Hiện nay, nhiều đảng viên người dân tộc thiểu số tiêu biểu được Công ty bố trí, đảm nhận các vị trí sản xuất quan trọng, có thể kể đến các đảng viên: Phùn A Nhì, dân tộc Dao là tổ trưởng sản xuất Công trường Khai thác 5; Sồng A Vạng, dân tộc H’mông là nhóm trưởng sản xuất ở Công trường Đào lò 3; Tráng A Dủa, dân tộc H’mông là nhóm trưởng sản xuất Công trường Đào lò 1...
Có thể nói, công tác phát triển Đảng trong công nhân lao động người dân tộc thiểu số thời gian qua của Than Núi Béo đạt được kết quả ban đầu rất đáng ghi nhận. Từ năm 2017 - năm Công ty bắt đầu đi vào khai thác hầm lò và tăng cường tuyển sinh lao động hầm lò, đến nay, trung bình mỗi năm, Đảng bộ Công ty tiếp nhận hoặc kết nạp được từ 2 đảng viên người dân tộc thiểu số trở lên.
Tuy số lượng kết nạp đảng viên là thợ lò người dân tộc thiểu số còn ít so với tổng số đảng viên, chưa tương xứng với sự phát triển của lực lượng công nhân lao động Công ty, nhưng những kết quả bước đầu này đã và đang làm chuyển biến nhận thức, trách nhiệm của các chi bộ và cán bộ đảng viên, công nhân lao động Công ty về công tác phát triển Đảng cho lực lượng thợ lò người dân tộc thiểu số. Đồng hành với các tổ chức cơ sở Đảng, các tổ chức đoàn thể nơi quần chúng người dân tộc thiểu số trực tiếp tham gia sinh hoạt đang tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp để công tác phát triển Đảng của các Đảng bộ cơ sở đạt mục tiêu đề ra.
Hiện nay, trong các đơn vị thuộc TKV trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đang ngày càng có thêm nhiều quần chúng ưu tú người dân tộc thiểu số sau khi được tuyên truyền, bồi dưỡng, giác ngộ đã dần nâng cao nhận thức và tư duy, có ý chí phấn đấu quyết tâm trở thành đảng viên.
Với những giải pháp khả thi và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tin chắc rằng những khó khăn trong công tác phát triển Đảng đối với lực lượng công nhân người dân tộc thiểu số ở các tổ chức cơ sở Đảng khối khai thác than hầm lò vùng Hạ Long, Cẩm Phả nói riêng, vùng Quảng Ninh nói chung sẽ dần được tháo gỡ và thực hiện thắng lợi. Từ đó sẽ tiếp tục chắp cánh cho lý tưởng, khát vọng vào Đảng của lực lượng lao động này, góp phần xây dựng giai cấp công nhân lao động vùng than vững mạnh, xây dựng ngành Than phát triển ổn định, hiệu quả.
Hoàng Hiền (Đảng bộ Công ty Cổ phần Than Núi Béo - Vinacomin)
Liên kết website
Ý kiến ()