Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 04:40 (GMT +7)
Phát triển Đảng trong đội ngũ thợ lò người dân tộc thiểu số Kỳ 1: Nhiều khó khăn cần tháo gỡ
Thứ 3, 03/10/2023 | 10:09:50 [GMT +7] A A
Cùng với việc triển khai thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, công tác phát triển đảng viên nói chung, phát triển đảng viên trong lực lượng công nhân lao động người dân tộc thiểu số nói riêng đang được Đảng bộ Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Đảng bộ Than Quảng Ninh chỉ đạo Đảng bộ các công ty khai thác than hầm lò thuộc Tập đoàn chú trọng thực hiện. Đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng để bổ sung nguồn lực và nâng cao sức chiến đấu của Đảng, qua đó góp phần xây dựng tổ chức cơ sở Đảng vững mạnh, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc phát triển đảng viên trong đội ngũ thợ lò người dân tộc thiểu số gặp không ít khó khăn cần giải quyết.
Đâu là nguyên nhân?
Qua tìm hiểu một số công ty khai thác than hầm lò của TKV cho thấy, lực lượng thợ lò vùng miền Tây tỉnh Quảng Ninh khá ổn định, thường mang tính kế thừa từ đời ông, cha đến đời con làm nghề mỏ.
Còn tại các doanh nghiệp vùng Hạ Long, Cẩm Phả, số lượng thợ lò người dân tộc thiểu số ngày càng nhiều. Nguyên nhân là bởi hiện nay, công tác tuyển dụng thợ lò ngành than đang phải cạnh tranh ráo riết với các ngành công nghiệp khác. Trong những năm gần đây, sức hút lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất ngày càng lớn dẫn đến nguồn lao động tập trung cho ngành than bị suy giảm đáng kể. Số lượng lao động ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ chấp thuận làm thợ lò rất hạn chế nên nhiều doanh nghiệp khai thác than hầm lò phải tuyển dụng mở rộng lên nhiều tỉnh miền núi phía Bắc.
Mặc dù công nhân người dân tộc thiểu số ngày càng đông nhưng lượng đảng viên so với tổng số lao động người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ rất ít. Chẳng hạn như ở vùng Cẩm Phả, Công ty Than Thống Nhất chỉ có 10 đảng viên người dân tộc thiểu số trên tổng số hơn 500 lao động; Công ty Cổ phần Than Mông Dương chỉ có 45 đảng viên người dân tộc thiểu số trên tổng số 700 lao động. Ở vùng Hạ Long, Công ty Cổ phần Than Hà Lầm chỉ có 25 đảng viên là người đến từ vùng cao phía Bắc trên tổng số 480 lao động hay Công ty Cổ phần Than Núi Béo cũng chỉ có 23 đảng viên thuộc nhóm dân tộc thiểu số trên tổng số gần 900 lao động.
Có rất nhiều nguyên nhân gây khó khăn, trở ngại đến công tác phát triển Đảng trong đội ngũ công nhân là người dân tộc thiểu số. Song nguyên nhân trước tiên là do phần lớn trong số họ gặp nhiều khó khăn về kinh tế nên có tư tưởng chỉ tập trung duy nhất vào công việc với mong muốn có thu nhập cao để giúp đỡ gia đình. Mặt khác, lực lượng này có phong tục, tập quán khác biệt, khó hòa nhập với môi trường lao động công nghiệp vùng mỏ hơn các đối tượng khác; trình độ văn hóa và nhận thức chính trị còn rất hạn chế. Nhiều người trong số đó có lý tưởng, hoài bão song chưa rõ ràng mục tiêu phấn đấu và chưa nhận thức đầy đủ về Đảng. Một nguyên nhân quan trọng nữa là lực lượng lao động này thường xuyên biến động, hay “nhảy việc”, thay đổi chỗ ở, di chuyển chỗ làm giữa các công ty than trong Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV). Việc các thợ lò này không có ý thức gắn bó lâu dài với một doanh nghiệp đã gây ra nhiều khó khăn trong công tác vận động, bồi dưỡng, giới thiệu vào Đảng. Ngoài ra, do đặc thù sản xuất, các doanh nghiệp phải bố trí thời gian làm việc theo ca, theo kíp nên sau giờ lao động, phần nhiều công nhân muốn được nghỉ ngơi, ít muốn tham gia hoạt động của các tổ chức Đảng, đoàn thể.
Đó là về phía công nhân, còn về phía Đảng bộ các cơ sở cũng có rất nhiều khó khăn. Việc kết nạp Đảng cho lao động người dân tộc thiểu số phải trải qua các bước như những đối tượng khác. Quá trình xác minh, thẩm tra lý lịch mất nhiều thời gian trong khi không phải ai cũng muốn gắn bó lâu dài và làm việc ổn định tại một doanh nghiệp. Vì thế có trường hợp xác minh, thẩm tra xong thì công nhân đã nghỉ việc hoặc chuyển chỗ làm. Thêm vào đó, thủ tục thẩm tra lý lịch của người xin vào Đảng phải xác minh ở nhiều nơi, dẫn đến có hồ sơ phải điều tra rất lâu mới có kết quả, lúc đó giấy chứng nhận học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng của nhiều quần chúng đã hết hạn, người xin vào Đảng phải học lại. Đồng thời, việc kê khai, lấy ý kiến cấp ủy nơi cư trú còn nhiều bất cập do người lao động hay thay đổi nơi ở, nơi làm việc hoặc không nhớ rõ lý lịch của gia đình, người thân…
Những thực trạng này đã và đang gây ảnh hưởng lớn đến công tác phát triển Đảng trong lực lượng lao động người dân tộc thiểu số, khiến cho số lượng công nhân thuộc đối tượng này được kết nạp Đảng rất ít so với tổng số đảng viên được kết nạp hằng năm ở nhiều doanh nghiệp khai thác than hầm lò thuộc TKV, đặc biệt ở vùng Hạ Long, Cẩm Phả.
Quan tâm tạo nguồn từ cơ sở
Từ thực tiễn nêu trên, Đảng ủy các công ty khai thác than hầm lò thuộc TKV vùng Hạ Long, Cẩm Phả đang từng bước nâng cao vai trò của mình trong công tác phát triển Đảng đối với đội ngũ công nhân người dân tộc thiểu số. Từ cấp ủy cơ sở cho đến các chi bộ luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng đối với lực lượng lao động này, góp phần nâng cao nhận thức của họ về sự cần thiết của việc phát triển Đảng. Cấp ủy các Công ty phân công nhiệm vụ cụ thể cho các chi bộ rà soát lực lượng thợ lò dân tộc thiểu số ưu tú để có hướng bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển. Sau khi kết nạp, các cấp ủy ưu tiên đào tạo, đề bạt họ vào những vị trí sản xuất phù hợp để kích thích, động viên lực lượng này tiếp tục phát huy năng lực bản thân, qua đó bồi đắp thêm ý chí phấn đấu cho lực lượng thợ lò kế tiếp.
Bên cạnh đó, Đảng bộ các công ty đã tập trung huy động sức mạnh của các tổ chức chính trị và Công đoàn các cơ sở vào việc chăm lo, phát hiện, bồi dưỡng quần chúng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phát triển Đảng. Để làm tốt, việc đầu tiên tổ chức Công đoàn chú trọng là chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên lao động người dân tộc thiểu số bởi đây là yếu tố nòng cốt tạo sự gắn kết giữa họ với doanh nghiệp. Nhằm động viên công nhân tham gia hoạt động đoàn thể, Công đoàn các đơn vị triển khai nhiều đợt sinh hoạt chính trị, phát động các phong trào thi đua với những nội dung cụ thể, thiết thực; tổ chức các giải văn nghệ, thể thao dân tộc thu hút đông đảo thợ lò vùng cao thể hiện năng khiếu, năng lực của mình. Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, các cấp Công đoàn luôn phát huy vai trò nòng cốt của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành công đoàn cơ sở, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn bộ phận có năng lực tổ chức, có kỹ năng vận động quần chúng.
Do đặc điểm lực lượng lao động người dân tộc thiểu số phần lớn có tuổi đời còn rất trẻ nên tổ chức Đoàn thanh niên được coi là lực lượng nòng cốt trong việc giúp đỡ đoàn viên thanh niên người dân tộc thiểu số phấn đấu trở thành đảng viên. Bên cạnh việc quan tâm đến nhu cầu, sở thích, động viên họ tích cực lao động sản xuất, Đoàn Thanh niên các công ty đã tổ chức nhiều đợt sinh hoạt chính trị, đẩy mạnh tuyên truyền trên các trang mạng xã hội chính thống để lực lượng đoàn viên này dễ dàng tiếp cận. Thông qua việc đa dạng hóa phương thức tuyên truyền, Đoàn Thanh niên các công ty đã tạo môi trường thu hút thanh niên người dân tộc thiểu số trải nghiệm và rèn luyện, phấn đấu. Từ những giải pháp đồng bộ và sự nỗ lực, quyết tâm, tổ chức Đoàn Thanh niên các Công ty đang dần hình thành lớp đoàn viên người dân tộc thiểu số ưu tú, góp phần bổ sung nguồn đảng viên có chất lượng tham gia vào quá trình xây dựng và tăng cường sức chiến đấu cho Đảng.
Hoàng Hiền (Đảng bộ Công ty Cổ phần Than Núi Béo - Vinacomin)
Liên kết website
Ý kiến ()