Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:28 (GMT +7)
Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Quan trọng là hàm lượng công nghệ
Thứ 6, 19/11/2021 | 10:28:46 [GMT +7] A A
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương mới đây, bà Đỗ Thị Thúy Hương – Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – cho rằng, không quan trọng Việt Nam tỷ lệ nội địa hóa được bao nhiêu, mà quan trọng là các sản phẩm, linh kiện do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất đóng vai trò như thế nào đối với sự cấu thành của sản phẩm cuối cùng.
Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) nêu rõ, CNHT có ý nghĩa quan trọng đối với dịch chuyển cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giúp nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh, tạo giá trị gia tăng, góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu của nền kinh tế.
Phát triển CNHT cũng được đánh giá là một trong những giải pháp quan trọng nhất để Việt Nam cải thiện chất lượng nền kinh tế, phát triển bền vững và tránh bẫy thu nhập trung bình, giúp tăng khả năng thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đẩy mạnh tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước. Từ đó, tạo tính lan tỏa mạnh mẽ, giúp các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia.
Với ý nghĩa đó, thời gian qua CNHT đã được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và định hướng là một trong những ngành ưu tiên phát triển và được ưu đãi đầu tư. Với sự ra đời của Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển CNHT và các văn bản chính sách liên quan, hệ thống phát luật, chính sách về CNHT ngày càng được hoàn thiện, góp phần thúc đẩy ngành CNHT ngày càng phát triển và lớn mạnh. Tuy nhiên, ngành CNHT Việt Nam vẫn bộc lộ những tồn tại, hạn chế và phát sinh những vấn đề mới. Việc tổ chức thực hiện một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ còn nhiều vướng mắc, thiếu nhất quán và chưa ổn định. Các chính sách phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được ưu tiên phát triển như điện tử, cơ khí trọng điểm, sản xuất lắp ráp ôtô, dệt may, da giày… nhằm tạo thị trường cho các sản phẩm CNHT cũng chưa đạt được những kết quả như mong muốn. Các sản phẩm CNHT trong nươc còn đơn giản, không đáp ứng được yêu cầu sản xuất trong nước, dẫn đến tình trạng nhập siêu nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng rất lớn, tỷ lệ nội địa hóa các ngành còn thấp.
Nhằm cải thiện đóng góp của ngành CNHT vào phát triển công nghiệp và tăng trưởng kinh tế, Nghị quyết 115/NQ-CP đặt mục tiêu, đến năm 2025, doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm CNHT có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng nội địa; chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp và có khoảng 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó, doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 30%.
Đến năm 2030, sản phẩm CNHT đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng nội địa; chiếm 14% giá trị sản xuất công nghiệp; có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.
Cụ thể hơn, trong lĩnh vực linh kiện phụ tùng: Phát triển linh kiện phụ tùng kim loại, linh kiện phụ tùng nhựa – cao su và linh kiện phụ tùng điện-điện tử, đáp ứng mục tiêu đến hết năm 2025 cung ứng được 45% nhu cầu sản phẩm linh kiện phụ tùng cho các ngành công nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam. Đến năm 2030, cung ứng được 65% nhu cầu trong nước, đẩy mạnh sản xuất các lĩnh vực sản phẩm phục vụ các ngành công nghệ cao.
Đối với lĩnh vực CNHT ngành dệt may-da giày: Phát triển nguyên, vật liệu và phụ liệu phục vụ ngành dệt may-da giày, đáp ứng mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ cung cấp trong nước của ngành công nghiệp dệt may đạt 65%, ngành da giày đạt 75-80%, với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao phục vụ sản xuất và xuất khẩu.
Trong lĩnh vực CNHT cho công nghiệp công nghệ cao: Phát triển sản xuất vật liệu, thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, phần mềm và dịch vụ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao; phát triển hệ thống doanh nghiệp cung cấp thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, hỗ trợ chuyển giao công nghệ trong công nghiệp công nghệ cao. Hình thành các doanh nghiệp bảo trì, sửa chữa máy móc đạt tiêu chuẩn quốc tế, làm tiền đề để doanh nghiệp sản xuất thiết bị, phần mềm phục vụ các ngành này. Hình thành hệ thống nghiên cứu phát triển và sản xuất vật liệu mới, đặc biệt là vật liệu điện tử.
Mục tiêu thì như vậy, nhưng theo bà Đỗ Thị Thúy Hương, trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập toàn cầu như hiện nay, thì tỷ lệ nội địa hóa bao nhiêu phần trăm không quan trọng bằng hàm lượng công nghệ đóng góp cho chuỗi giá trị là bao nhiêu?. Cụ thể, để sản xuất ra một chiếc điện thoại di động, tỷ lệ nội địa hóa chính là những thành phần sản xuất tại Việt Nam chiếm đến 45% theo như mục tiêu, nhưng nếu chúng ta chỉ đi vào những đóng góp công nghệ không cao như bao bì mà không đi vào những sản phẩm điện tử cốt lõi, thì không có ý nghĩa gì. Ngược lại, nếu chỉ đạt 40%, thậm chí 35% hay 30% nhưng nó đi vào những linh kiện công nghệ cốt lõi như cung cấp được những con chíp cho điện thoại, dù nó chỉ là một linh kiện bé tý, nhưng giá trị hàm lượng công nghệ của nó vô cùng quan trọng, và nó chính là một cấu phần không thể thiếu đối với sản phẩm.
“Điều đó mới quan trọng và là mấu chốt, như vậy có thể nói đóng góp vào hàm lượng công nghệ cao trong từng sản phẩm công nghiệp điện tử mới là ý nghĩa sâu xa mà CNHT Việt Nam cần hướng tới” – bà Đỗ Thị Thúy Hương thông tin.
Theo congthuong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()