Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 14:23 (GMT +7)
Phát triển chợ truyền thống trong xu thế mới
Thứ 6, 28/05/2021 | 08:03:19 [GMT +7] A A
Chợ truyền thống không chỉ là nơi cung cấp lương thực, thực phẩm, đồ gia dụng, tư liệu sản xuất hàng ngày cho cư dân, mà còn là không gian giao tiếp văn hóa của cộng đồng dân cư. Trong xu hướng mới, nhiều hình thức kinh doanh hiện đại như: Siêu thị, cửa hàng tiện ích, trung tâm thương mại nở rộ, song chợ truyền thống được đánh giá vẫn là hình thức thương mại phổ biến nhất. Tuy nhiên để chợ truyền thống tồn tại đáp ứng yêu cầu của thương mại văn minh thì cả cơ quan quản lý, tiểu thương và người tiêu dùng đều phải chung tay giải quyết.
Hệ thống còn thiếu và yếu
Năm 2019, Cẩm La là 1 trong 3 địa phương cuối cùng (cùng với xã Tiền Phong và xã Liên Vị) của TX Quảng Yên về đích nông thôn mới. Dù đã cán đích nông thôn mới song tiêu chí số 7 về chợ nông thôn của xã vẫn còn “nợ” lại. Thiếu chợ nên nhiều năm nay, ngôi chợ cóc mọc ra ngay bên cạnh sân Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia - Miếu Tiên Công (xã Cẩm La). Ngôi chợ tạm này hoạt động chủ yếu từ 16 giờ đến 18 giờ hằng ngày với hàng chục ô, dù, tiểu thương kinh doanh, buôn bán đủ các mặt hàng lương thực, thực phẩm. Trung bình mỗi ngày, có tới hàng trăm người dân, tiểu thương ra vào chợ cóc trao đổi, kinh doanh hàng hóa.
Ghi nhận hoạt động tại chợ cóc gần sân Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia - Miếu Tiên Công (lúc 16 giờ ngày 24/5/2021) thấy tình trạng ô nhiễm đáng báo động. Xung quanh chợ, rác thải, túi bóng bủa vây nhiều nơi. Tình trạng các tiểu thương tùy tiện xả thải, vứt rác bừa bãi, mùi tanh của khu buôn bán thủy sản gây ảnh hưởng trực tiếp tới mỹ quan Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia - Miếu Tiên Công. Đặc biệt, nguy cơ mất an toàn thực phẩm của ngôi chợ cóc này tương đối cao.
Đại diện lãnh đạo xã Cẩm La thông tin, hiện nay do quỹ đất của xã khá hạn hẹp nên chưa tìm địa điểm quy hoạch xây dựng chợ nông thôn phù hợp. Nếu tìm được địa điểm quy hoạch địa phương mới tính đến phương án kêu gọi nguồn xã hội hóa đầu tư xây dựng chợ mới. Trong lúc chờ đợi, ngôi chợ tạm duy trì hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa của người dân.
Thực tế hiện nay, việc phát triển hệ thống chợ nông thôn đang xảy ra nghịch lý nơi thừa, chỗ thiếu. Thiếu chợ đã đành, một số địa phương dù đã xây dựng chợ trung tâm nhưng lại tồn tại các chợ cóc bên cạnh.
Trái ngược với xã Cẩm La, trường hợp ở phường Nam Hòa (TX Quảng Yên) là minh chứng. Mặc dù phường đã đầu tư xây dựng hẳn một ngôi chợ mới trung tâm khang trang (khu 5) song các ki-ốt, gian hàng của chợ chưa thể thu hút lấp đầy được. Trong khi đó, cách chợ trung tâm Nam Hòa không xa còn có một ngôi chợ cóc mọc ra (tại khu 3) vẫn tồn tại hoạt động hàng chục năm nay thu hút khá đông người dân và tiểu thương. Điều đáng nói, tình trạng chợ cóc hoạt động do thói quen tiện đường, gần nhà nên rất khó dẹp bỏ được. Ngoài Quảng Yên, một số địa phương khác như: Đông Triều, Cẩm Phả… cũng đang xảy ra tình trạng tương tự.
Đi vào hoạt động từ hơn 30 năm nay, chợ Mạo Khê hiện có hơn 1.200 ki-ốt. Đây là 1 trong những chợ quy mô lớn nhất của TX Đông Triều. Trung bình mỗi ngày, chợ Mạo Khê thu hút 2.000-3000 lượt người ra vào chợ. Hiện nay, chợ Mạo Khê đang giao cho UBND TX Đông Triều quản lý. Sau nhiều năm đi vào hoạt động, dù được sửa chữa, nâng cấp thường xuyên song chợ cũng đang bị xuống cấp nghiêm trọng.
Năm 2020, Đông Triều có chủ trương chuyển đổi mô hình quản lý chợ sang hình thức tư nhân quản lý. Tuy nhiên, quá trình triển khai quy hoạch, khảo sát đầu tư xây dựng chợ của doanh nghiệp lại vấp phải sự phản đối của hầu hết các tiểu thương trong chợ Mạo Khê. Qua tìm hiểu được biết, hầu hết các tiểu thương chợ Mạo Khê vẫn mong muốn duy trì mô hình hoạt động, quản lý chợ như hiện nay. Nhiều tiểu thương cho rằng nếu chuyển đổi, xây dựng chợ mới sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, buôn bán và chi phí thuê ki-ốt sẽ tăng cao hơn trước. Khó sẽ chồng khó khi trong bối cảnh mà dịch Covid-19 đang làm ảnh hưởng đến doanh thu các tiểu thương trong chợ. Chưa thể tháo gỡ “nút thắt” này, TX Đông Triều đã phải tạm dừng lại việc kêu gọi xúc tiến đầu tư xây dựng và chuyển đổi mô hình hoạt động chợ Mạo Khê.
Cần thay đổi để thích ứng
Theo báo cáo của Sở Công Thương, tính đến tháng 12/2020, trên địa bàn tỉnh có 133 chợ, trong đó có 22 chợ hạng 1; 23 chợ hạng 2 và 88 chợ hạng 3. Tổng số điểm kinh doanh toàn tỉnh hiện có hơn 26.200 điểm kinh doanh cố định. Số chợ được chuyển đổi hình thức quản lý theo mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã đi vào hoạt động là 40 chợ, chiếm hơn 30% tổng số chợ trên toàn tỉnh. Trong đó, TP Hạ Long là địa phương chuyển đổi hình thức quản lý theo mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã nhiều nhất với 11 chợ; huyện Hải Hà chuyển đổi ít nhất với 1 chợ.
Qua đánh giá thực hiện chủ trương xã hội hoá việc đầu tư, khai thác và quản lý chợ thông qua chuyển giao chợ cho những doanh nghiệp có năng lực quản lý khai thác bước đầu tạo ra chuyển biến tích cực, làm thay đổi bộ mặt một số chợ trên địa bàn tỉnh. Về phía Nhà nước sẽ tiết kiệm được ngân sách để tập trung sửa chữa nâng cấp các chợ ở địa bàn miền núi, hải đảo khó khăn. Công việc quản lý chợ được chuyên nghiệp hóa và mang tính cạnh tranh cao. Các doanh nghiệp có năng lực tài chính đảm bảo cho việc đầu tư nâng cấp, cải thiện chợ, quan tâm đến công tác phòng cháy chữa cháy, điện nước, vệ sinh an toàn thực phẩm; có khả năng tìm kiếm nguồn hàng có chất lượng để phục vụ cho hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa cho người dân (ngoài những mặt hàng mà người dân tự cung cấp trao đổi). Vì vậy, việc chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp kinh doanh, khai thác và quản lý chợ sẽ mang lại hiệu quả tích cực.
Việc chuyển đổi mô hình chợ truyền thống cho tư nhân đầu tư theo hướng văn minh thương mại đang được tỉnh Quảng Ninh khuyến khích triển khai nhân rộng. Đây là chủ trương đúng đắn, nhằm xóa bỏ hình ảnh các chợ đã xuống cấp, nhếch nhác, không bảo đảm về vệ sinh môi trường, tổ chức nguồn hàng, an toàn thực phẩm. Thế nhưng, thực tế trong nhiều năm qua cho thấy, quá trình chuyển đổi mô hình này đang gặp không ít khó khăn. Việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ diễn ra không đồng đều tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Phần lớn các chợ chuyển đổi đều tập trung tại những thành phố, thị xã lớn; tại huyện vùng sâu, vùng xa, khó khăn thì khó chuyển đổi mô hình quản lý chợ. Quá trình thực hiện chuyển đổi còn nhiều khó khăn do các Ban quản lý chợ là đơn vị sự nghiệp công lập có số lượng người lao động nhiều. Theo thống kê mới nhất, hiện số lao động làm việc tại các đơn vị quản lý kinh doanh chợ là 1.012 người. Trong khi đó, hiện trạng chợ xuống cấp, một số chợ trong quá trình hoạt động có huy động vốn góp của các hộ tiểu thương nên rất khó trong công tác đánh giá tài sản và sắp xếp nhân sự.
Riêng việc đầu tư xây dựng các chợ vùng nông thôn gặp nhiều khó khăn về vốn vì việc thu hút các nguồn vốn xã hội hóa cho đầu tư chợ xã chưa cao; việc đầu tư xây dựng chợ khu vực nông thôn ít hấp dẫn nhà đầu tư so với chợ khu vực thành thị. Một số chợ sau khi đầu tư xây dựng đi vào hoạt động như: Chợ Yên Đức, chợ Hưng Đạo (TX Đông Triều), chợ Phong Cốc (TX Quảng Yên)... chưa phát huy hiệu quả, hoạt động theo kiểu "bình mới, rượu cũ".
Để phát triển nhanh và đồng bộ mạng lưới chợ truyền thống là đòn bẩy phát huy tối đa vai trò thúc đẩy quá trình lưu thông, tiêu thụ hàng hóa cho người sản xuất và phục vụ đời sống nhân dân. Để chợ truyền thống trở nên sạch đẹp, văn minh, hiện đại, thực sự góp phần thay đổi diện mạo nông thôn trong tiến trình hội nhập kinh tế, quốc tế, Sở Công Thương đang nỗ lực cùng các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó tiếp tục tăng cường tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, các hộ kinh doanh để kịp thời nắm bắt, chỉ đạo giải quyết những khúc mắc. Đặc biệt tại các nơi xây dựng chợ mới, các chợ có chủ trương di chuyển hoặc đang thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý sẽ lấy ý kiến của các hộ kinh doanh người dân trong vùng dự án về quy hoạch chợ, phương án đền bù, giải phóng mặt bằng… Bên cạnh đó, hằng năm Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương kiên quyết xóa bỏ ngăn chặn việc phát sinh các loại chợ tạm, chợ cóc không đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hiện nay, Sở đang lấy ý kiến hoàn thiện xây dựng quy chế hoạt động chung tại các chợ. Đồng thời, có kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ để nâng cao kiến thức về quản lý, đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ; nhân rộng mô hình “chợ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”; vận động tiểu thương thay đổi cách ứng xử, xây dựng văn hóa kinh doanh văn minh, lịch sự, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng.
Phạm Tăng
Liên kết website
Ý kiến ()