Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:20 (GMT +7)
Phát triển các mô hình nâng cao đời sống người dân vùng DTTS
Thứ 5, 26/09/2024 | 08:40:48 [GMT +7] A A
Xóa dần khoảng cách vùng miền, nâng cao đời sống người dân vùng nông thôn, nhất là vùng dân tộc thiểu số (DTTS) luôn là vấn đề được Quảng Ninh xem trọng. Gắn với đặc điểm vùng miền, để thực hiện, thời gian qua, tỉnh, các địa phương đã chú trọng phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị.
Tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, gia tăng giá trị; kiểm soát chặt chẽ mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu giống phù hợp với diễn biến thời tiết và thị trường. Đặc biệt, chú trọng phát triển các sản phẩm chủ lực và sản xuất hàng hóa nông nghiệp trên quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, có lợi thế của địa phương đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Hiện tỉnh đang chỉ đạo hoàn thiện một số đề án như: Phát triển bền vững một số loài cây lâm sản ngoài gỗ có giá trị cao dưới tán rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; điều chỉnh, bổ sung Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030…
Trước đó, tỉnh đã thực hiện Đề án giao đất, giao rừng. Đến nay, tỉnh đã giao đất, giao rừng được 275.302,19ha cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư; cho thuê đất, thuê rừng được 53.079,31ha… Các địa phương đã phát triển rừng bền vững theo quy hoạch 3 loại rừng. Đồng thời, thực hiện chính sách đặc thù khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững.
Từ năm 2021 đến nay, đã có 1.016 hộ gia đình, cá nhân ở huyện Ba Chẽ và TP Hạ Long tham gia chính sách hỗ trợ trồng rừng sản xuất cây gỗ lớn, cây bản địa với tổng diện tích là 1.656,2ha, tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện chính sách là 34,378 tỷ đồng. Hiện diện tích trồng rừng tập trung trên địa bàn tỉnh đạt 39.413ha; diện tích trồng lim, lát, giổi đạt 2.242ha. Chất lượng rừng được nâng cao.
Cùng với đó, để thúc đẩy phát triển các mô hình phát triển kinh tế tạo công ăn, việc làm ổn định cho bà con, các địa phương chú trọng phát triển kinh tế tập thể và kinh tế trang trại. Riêng 8 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh thành lập mới 174 HTX, nâng tổng số HTX đang hoạt động, có kê khai thuế trên địa bàn tỉnh là 674 HTX. Toàn tỉnh còn có 232 trang trại. Các trang trại hoạt động có hiệu quả cao, trung bình doanh thu đạt 1.547,17 triệu đồng/trang trại, lợi nhuận 220 triệu đồng/trang trại.
Để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, các ngành, đoàn thể cũng vào cuộc tích cực. Tiêu biểu Hội Nông dân tỉnh tổ chức Hội nghị chuyên đề về hoạt động các mô hình kinh tế tập thể, vận động, tư vấn hỗ trợ thành lập 87 HTX, tổ hợp tác, thành lập 119 chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp…; Liên minh HTX tỉnh phối hợp với Trường Cao đẳng kinh tế Bắc Bộ (Liên minh HTX Việt Nam) hỗ trợ HTX sản xuất thương mại và dịch vụ xã Húc Động, huyện Bình Liêu tham gia Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị tại vùng đồng bào DTTS và miền núi...
Đặc biệt, các ngành, địa phương tập trung triển khai Chương trình OCOP, trong đó đã phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP theo chiều sâu; xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh. Đến nay, toàn tỉnh đã có 417 sản phẩm OCOP đạt từ 3-5 sao; có 212 chủ thể sản xuất có sản phẩm đạt từ 3-5 sao. 100% các sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3-5 sao đều được đưa lên các sàn thương mại điện tử. Trên địa bàn tỉnh có 7 sản phẩm tham dự đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia; hiện Hội đồng thẩm định Trung ương đang tổ chức đánh giá, phân hạng.
Trong số 417 sản phẩm OCOP kể trên, vùng đồng bào DTTS và miền núi, biên giới, hải đảo có 76 sản phẩm tham gia chu trình của 76 cơ sở, với 62 sản phẩm đạt 3 sao và 14 sản phẩm đạt 4 sao. Giai đoạn 2021-2023, tỉnh đã hỗ trợ 1,845 tỷ đồng cho 71 sản phẩm.
Điển hình trong xây dựng mô hình phát triển kinh tế vùng DTTS phải kể đến ông Chíu Dì Sếnh, dân tộc Dao, ở bản Tài Lý Sáy, xã Quảng Lâm (huyện Đầm Hà). Ông là Giám đốc HTX Quế Lâm. Được sự hỗ trợ của huyện, xã, ông đã phát triển sản phẩm rượu khoai Quảng Lâm. Mỗi năm cơ sở tiêu thụ 35-40 tấn khoai lang cho bà con trong vùng, cung cấp ra thị trường khoảng 20.000 lít rượu. Hay ông Triệu Tiến Lộc, dân tộc Dao, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Bằng Anh, xã Tân Dân (TP Hạ Long) phát triển trồng rừng, huy động bà con trồng rừng, bảo vệ rừng... và nhiều tấm gương điển hình khác.
Để hỗ trợ người dân, tỉnh tiếp tục duy trì các mô hình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng. Qua đó đã có 1.108ha trồng trọt được chứng nhận VietGAP với 91 cơ sở; 2 cơ sở trồng quế và lúa với 419ha được chứng nhận nông nghiệp hữu cơ, sản lượng dự kiến trên 691 tấn/năm. Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh còn có 1 cơ sở nuôi trồng thủy sản (cá tầm Nga, cá lăng nha) được chứng nhận VietGAP với diện tích 0,405ha, dự kiến cho thu hoạch khoảng 80 tấn/vụ…
Với việc đa dạng các mô hình phát triển sản xuất, đời sống người dân vùng đồng bào DTTS ngày càng được nâng cao. Đến hết năm 2023 thu nhập bình quân đầu người tại 67 xã, thị trấn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh đạt 73,348 triệu đồng/người/năm.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()