Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 03/11/2024 00:34 (GMT +7)
Phát triển bền vững kinh tế thủy sản
Thứ 5, 03/11/2022 | 08:04:20 [GMT +7] A A
Sở hữu 250km bờ biển với trên 6.000km2 mặt nước, phần lớn các địa phương trong tỉnh đều tiếp giáp biển, bởi vậy Quảng Ninh phát huy lợi thế nổi trội để thúc đẩy kinh tế thủy sản. Đi cùng với đó, tỉnh cũng tăng cường bảo vệ bền vững nguồn lợi thủy sản trên địa bàn.
Gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản hơn 20 năm nay, hiện gia đình ông Nguyễn Văn Việt (thôn Nam, thị trấn Quảng Hà, huyện Hải Hà) có 4ha nuôi ngao. Nói về nghề, ông Việt cho biết: Khi tôi học xong THPT thì đã bắt tay vào nuôi ngao. Nhờ đó, gia đình có được cuộc sống ổn định. Tôi nghĩ rằng, chỉ cần mình chịu khó trong công việc, biết tận dụng thế mạnh của địa phương thì cuộc sống sẽ khấm khá.
Được biết, phát triển nuôi trồng thủy sản hiện trở thành một trong những thế mạnh của huyện Hải Hà. 9 tháng năm 2022, tổng diện tích nuôi trên địa bàn huyện đạt 1.460ha; sản lượng thủy sản đạt khoảng 14.035 tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng 5.541 tấn, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm 2021. Theo thông tin từ Phòng NN&PTNT huyện, sản lượng nuôi trồng tăng cao là nhờ một số diện tích nuôi tôm, nuôi cá qua đông cho thu hoạch tốt. Cùng với đó, người dân trên địa bàn đã mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi để tăng năng suất sản phẩm trên cùng một đơn vị diện tích, giảm rủi ro dịch bệnh.
Cùng với Hải Hà, các địa phương trên địa bàn tỉnh đều tận dụng thế mạnh giáp biển để nuôi trồng, đánh bắt thủy sản gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Để giúp người dân hiện đại hóa phương tiện đánh bắt, hạn chế tình trạng đánh bắt gần bờ, tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt danh sách những trường hợp được vay vốn tham gia đóng mới, nâng cấp tàu cá. Đã có 13 chủ tàu ký hợp đồng tín dụng vay vốn với ngân hàng thương mại, trong đó có 12 chủ đầu tư đóng mới, 1 tàu cá nâng cấp với tổng số tiền vay là 163,6 tỷ đồng. Các tàu này hiện đã hoàn thiện đi hoạt động. Toàn tỉnh có hơn 8.000 tàu khai thác thủy sản, trong đó có hơn 1.000 tàu từ 12-15m hoạt động ở vùng lộng; hơn 230 tàu dài từ 15m trở lên hoạt động ở vùng khơi.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tăng cường bảo vệ bền vững nguồn lợi thủy sản bằng cách vận động người dân đẩy mạnh nuôi trồng. Hiện tỉnh đã hình thành vùng nuôi trồng thủy sản tập trung như: Vùng nuôi tôm, vùng nuôi nhuyễn thể, vùng nuôi cá song, vùng nuôi ghẹ, vùng nuôi cua kết hợp cá, tôm, vùng nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Việc xây dựng cơ sở sản xuất giống nhằm cung cấp giống cho nuôi trồng thủy sản cũng được chú trọng. Quảng Ninh có 19 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, mỗi năm cung ứng hơn 2 tỷ con giống. Hiện diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh đạt 21.300ha, qua đó tạo việc làm cho khoảng 53.679 lao động.
Cùng với đó, tỉnh còn xây dựng khu bảo tồn biển Cô Tô - Đảo Trần; khu bảo tồn vườn quốc gia Bái Tử Long; khu bảo tồn đất ngập nước Đồng Rui - Tiên Yên; xây dựng 2 mô hình đồng quản lý nguồn lợi sá sùng tại các xã Minh Châu và Quan Lạn (huyện Vân Đồn) và bãi sá sùng tại xã Đại Bình (huyện Đầm Hà); khoanh vùng 12 khu bảo vệ nguồn lợi biển quý hiếm, đặc thù có giá trị kinh tế cao; cấm khai thác thủy hải sản trong vùng lõi vịnh Hạ Long... Qua đó góp phần bảo vệ môi trường các vùng ven biển và cửa sông.
Đồng thời, các ngành, địa phương cũng tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về đánh bắt thủy sản. Những nghề mang tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản, ảnh hưởng đến môi trường đều bị cấm và hạn chế sử dụng... 9 tháng năm 2022, toàn tỉnh đã xử phạt 577 trường hợp vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 4,556 tỷ đồng.
Nhờ tăng cường toàn diện các giải pháp, ngành thủy sản của tỉnh phát triển cả về nuôi trồng, khai thác và chế biến. Bước đầu hình thành các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và xây dựng được thương hiệu của một số nông sản chủ lực. 9 tháng năm 2022, tổng sản lượng thủy sản toàn tỉnh đạt 115.986 tấn, tăng 8,21% cùng kỳ 2021, trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 58.829 tấn, còn lại là khai thác, đánh bắt.
Tuy nhiên, vẫn phải nhìn nhận rằng, mặc dù tiềm lực kinh tế thủy sản rất lớn, nhưng hiện nay, việc đầu tư cho phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh còn dàn trải, thiếu đồng bộ; việc phát triển nuôi biển theo các chuỗi liên kết giá trị chưa đạt hiệu quả; trình độ sản xuất thủy sản của tổ chức, cá nhân còn ở mức thấp, mang tính nhỏ lẻ; nhiều nơi nuôi tự phát, không có quy hoạch, sử dụng vật liệu gây ô nhiễm môi trường; thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy sản đầu ra thiếu ổn định... Mong rằng những khó khăn này sẽ sớm được các ngành, địa phương khắc phục để kinh tế thủy sản của tỉnh tiếp tục phát triển nhanh, bền vững.
Cầm Khuê
Liên kết website
Ý kiến ()