Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:12 (GMT +7)
Người Dao xã Thượng Yên Công: Chú trọng bảo tồn các giá trị văn hoá
Chủ nhật, 31/07/2022 | 16:19:50 [GMT +7] A A
Người Dao ở Uông Bí sống chủ yếu ở xã Thượng Yên Công, chiếm gần 50% dân số của xã. Tuy số lượng không đông, nhưng bà con ở đây vẫn phát huy tốt các bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc mình.
Cùng cán bộ xã Thượng Yên Công, chúng tôi đến thôn Khe Sú 2, ở đây từ mấy năm trước đã hình thành tổ thêu thổ cẩm Dao Thanh Y và tổ dệt dây lưng người Dao. Tại Nhà Văn hóa cộng đồng thôn Khe Sú 2, có hơn hai chục người Dao đã có mặt ở đây sinh hoạt cộng đồng. Hôm đó cũng là ngày trời đổ trận mưa rào. Chị Lý Thị Nhung, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, cho hay: Do hôm nay là trời mưa nên bà con đến nhà văn hóa cộng đồng đông đủ, chứ những ngày khác bà con đều ra đồng hoặc làm các công việc khác.
Từ khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, TP Uông Bí và xã Thượng Yên Công đã rất chú trọng vào xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, nhất là văn hóa của người dân tộc thiểu số. Năm 2016, Thượng Yên Công đã xây dựng công trình Nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng tại thôn Khe Sú 2 quy mô, vừa là nơi sinh hoạt của bà con lại vừa là điểm du lịch và nơi bảo tồn và phát huy những bản sắc dân tộc vốn có của xã. Bà con đến đây sinh hoạt vào các ngày lễ, tết và định kỳ tháng đôi lần. Các ngày trời mưa, mọi người không ra đồng hay lên rừng được thì đều kéo đến đây sinh hoạt.
Bà Trương Thị Bích, đã 80 tuổi ở thôn Khe Sú 2, tuy tuổi đã cao nhưng vẫn thoăn thoắt dệt những chiếc thắt lưng thổ cẩm. Bà Bích biết thêu, dệt từ năm 12 tuổi. Bà khéo léo tay đưa những sợi chỉ đen, chỉ đỏ một cách hợp lý để tạo ra các hoa văn. Bên cạnh những hoa văn là những bông hoa, người Dao còn thích dệt những hoa văn hình quả trám, con rùa. Bà Bích giải thích rằng, những hoa văn đó vừa là để trang trí đẹp, nhưng cũng vừa là để nhắc nhở con cháu một thời gian khó của người Dao, quả trám để ăn với cơm, con rùa luôn gắn bó với người nông dân dưới đồng ruộng mà người Dao có điệu múa rùa rất độc đáo. Bà Bích vẫn gương mẫu đi sinh hoạt đều đặn ở nhà văn hóa, ngoài việc tạo ra các sản phẩm mang bản sắc dân tộc, bà còn có trách nhiệm truyền dạy cho lớp trẻ hoặc những ai muốn đến học.
Nhiều phụ nữ Dao đã trung tuổi đều vào cuộc vận động bà con mặc quần áo truyền thống vào các ngày lễ, tết, đám cưới, mùa lễ hội Yên Tử và bà con đã vào cuộc một cách tích cực. Đến nay đã có 100% người Dao lớn tuổi ở Thượng Yên Công biết thêu quần áo dân tộc mình. Lớp trẻ có người biết, người không, một phần do việc thêu các bộ quần áo mất quá nhiều thời gian, trong khi nhiều người rất bận rộn. Trong số những người Dao đang ngồi thêu ở Nhà văn hóa cộng đồng, tôi thấy có cả người nhỏ tuổi.
Cháu Triệu Thị Anh Đào, 15 tuổi cho hay: Từ các buổi cháu theo các bà, các cô, bác ra Nhà văn hóa cộng đồng học thêu, cháu không chỉ biết thêu mà còn dần hiểu được ý nghĩa của các hoa văn trên quần áo của người Dao. Hầu như những người Dao ở lứa tuổi chúng cháu cũng đều có thể thêu.
Theo chị Nhung, trong các buổi thêu dệt thổ cẩm, vào các giờ giải lao, bà con lại tụ tập hát pả dung là lối hát truyền thống của người Dao. Đến nay, người Dao ở xã vẫn giữ và phát triển được nét văn hóa truyền thống như: Hội làng, lễ cấp sắc, tục cưới hỏi, ma chay, may thêu trang phục dân tộc, hát đối, hát giao duyên và ẩm thực. Ở xã có cụ Bàn Thị Nam đã được phong tặng Nghệ nhân Dân gian Việt Nam năm 2010.
Các ông Bàn Văn Hương, 65 tuổi ở thôn Khe Sú 2 và Hoàng Đức Ty, 72 tuổi ở thôn Khe Sú 1, là người biết nhiều chữ Hán, chữ Nôm mà phần lớn do tự học. Các ông thường giữ vai trò là thầy cúng trong các lễ cấp sắc ở xã và các xã có người Dao khác của thành phố, từ đó giúp cho nghi lễ cấp sắc của người Dao ở Thượng Yên Công và Uông Bí nói chung đã được duy trì và tồn tại phát triển.
Việc phát huy bản sắc dân tộc của bà con Khe Sú 1, Khe Sú 2 đã thúc đẩy tinh thần người Dao toàn xã Thượng Yên Công. Theo các cán bộ xã, tiến tới người Dao ở các thôn Đồng Chanh, Quan Điền - Khe Thần cũng sẽ thành lập các tổ thêu, dệt thổ cẩm của người Dao, để từ đó việc phát huy văn hóa dân tộc người Dao càng được phát triển đồng bộ và nâng lên tầm cao mới.
Công Thành
Liên kết website
Ý kiến ()