Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:16 (GMT +7)
Phát huy vai trò thanh niên trong bảo tồn văn hóa truyền thống
Chủ nhật, 03/09/2023 | 15:25:52 [GMT +7] A A
Tự hào và tiếp nối giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước, thời gian qua, tuổi trẻ Quảng Ninh luôn nhận thức đúng vai trò, trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy những nét văn hóa đặc sắc của tỉnh. Qua đó, góp phần xây dựng nền văn hóa Quảng Ninh giàu bản sắc, thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế - xã hội của địa phương.
Bình Liêu là địa phương có trên 96% là đồng bào dân tộc thiểu số với nền văn hóa đặc sắc, độc đáo của các đồng bào dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ. Phát huy những tiềm năng văn hóa to lớn này, huyện Bình Liêu đã có nhiều giải pháp thiết thực trong công tác bảo tồn văn hóa bản địa, khai thác hiệu quả các giá trị văn hóa phục vụ phát triển du lịch. Trong đó, tuổi trẻ Bình Liêu đã tích cực triển khai nhiều mô hình, hoạt động định hướng cho đoàn viên thanh niên tham gia vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Từ đây, vừa tạo điều kiện cho thanh niên được tìm hiểu, nghiên cứu, nâng cao hiểu biết về văn hóa dân tộc, vừa phát huy sức sáng tạo, xung kích trong tham gia bảo tồn văn hóa.
Không khó để bắt gặp mỗi dịp lễ hội, ngày hội truyền thống tại Bình Liêu như lễ hội đình Lục Nà, hội hát Tháng ba, ngày Kiêng gió thì đoàn viên thanh niên chính là lực lượng đông đảo tham gia các hoạt động biểu diễn nghệ thuật dân gian truyền thống, các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian.
Chị Chu Thị Hạnh, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã Lục Hồn, chia sẻ: Tôi thường xuyên tham gia các hoạt động tái hiện nghi lễ của đồng bào dân tộc tại địa phương như: Nghi lễ lẩu then của dân tộc Tày, tái hiện hình ảnh cô dâu trong đám cưới của dân tộc Sán Chỉ các dịp lễ hội hay tham gia Hội thi Người trình diễn trang phục dân tộc đẹp nhất… Qua mỗi hoạt động, tôi càng hiểu biết sâu sắc hơn về văn hóa quê hương để có thể giới thiệu nhiều hơn những nét đẹp văn hóa truyền thống ấy đến bạn bè bốn phương.
Những năm qua, Huyện Đoàn Bình Liêu cũng phối hợp với các ngành, đoàn thể, tuyên truyền cho đoàn viên thanh niên về truyền thống văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc; vận động đoàn viên thanh niên tích cực tham gia các lớp dạy hát then - đàn tính, hát soóng cọ, thêu thổ cẩm trên trang phục truyền thống của người Dao… Các cơ sở đoàn trong huyện còn huy động đoàn viên thanh niên tham gia đội văn nghệ tại các thôn, khu phố, thường xuyên tập luyện các điệu múa, làn điệu dân ca, tham gia phục vụ các dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm của địa phương và đi biểu diễn, giao lưu tại các sự kiện văn hóa của tỉnh.
Không riêng Bình Liêu, các cấp bộ Đoàn trong toàn tỉnh cũng tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, hiểu biết về văn hóa truyền thống cho đoàn viên thanh niên. Đồng thời, có sự định hướng đúng đắn cho thế hệ trẻ tiếp thu giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống gắn với các giá trị văn hóa hiện đại để làm giàu thêm bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Theo đó, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao như: Liên hoan các đội tuyên truyền ca khúc cách mạng; các chương trình dịp Tết cổ truyền hoặc Tết Trung thu với các hoạt động truyền thống gói bánh chưng, viết thư pháp, làm bánh Trung thu; hành trình về nguồn đến tham quan, tìm hiểu các di tích lịch sử văn hóa trong toàn tỉnh... đã thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên tham gia. Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn Đoàn tổ chức 318 hành trình về nguồn, thăm địa chỉ đỏ trên địa bàn tỉnh nhằm giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng, nâng cao ý thức, trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc với sự tham gia của gần 3.500 đoàn viên, thanh thiếu nhi.
Cùng với đó, xác định việc giữ gìn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch sẽ góp phần phát triển toàn diện kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương, tuổi trẻ toàn tỉnh đã tiên phong, sáng tạo ứng dụng chuyển đổi số trong xây dựng và triển khai gắn mã QR các địa chỉ đỏ, di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn, nhằm cung cấp thông tin, thuyết minh tự động trong quảng bá văn hóa, du lịch cho người dân và du khách. Đến nay, toàn Đoàn đã triển khai số hóa và gắn mã QR tại 165/370 điểm di tích tại các địa phương trong tỉnh.
Bằng những việc làm thiết thực, mỗi đoàn viên thanh niên đã và đang không ngừng phát huy ý thức trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, chung sức xây dựng nền văn hóa Quảng Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Duy Khoa
Liên kết website
Ý kiến ()