Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 22:37 (GMT +7)
Phát huy vai trò của y tế học đường
Thứ 2, 13/12/2021 | 09:50:39 [GMT +7] A A
Dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song các trường học trong tỉnh vẫn giữ vững "vùng xanh" an toàn để học sinh được đến trường. Thành quả đó có sự góp sức của công tác y tế học đường.
Dù khó khăn về nhân lực, nhưng công tác y tế học đường đã được nêu cao hơn bao giờ hết trong phòng, chống dịch Covid-19. Đội ngũ nhân viên y tế trường học kiêm nhiệm hay chuyên trách đều làm tốt vai trò của mình, thường xuyên rà soát, hoàn thiện kịch bản, phương án phòng, chống dịch theo từng cấp độ tại đơn vị; bảo đảm đầy đủ vật tư, trang thiết bị y tế thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Bên cạnh các công việc kiêm nhiệm do nhà trường giao, hằng ngày đội ngũ nhân viên y tế trường học phối hợp thực hiện khử trùng, vệ sinh lớp học, trường học, các vị trí thường xuyên tiếp xúc, phương tiện đưa đón học sinh, kiểm soát người ra, vào đơn vị. Được các cơ sở y tế tập huấn, nhân viên y tế học đường đã chủ động hơn trong thực hiện xét nghiệm định kỳ các đối tượng có nguy cơ cao mắc Covid-19, tạo "vùng xanh" an toàn trường học.
Cô giáo Nguyễn Thị Bắc, Hiệu trưởng Trường THCS Cẩm Thành (TP Cẩm Phả), cho biết: Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Trường đã bố trí 1 nhân viên y tế chuyên trách. Qua đó, thiết lập tốt cơ chế phối hợp, kênh liên lạc 24/7 chặt chẽ, chủ động, thường xuyên với gia đình, xã hội trong công tác quản lý, theo dõi sức khỏe học sinh. Trường vận động phụ huynh học sinh tích cực ủng hộ, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch của tỉnh, địa phương.
Theo Sở GD&ĐT, trên địa bàn tỉnh hiện có 646 trường từ cấp học mầm non đến THPT. Phương thức hoạt động về y tế trường học tại các cơ sở giáo dục được chia làm 3 loại hình: Cơ sở giáo dục có nhân viên y tế trường học chuyên trách và có trình độ chuyên môn đạt chuẩn theo Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT "Quy định về công tác y tế trường học" (176 trường, chiếm 27,24%); cơ sở giáo dục có nhân viên y tế trường học chuyên trách nhưng chưa đạt chuẩn về trình độ chuyên môn theo Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT (126 trường, chiếm 19,5%); cơ sở giáo dục không có nhân viên y tế trường học chuyên trách (344 trường, chiếm 53,25%).
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác y tế học đường hiện còn một số khó khăn, cần tháo gỡ thời gian tới. Sự phối hợp của liên ngành Y tế - Giáo dục tại một số ít địa phương còn chưa chặt chẽ; sự gắn kết giữa trạm y tế xã, phường, thị trấn và trường học tại các địa phương trong chăm sóc sức khỏe học sinh nhiều nơi chưa thường xuyên, đặc biệt là khu vực khó khăn, khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực trường học có khoảng cách xa trạm y tế.
Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ nhân viên y tế trường học phần lớn chưa đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho học sinh. Ở nhiều nơi, nhân viên y tế phải di chuyển giữa các điểm trường để chăm sóc trẻ, đôi khi xử lý các sự việc không kịp thời...
Thời gian tới, Sở GD&ĐT tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo có lộ trình đảm bảo bố trí các trường học có nhân viên y tế chuyên trách, có trình độ theo quy định; nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý và chuyên trách y tế trường học. Sở tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục không lơ là, mất cảnh giác, tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp học sinh có biểu hiện sốt, ho, khó thở để phối hợp với cơ sở y tế hướng dẫn học sinh đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Quảng Ninh hiện có trên 300.000 trẻ em, học sinh (chiếm tới 1/4 dân số của tỉnh), trong đó, toàn bộ học sinh dưới 12 tuổi chưa tiêm vắc xin, chính vì thế, đây là nhóm đối tượng được tỉnh xác định phải ưu tiên bảo vệ trọng điểm. Thực hiện Chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19, tỉnh đã triển khai hàng loạt các giải pháp mang tính đồng bộ để mỗi lớp học, mỗi trường học được an toàn. Từ nguồn ngân sách, hàng tuần sẽ có ít nhất 3-5% học sinh trên địa bàn tỉnh được xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, có tính đại diện, chống lãng phí. Qua đó, nhằm giám sát, phát hiện sớm, sàng lọc nhanh các trường hợp nghi mắc, người có nguy cơ cao.
Để việc xét nghiệm sàng lọc hiệu quả, Hiệu trưởng các trường của thành phố cũng tích cực phối hợp với các cơ sở y tế trên địa bàn, trạm y tế để tập huấn kỹ thuật lấy mẫu, xét nghiệm cho các giáo viên; lập danh sách theo nhóm đối tượng, tổ chức thực hiện xét nghiệm theo đúng thời gian.
|
Lan Anh
Liên kết website
Ý kiến ()