Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:49 (GMT +7)
Phát huy vai trò của người uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở tỉnh Quảng Ninh Bài 1: Những cột mốc nơi biên cương
Thứ 3, 28/05/2024 | 15:31:56 [GMT +7] A A
Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số là lực lượng quần chúng đặc biệt, có vị trí, vai trò quan trọng, là "điểm tựa cho mọi điểm tựa khác", là "cánh chim đầu đàn", góp phần đắc lực trong công tác tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, giúp các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng, Nhà nước tổ chức thực hiện thắng lợi chức năng, nhiệm vụ được giao, đồng thời thông qua họ nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân gửi tới Đảng, Nhà nước. Nói một cách hình tượng, người có uy tín là nhịp cầu nối gắn kết giữa ý Đảng và lòng dân.
“Sức mạnh mềm” nơi vùng cao, biên giới
Quảng Ninh là tỉnh miền núi, biên giới, biển, đảo, nằm phía Đông Bắc của Tổ quốc, có diện tích đất liền 6.102 km2 và trên 6.000 km2 mặt biển, với 2.077 đảo lớn nhỏ, có 118,825 km đường biên giới đất liền giáp với Trung Quốc, dân số 1.415.000 người, với mật độ dân số hơn 207 người/km2, dân số sống tập trung ở khu vực thành thị chiếm 63,9%, còn lại ở nông thôn chiếm 36,1%. Quảng Ninh có 13 đơn vị hành chính cấp huyện (04 thành phố, 02 thị xã và 07 huyện) với 177 xã, phường, thị trấn, trong đó có 56 xã, thị trấn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng bào dân tộc thiểu số có 162.531 người, chiếm 12,31% dân số toàn tỉnh, cư trú trên hơn 85% diện tích của tỉnh và có vị trí trọng yếu về quốc phòng - an ninh, biên giới quốc gia.
Diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, biên giới của tỉnh đã thay đổi rõ ràng. Đến hết năm 2019, vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của tỉnh không còn xã đặc biệt khó khăn; còn 12 thôn đặc biệt khó khăn. Thu nhập bình quân đầu người tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn đến hết năm 2019 đạt 32,62 triệu đồng/người/năm, cao gấp 2,56 lần so với năm 2015 (thu nhập bình quân cuối năm 2015 đạt 12,75 triệu đồng/người/năm). Cơ sở hạ tầng KTXH (giao thông, thủy lợi, điện, trạm y tế, trường học, nước sinh hoạt...) tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn đã được tập trung đầu tư theo tiêu chí nông thôn mới đảm bảo đồng bộ, liên thông toàn vùng dân tộc thiếu số, miền núi, biên giới, hải đảo. Đến nay 100% xã có đường ô tô được bê tông hoá đến tận thôn bản và đường ra khu sản xuất nông, lâm nghiệp.
Đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong vùng được cải thiện, nâng cao, rút ngắn thêm khoảng giữa vùng miền núi với miền xuôi, thành thị. Văn hoá các dân tộc thiểu số tiếp tục được đặc biệt quan tâm, chỉ đạo phục dựng, bảo tôn và phát huy các giá trị gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Nhất là các dân tộc thiểu số tại chỗ (Dao, Tày, Sán Dìu, Sán Chay, Hoa...) cư trú thành cộng đông làng bản, đã được xây dựng đây đủ các thiêt chê văn hoá mang đặc trưng truyên thống và vận động nhân dân tự tôn, tự hào, bảo tồn, phát huy truyền thống văn hoá của dân tộc mình. Các chính sách bảo đảm an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh được đặc biệt quan tâm.
Đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu định cư, sinh hoạt ở vùng cao, khu vực biên giới, rải khắp trên địa bàn toàn tỉnh… Tuy nhiên, có đặc điểm rất chung và độc đáo là trong các giai đoạn lịch sử, mỗi dân tộc thiểu số đều xuất hiện những thủ lĩnh có uy tín, vai trò ảnh hưởng mạnh mẽ trong cộng đồng, xã hội... họ luôn kề vai, sát cánh cùng với đồng bào để cùng chống giặc ngoại xâm, chống thiên tai, địch hóa, dịch bệnh,… giữ vững thế trận lòng dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, tập trung phát triển đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xóa đói giảm nghèo, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa, cùng với các cấp chính quyền hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao. Vì thế có thể nói người có uy tín là “sức mạnh mềm” nơi vùng cao, biên giới của tỉnh. Họ tuy không công tác trong các cơ quan chính trị của địa phương, nhưng lại là đối tượng có tầm ảnh hưởng, có sức mạnh đối với người dân nơi đây. Họ mang một sức mạnh mà không hệ thống chính trị nào có được. Họ là nhịp cầu gắn kết giữa các cơ quan chính quyền, đoàn thể với toàn thể người dân, là nơi người dân có thể chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, tình cảm, mong muốn, là nơi các cơ quan đoàn thể, chính trị địa phương gửi gắm niềm tin, giúp các cơ quan chính quyền, đoàn thể tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đến đông đảo người đồng bào dân tộc thiểu số.
Trao đổi về nội dung này, Thượng tá Mai Văn Thể, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết: Già làng, trưởng bản, người có uy tín trong toàn tỉnh có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp phát triển KT, VH, XH, củng cố quốc phòng an ninh, đặc biệt ở khu vực biên giới, hải đảo. Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số là những người gương mẫu, đi đầu trong phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo, tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc khu vực biên giới, hải đảo tổ chức lại sản xuất, quy hoạch lại cụm dân cư, thực hiện dồn điền đổi thửa, cải tạo vườn tạp để tăng diện tích cây trồng… tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh.
Bên cạnh đó, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số còn tích cực vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện phong trào toàn dân tham gia bảo vệ ANTQ, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số phối hợp với chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh tích cực tham gia tuyên truyền vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và chủ trương, kế hoạch của địa phương; đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển KT-VH-XH ở thôn, bản, qua đó đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, nhiều phong trào, mô hình hoạt động có hiệu quả như: Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống mới ở khu dân cư”; phong trào “Xây dựng đời sống văn hoá”; “mô hình hộ sản xuất kinh doanh giỏi”; phong trào “Tự quản đường biên cột mốc”, giữ gìn an ninh trật tự thôn, bản, khu vực biên giới góp phần quan trọng xây dựng thế trận Biên phòng toàn dân, thế trận lòng dân vững mạnh, tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ an ninh biên giới Quốc gia.
Người có uy tín là lực lượng quần chúng đặc biệt
Ở các khu vực miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, Người có uy tín luôn là những “cánh chim đầu đàn”, là lực lượng tiên phong, có ảnh hưởng sâu rộng trong cộng đồng. Ở góc độ hẹp, trong mỗi gia đình người dân tộc thiểu số, mọi sinh hoạt đời sống, quan hệ xã hội và lao động sản xuất luôn được điều hành, chi phối bởi người có uy tín nhất trong nhà. Trong đời sống, người có uy tín giữ vai trò đầu tàu đảm bảo sự vận hành của cộng đồng thông qua các công việc như: duy trì phong tục tập quán, ổn định trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển sản xuất, giải quyết mối quan hệ với các cộng đồng khác và với các cơ quan trong hệ thống chính trị, bộ máy nhà nước ở địa phương.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế xã hội ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn còn nhiều khó khăn; khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản so với các vùng miền khác còn khá lớn, tỷ lệ hộ nghèo tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn cao so với vùng đồng bằng và đô thị của tỉnh; phát triển kinh tế hộ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa hình thành được nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Chất lượng giáo dục, y tế còn hạn chế. Bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của một số dân tộc bị mai một. Công tác quản lý nhà nước về môi trường, đất đai vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn hạn chế. Trước tình hình trên, để tập trung phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng thì hơn lúc nào hết cần phải xây dựng được lực lượng người có uy tín trong đồng bào dân tộc đảm bảo nhiều thành phần, đủ tâm, tầm, tài.
Hiện toàn tỉnh Quảng Ninh có 363 người có uy tín trong đồng bào DTTS. Những năm qua, những người có uy tín trong đồng bào DTTS tỉnh Quảng Ninh đã và đang phát huy tốt vai trò nòng cốt ở cơ sở, đặc biệt, trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Đồng thời, trong cộng đồng dân cư người có uy tín cũng được đồng bào tín nhiệm và nhiều người tin tưởng đến bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, tranh thủ, xin ý kiến giải quyết những vấn đề bức xúc của bản thân, gia đình, xã hội. Người có uy tín có khả năng tác động, chi phối, tập hợp quần chúng bằng lời nói, hành động hoặc bằng những quy ước, hương ước của địa phương, dân tộc. Đại đa số người có uy tín có trình độ hoặc hiểu biết về lĩnh vực nào đó, có đạo đức, kinh nghiệm sống phong phú, lòng nhiệt tình và sự gương mẫu tận tâm, đội ngũ những người có uy tín đã trở thành mắt xích quan trọng, là cầu nối giữa nhân dân với cấp uỷ, chính quyền địa phương.
Thực tiễn cách mạng nước ta đã khẳng định người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở bất kỳ giai đoạn nào cũng luôn có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng. Việc phát huy vai trò của người uy tín là vấn đề quan trọng đòi hỏi sự quan tâm của các cấp, các ngành. Bởi người uy tín chính là “sức mạnh mềm” nơi vùng cao, biên giới, là lực lượng quần chúng đặc biệt mà không lực lượng nào có thể thay thế được. Là lực lượng có nhiều đóng góp quan trọng trong tuyên truyền chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, góp phần vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, giúp tham gia giải quyết tranh chấp, khiếu nại tố cáo tại các địa phương miền núi, biên giới của tỉnh.
Trần Quang Hoàng (CTV)
Liên kết website
Ý kiến ()