Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:26 (GMT +7)
Phát huy vai trò của MTTQ trong giải phóng mặt bằng
Thứ 5, 23/09/2021 | 07:39:11 [GMT +7] A A
Những năm qua, Quảng Ninh thực hiện nhiều dự án trọng điểm thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn. Hầu hết các dự án đều đảm bảo hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra. Góp phần làm nên thành công đó có sự đóng góp không nhỏ của MTTQ và các tổ chức CT-XH trong công tác GPMB.
Dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái sau điều chỉnh nâng tốc độ từ 100km/h lên 120km/h phải thực hiện GPMB với khối lượng gần 187ha, ảnh hưởng đến 1.168 hộ dân tại các địa phương: Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái. Để nhanh chóng bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công, đẩy nhanh tiến độ thi công, tỉnh đã phát động chiến dịch “30 ngày đêm” hoàn thành bàn giao mặt bằng dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, bắt đầu từ ngày 15/7/2020.
Lúc này, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vào cuộc, trong đó, MTTQ và các tổ chức CT-XH thường xuyên bám sát các hộ dân bị ảnh hưởng để tuyên truyền, vận động, thuyết phục, giúp người dân hiểu rõ tầm quan trọng của dự án. Với sự sâu sát đó, chỉ sau 15 ngày triển khai chiến dịch, tất cả 1.186 hộ dân tại 5 địa phương có đường cao tốc đi qua đã đồng thuận, tự nguyện ký biên bản bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư để tiếp tục triển khai dự án. Đến nay, dự án thi công đảm bảo tiến độ đề ra, dự kiến hoàn thành trong năm 2021.
Không chỉ trong chiến dịch “30 ngày đêm” hoàn thành bàn giao mặt bằng dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, trong các dự án liên quan đến GPMB, hầu hết đều có sự tham gia vận động, tuyên truyền của MTTQ và các tổ chức CT-XH. Để huy động vai trò của lực lượng này, hằng năm, UBND tỉnh ký quy chế phối hợp với khối MTTQ và các tổ chức CT-XH trong công tác thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh. Thậm chí, một số cấp ủy, chính quyền địa phương như Quảng Yên, Móng Cái đã chủ động chỉ đạo, phối hợp thực hiện “cơ chế đặt hàng” tham gia vận động nhân dân GPMB với MTTQ và các tổ chức CT-XH cấp huyện.
Trên cơ sở đó, MTTQ và các tổ chức CT-XH thường xuyên thực hiện việc công khai thông tin về dự án; biên soạn, in ấn tài liệu tuyên truyền, đến trực tiếp các hộ dân bị ảnh hưởng để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, cũng như vận động, thuyết phục.
Các quy trình công tác GPMB như công bố công khai quy hoạch, kiểm đếm khối lượng, niêm yết phương án, đối thoại với các hộ dân của chính quyền cơ sở đều mời đại diện lãnh đạo MTTQ và tổ chức CT-XH các cấp, lãnh đạo thôn, khu dân cư nơi có diện tích đất bị thu hồi GPMB cùng tham dự để thực hiện vai trò giám sát. Không chỉ vậy, MTTQ và các tổ chức CT-XH còn thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án để phản ánh đến cơ quan chức năng.
MTTQ và tổ chức CT-XH cơ sở luôn xây dựng, kiện toàn, nâng cao chất lượng của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng, các tổ hòa giải để làm vai trò giám sát, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Hiện nay, toàn tỉnh có 177 Ban Thanh tra nhân dân ở tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn; có 541 Ban Giám sát đầu tư cộng đồng (được thành lập theo công trình, dự án). Từ năm 2016 đến nay, các Ban Giám sát đầu tư cộng đồng đã tiến hành 1.734 cuộc giám sát; qua đó thực hiện và kiến nghị trên 600 vụ việc có sai phạm, tiến hành xác minh trên 350 vụ việc, từ đó kịp thời kiến nghị với chính quyền các cấp giải quyết. Bên cạnh đó, MTTQ và các tổ chức CT-XH đã huy động đoàn viên, hội viên tích cực tham gia giúp đỡ các hộ dân di dời, tháo dỡ công trình, di chuyển đồ đạc đến nơi ở mới phục vụ công tác GPMB.
Với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự tham gia tích cực của MTTQ và tổ chức CT-XH các cấp, đã góp phần thực hiện thành công công tác bồi thường GPMB trên địa bàn tỉnh, từ đó đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành các công trình trọng điểm, như dự án: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn; cầu Bạch Đằng và hệ thống cao tốc Hạ Long - Hải Phòng; cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai; KKT Vân Đồn; KCN Việt Hưng...
Các dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng đã tạo nguồn lực thu hút đầu tư để phát huy thế mạnh của tỉnh; tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn, nâng cao đời sống của người dân. Qua đó, đưa Quảng Ninh trở thành một trong 5 tỉnh, thành phố có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước, với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, siêu thị, du lịch, dịch vụ.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()