Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 19:09 (GMT +7)
Phát huy vai trò của công nhân Vùng mỏ trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước
Thứ 6, 11/11/2016 | 06:56:58 [GMT +7] A A
(Trích tham luận tại Hội thảo khoa học “Phát huy truyền thống công nhân Vùng mỏ trong đổi mới kinh tế đất nước” của PGS.TS. Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương)
Trong những năm 1930-1936, phong trào đấu tranh của công nhân Vùng mỏ tiếp tục phát triển. Đỉnh cao là cuộc tổng bãi công của 3 vạn công nhân và nhân dân lao động Vùng mỏ vào đêm ngày 12-11-1936. Thắng lợi của cuộc Tổng bãi công phản kháng chế độ thực dân Pháp kéo dài 20 ngày, khởi đầu từ cuộc bãi công của 5.000 công nhân và nhân dân lao động Cẩm Phả, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với khẩu hiệu “Kỷ luật, đồng tâm, chúng ta nhất định thắng”, đã thành công và gây tiếng vang lớn trên toàn quốc. Và ngày 12-11 trở thành Ngày Truyền thống vẻ vang của công nhân Vùng mỏ - Truyền thống ngành Than.
Công nhân Công ty Than Dương Huy trước giờ vào ca 3. Ảnh: Thanh Hằng |
Thắng lợi của cuộc Tổng bãi công Vùng mỏ năm 1936 đã mang lại bài học quý giá về tập hợp lực lượng công nhân và nhân dân lao động; về tính kỷ luật, đồng tâm trong đấu tranh, về sự đùm bọc, tương thân, tương ái của những người cùng cảnh ngộ, cùng nghề nghiệp, cùng giai cấp. “Kỷ luật, đồng tâm” đã trở thành phương châm hành động của đội ngũ công nhân Vùng mỏ trong 80 năm qua. Thắng lợi của cuộc Tổng bãi công 1936 đã khẳng định vị trí, vai trò to lớn của giai cấp công nhân Việt Nam nói chung, của công nhân Vùng mỏ nói riêng trong đấu tranh cách mạng Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công nhân Vùng mỏ cùng toàn dân làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thành công ở Quảng Ninh. Đó là thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng, là sự phát huy cao độ truyền thống đấu tranh anh dũng của công nhân Vùng mỏ và nhân dân lao động.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm, dưới sự lãnh đạo của Đặc khu ủy, công nhân mỏ đã đứng lên đánh Pháp. Từ Cửa Ông, Cẩm Phả, Dương Huy tới Hòn Gai, Quảng Yên, Uông Bí, Sơn Dương, Đông Triều, Mạo Khê... lực lượng tự vệ của công nhân Vùng mỏ đã cùng bộ đội phá hủy cơ sở hầm lò, công sở của thực dân Pháp. Công nhân Vùng mỏ đã nhiệt tình hưởng ứng các phong trào do Đảng ta phát động, như: “Ủng hộ kháng chiến”, “Mùa đông binh sĩ”, “Hũ gạo nuôi quân”, “Tặng quà Bác Hồ”... Công nhân Vùng mỏ đã anh dũng đấu tranh chống bọn thực dân Pháp, góp phần quan trọng vào thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp trên Vùng mỏ Quảng Ninh. Ngày 24-5-1955, Vùng mỏ hoàn toàn được giải phóng. Công nhân Vùng mỏ vĩnh viễn thoát khỏi cuộc đời nô lệ, trở thành người chủ của Vùng mỏ, tăng gia sản xuất làm chủ vận mệnh của mình. Công nhân Vùng mỏ đã thực hiện tốt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Thư gửi cho đồng bào Hồng Quảng: “Anh em công nhân phải bảo vệ hầm mỏ, nhà máy, kho tàng, nâng cao sản xuất”.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dưới mưa bom, bão đạn, công nhân Vùng mỏ đã vừa sản xuất, vừa chiến đấu, thực hiện “trận địa là nhà, vùng mỏ là quê hương”, “Tay búa, tay súng”, “Giặc phá hoại một, ta làm bù hai, ba”, “Mỗi người làm việc hăng hái”, “Sản xuất than chống Mỹ cứu nước”, “Vì miền Nam ruột thịt”, “Mùa Xuân thắng Mỹ”,... Đội ngũ công nhân Vùng mỏ ngày càng lớn mạnh và trưởng thành, lập nhiều thành tích to lớn, chiến công oanh liệt. Trong những năm chống Mỹ, Vùng mỏ đã có 4 đơn vị, 11 công nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, hàng nghìn tổ sản xuất đạt danh hiệu Tổ Lao động XHCN.
Từ khi đất nước thống nhất, cả nước đi lên CNXH, đội ngũ công nhân Vùng mỏ và ngành Than đã phát huy truyền thống vẻ vang, ngày đêm lao động cần cù, sáng tạo để cung cấp ngày càng nhiều than, khoáng sản cho Tổ quốc. Năm 1994, Tổng Công ty Than Việt Nam (nay là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam) được thành lập. Ngành Than - Khoáng sản Việt Nam thường xuyên đổi mới, phát triển mạnh mẽ và đang trở thành tập đoàn kinh tế lớn của đất nước, là nòng cốt trong việc cung cấp than cho đất nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Đội ngũ CBCN ngành than có gần 140.000. Công nhân Vùng mỏ ngày càng làm chủ công nghệ sản xuất mới, lao động với năng suất, hiệu quả ngày càng cao. Công nhân Vùng mỏ đã góp phần cùng cả nước làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử qua 30 năm đổi mới. Đảng, Nhà nước đã trao tặng nhiều danh hiệu cao quý cho ngành Than - Khoáng sản như: Huân chương Sao Vàng (năm 1986), Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho Tổng Công ty Than Việt Nam; 30 tập thể và cá nhân được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lao động; 13 tập thể, cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, hàng trăm huân chương các loại và nhiều phần thưởng cao quý khác.
5 năm tới, trên thế giới, kinh tế thế giới phục hồi chậm, gặp nhiều khó khăn, thách thức và còn nhiều biến động khó lường. Các quốc gia tham gia ngày càng sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Cạnh tranh kinh tế, thương mại, tranh giành nguồn tài nguyên, thị trường công nghệ, nhân lực chất lượng cao ngày càng gay gắt. Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết trong cộng đồng ASEAN và WTO, tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hội nhập quốc tế với tầm mức sâu rộng hơn nhiều so với giai đoạn trước. Tình hình đó tạo ra nhiều cơ hội, thuận lợi, nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức cho phát triển đất nước.
Tập đoàn Than - Khoáng sản đã đề ra định hướng mục tiêu, giải pháp cơ bản: Từ tài nguyên khoáng sản và nguồn nhân lực đi lên giàu mạnh, phát triển hài hoà và thân thiện với môi trường, với địa phương và cộng đồng; với đối tác, bạn hàng; hài hoà trong nội bộ Tập đoàn. Tập trung vào các ngành kinh doanh chủ yếu là: Công nghiệp than, điện lực, khai thác khoáng sản - luyện kim, công nghiệp cơ khí, hoá chất mỏ, vật liệu xây dựng, thương mại - dịch vụ, du lịch... Tiếp tục tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị; đổi mới tổ chức quản lý; phát triển nguồn nhân lực, đa dạng hoá nguồn vốn; bảo đảm an toàn lao động, cải thiện môi trường; mở rộng quan hệ hợp tác với đối tác, bạn hàng, với địa phương; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ; xây dựng văn hoá doanh nghiệp; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong Tập đoàn.
Để thực hiện được mục tiêu trên, đòi hỏi tổ chức Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là tổ chức Công đoàn ngành Than - Khoáng sản nói chung, Vùng mỏ nói riêng phải quan tâm thật sự việc giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển giai cấp Vùng mỏ cả về số lượng và chất lượng; nâng cao hơn bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động của công nhân; bảo đảm việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện làm việc, nhà ở, các công trình phúc lợi phục vụ công nhân; bổ sung các chính sách, pháp luật về tiền lương, bảo hiểm để bảo vệ quyền lợi, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của công nhân Vùng mỏ. Công nhân Vùng mỏ tiếp tục phát huy truyền thống “Kỷ luật, đồng tâm” trong 80 năm qua, không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh CNH, HĐH trong những năm tới, tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Ngành sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc. Toàn thể công nhân và cán bộ phải có nhiệt tình cách mạng và tinh thần rất cao, ý chí quyết đánh, thắng rất vững, phải đoàn kết nhất trí, phải có đầy đủ ý thức làm chủ Nhà nước, làm chủ xí nghiệp, vượt mọi khó khăn, nhằm vào một mục đích chung là sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc”.
Liên kết website
Ý kiến ()