Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 08:16 (GMT +7)
Phát huy vai trò các điểm đến “vệ tinh”
Chủ nhật, 17/07/2022 | 07:14:10 [GMT +7] A A
Bạn có khi nào đặt vấn đề: Vịnh Hạ Long quá tải về khách du lịch? Câu trả lời là điều ấy hoàn toàn là sự thực cho dù nó là quá tải cục bộ vào một số ngày nhất định, một số điểm nhất định. Bởi thế, các điểm đến vệ tinh của Hạ Long rất cần được chú trọng, phát huy vai trò.
Năm 1992, quần thể Angkor Wat - quần thể Angkor được xem là đỉnh cao kiến trúc của đế chế Khmer xây dựng từ thế kỷ IX đến thế kỷ XV của Campuchia được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Từ khi Angkor Wat được công nhận là di sản văn hoá thế giới, lượng khách du lịch đổ về tăng mạnh mỗi năm. Có thời điểm khách đến Angkor chiếm 40% tổng lượng khách quốc tế đến Campuchia.
Tuy nhiên, ngay khi có cảnh báo của UNESCO về đe doạ xuống cấp Angkor bởi khách tham quan quá đông, ngành du lịch Campuchia ngay lập tức nghiên cứu và thực hiện biện pháp kiểm soát và hạn chế khách du lịch. Năm 2003, khách vào đền Angkor Wat chỉ được tối đa 300 khách mỗi lượt và thời gian tham quan chỉ kéo dài tối đa 2 giờ đồng hồ. Đến nay, các biện pháp hạn chế khách vẫn tiếp tục được nghiên cứu và đề xuất để đối phó với nhu cầu tham quan không ngừng tăng lên hằng năm.
Nhưng hạn chế khách tham quan Angkor Wat không có nghĩa Campuchia bỏ đi việc khai thác nguồn tài nguyên “xanh” quý giá, chính quyền tỉnh Xiêm Riệp đã tăng cường phát triển các khu du lịch biển tại các hòn đảo và thị trấn Kép thuộc thành phố Sihanoukville cách Angkor Wat không xa, ngoài mục đích khai thác tài nguyên du lịch biển còn nằm trong chủ trương giãn khách khỏi Angkor, hướng khách du lịch những sản phẩm du lịch khác để giảm sức ép cho di sản văn hoá.
Quay lại Vịnh Hạ Long. Các tài liệu lưu trữ cho thấy khoảng từ năm 1930, sau khi thực dân Pháp xâm chiếm khu mỏ, các công ty du lịch của người Pháp và nhỏ hơn là của cả người Việt, người Nhật đã quan tâm khai thác du lịch Vịnh Hạ Long. Các dịch vụ chủ yếu khi ấy là đi thuyền hay tàu chạy bằng hơi nước du ngoạn trên vịnh ngắm cảnh đảo đá, non nước, mây trời, xa hơn là đến Mũi Ngọc (Móng Cái) và đưa khách tham quan các mỏ than lộ thiên. Hiện nay, thay vì chỉ ngồi tàu chạy ngắm cảnh vịnh, các hang động đã được khai thác, nhiều hang động đã trở thành các điểm đến trên hành trình tham quan như Thiên Cung, Đầu Gỗ, Mê Cung... Điều này dẫn đến có những ngày cao điểm, lượng khách tập trung tại các hang động này lên đến hàng ngàn người.
Theo các nhà khoa học, việc nhiều người tập trung trong hang động sẽ thải ra nhiều khí cacbonic, làm nhiệt độ, độ ẩm của hang thay đổi chưa kể những tác động chân tay lên nhũ đá, vách hang sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài động, thực vật trong hang. Đó là chưa kể các dịch vụ đi cùng cũng quá tải. Mấy tháng qua, sau khi du lịch mở cửa trở lại, vào những ngày cuối tuần, do lượng khách du lịch tăng cao, tàu đưa khách tham quan Vịnh Hạ Long luôn trong tình trạng “cháy”, đi muộn là không đặt được tàu.
Từ bài học của Angkor Wat, thiết nghĩ Quảng Ninh có nhiều thuận lợi để giãn khách tập trung cao dẫn đến quá tải tại Vịnh Hạ Long. Trà Cổ - Móng Cái, Vân Đồn, Cô Tô đều đã được quy hoạch thành các vùng du lịch, cơ sở hạ tầng, dịch vụ đều đã được đầu tư, phát triển. Hành trình du ngoạn ngắm Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long rồi dừng lại nghỉ ngơi, khám phá các đảo Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, thăm các chùa Cái Bầu, đền Cửa Ông... cần được các doanh nghiệp, ngành du lịch tính toán, kết nối. Xin nhắc lại, khoảng 100 năm trước, với điều kiện tàu chạy bằng hơi nước, người Pháp đã từng làm các tour hành trình như thế.
Hiện nay, các chuyến tàu khách từ Tuần Châu tới Cô Tô và ngược lại đang làm được một phần như thế, đó là trên hành trình khám phá Cô Tô, du khách có thể ngắm Vịnh Hạ Long dọc đường tàu chạy qua. Thêm nữa, chính tại Cô Tô, Quan Lạn, Minh Châu... du khách sẽ có thêm những trải nghiệm ý nghĩa như đánh cá, câu mực cùng ngư dân, tìm hiểu đời sống người dân đảo thay vì đơn điệu ngắm các hang động rồi... về bờ.
Đại Dương
Liên kết website
Ý kiến ()