Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 14/01/2025 03:12 (GMT +7)
Phát huy truyền thống văn hóa, con người Quảng Ninh
Thứ 3, 26/09/2023 | 10:01:07 [GMT +7] A A
Hội thảo về văn hóa, con người Quảng Ninh với chủ đề: “Quảng Ninh nhận diện và phát huy các giá trị văn hóa, con người, tạo nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững” do Tỉnh ủy Quảng Ninh và Tạp chí Cộng sản tổ chức tại Khu di tích - danh thắng Yên Tử (TP Uông Bí) vào ngày 26/9. Đây là nền tảng tạo nguồn lực quan trọng cho phát triển tỉnh Quảng Ninh nhanh, bền vững.
Quảng Ninh - vùng đất địa linh nhân kiệt, được ví như một “Việt Nam thu nhỏ”. Nơi đây có bề dày truyền thống yêu nước gắn liền với những chiến thắng chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Văn hóa Quảng Ninh là sự kết hợp của các yếu tố: Văn hóa biển, văn hóa công nhân mỏ, văn hóa cộng đồng các DTTS và văn hóa Đồng bằng sông Hồng, tạo nên sự đa dạng trong thống nhất.
Thấm nhuần tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, trong mọi hoàn cảnh lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh luôn thể hiện truyền thống tinh thần "Kỷ luật và Đồng tâm", coi trọng và sáng tạo, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, con người Quảng Ninh trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng cho quá trình phát triển của tỉnh.
Thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW (ngày 9/6/2014) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh sớm ban hành nghị quyết chuyên đề riêng là Nghị quyết số 11-NQ/TU (ngày 9/3/2018) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, với mục tiêu: Gìn giữ và phát huy bền vững bản sắc văn hóa; các giá trị di sản thiên nhiên, văn hóa, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; xây dựng con người Quảng Ninh với các đặc trưng “Năng động - sáng tạo - hào sảng - lành mạnh - văn minh - thân thiện”.
Đại hội XV Đảng bộ tỉnh lần đầu tiên đưa “Thiên nhiên tươi đẹp” trở thành một giá trị mới của tỉnh và là giá trị đứng đầu tiên trong hệ giá trị của tỉnh gồm: Thiên nhiên tươi đẹp - Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Nhân dân hạnh phúc. Đây chính là giá trị khác biệt, cơ hội nổi trội không nơi đâu có được, là một tài sản, nguồn lực, động lực phát triển đặc biệt của tỉnh.
Trong định hướng phát triển, tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm phát triển con người toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững gắn với tiêu chí hạnh phúc. Nhiều năm liền, tỉnh giữ vững vị trí trong nhóm 6 địa phương đứng đầu cả nước về chỉ số phát triển con người (HDI). Riêng giai đoạn 2018-2022, HĐND tỉnh ban hành 24 nghị quyết nhằm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh. Vì vậy, người dân Quảng Ninh có cuộc sống ổn định, an toàn, ấm no, tự do, hạnh phúc trong một môi trường xã hội văn minh, lành mạnh; có trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, văn hóa phát triển.
Quảng Ninh đã xây dựng được môi trường xã hội văn minh, lành mạnh, nền hành chính phục vụ minh bạch. Đặc biệt, tỉnh cũng tập trung thu hẹp khoảng cách vùng miền, xóa bỏ các hủ tục, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Đối với việc phát triển và bảo tồn văn hóa, Quảng Ninh chú trọng phát triển toàn diện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao với Bảo tàng, Thư viện tỉnh, Cung Quy hoạch, hội chợ và triển lãm tỉnh, Công viên hoa Hạ Long, Trung tâm Thể thao tỉnh, cùng hệ thống trung tâm văn hóa thể thao các địa phương, nhà văn hóa thôn, khu… phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân.
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa được quan tâm triển khai theo hướng nghiên cứu chuyên sâu. Hệ thống hơn 600 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được bảo tồn, trở thành nguồn lực đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh. Hiện tỉnh có 6 di tích quốc gia đặc biệt. 13 hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia. Nhiều di tích, di sản trở thành điểm du lịch thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Mới đây, với việc quần thể vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới, vịnh Hạ Long trở thành di sản thế giới duy nhất trong cả nước 3 lần được UNESCO tôn vinh, khẳng định giá trị ngoại hạng toàn cầu, cũng như sự nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản của Quảng Ninh.
Cùng với đó, Quảng Ninh hiện đóng vai trò chủ trì, phối hợp với 2 tỉnh Hải Dương và Bắc Giang xây dựng, hoàn thiện hồ sơ “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc” - hồ sơ đầu tiên của cả nước xây dựng trên phạm vi 3 tỉnh đề nghị UNESCO công nhận là Di sản thế giới...
Tỉnh cũng chủ động sáng tạo, xây dựng nhiều lễ hội mới, tổ chức thường niên thành sản phẩm văn hóa riêng thu hút đông đảo người dân du khách như Carnaval Hạ Long, festival áo dài, các lễ hội xuân Yên Tử, lễ hội hoa sở... đưa Quảng Ninh trở thành một trong những trung tâm tổ chức sự kiện hàng đầu cả nước. Đây là cơ sở để Quảng Ninh hình thành công nghiệp dịch vụ, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí dựa trên công nghiệp sáng tạo được tổ chức ở trình độ cao, hướng tới “xuất khẩu văn hóa” góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững.
Với việc phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện có hiệu quả các quyết sách đổi mới, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được những trái ngọt đáng tự hào trong xây dựng và phát triển con người Quảng Ninh gắn với phát triển kinh tế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh 7 năm liên tiếp vừa qua đạt trên 10%. Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, ước cả năm 2023 đạt 312.420 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2020. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững.
Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của văn hóa: “Văn hóa còn, dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”. Đứng trước yêu cầu mới về phát triển văn hóa theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng và Hội nghị văn hóa toàn quốc, kế thừa Nghị quyết số 11-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Quảng Ninh chủ động xây dựng nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hóa, con người, để trở thành tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Trong đó, đặt ra mục tiêu: Xây dựng hệ giá trị địa phương, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và hệ giá trị con người Quảng Ninh gắn với giữ gìn và phát huy hệ giá trị con người và gia đình Việt Nam; tiếp tục xây dựng môi trường sống lành mạnh, phong phú, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của nhân dân trong tỉnh. Đồng thời, bảo tồn và khai thác bền vững các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội…
Việc tổ chức Hội thảo về văn hóa, con người Quảng Ninh góp phần bổ sung những căn cứ khoa học, lý luận và thực tiễn trong quá trình nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện đề án và nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030. Qua đó, khẳng định quyết tâm của tỉnh Quảng Ninh trong việc kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa, giàu bản sắc; tuyên truyền những kinh nghiệm của tỉnh trong việc kết hợp chặt chẽ giữa phát triển nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh...
Dương Hà
Liên kết website
Ý kiến ()