Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:19 (GMT +7)
Kỷ niệm 20 năm Ngày tái lập huyện Đầm Hà 1/11 (2001-2021) và đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện chuẩn nông thôn mới Phát huy truyền thống, tiếp tục đổi mới, xây dựng huyện Đầm Hà giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh
Thứ 2, 01/11/2021 | 07:18:04 [GMT +7] A A
Từ một huyện miền núi, ven biển có xuất phát điểm thấp về kinh tế - xã hội, sau 20 năm tái lập, Đầm Hà đã có sự chuyển mình mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực. Kết quả này được khởi nguồn từ ý chí, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, nỗ lực thi đua lao động sản xuất của nhân dân các dân tộc huyện. Nhân dịp này, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã phỏng vấn đồng chí Đỗ Thị Ninh Hường, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Đầm Hà.
|
- Sau 20 năm tái lập huyện, bức tranh kinh tế - xã hội của huyện có nhiều khởi sắc. Đồng chí cho biết những thành tựu nổi bật mà huyện đạt được thời gian gần đây?
+ Ngày 1/11/2001 đã ghi vào lịch sử và đánh dấu bước phát triển quan trọng trong chặng đường đổi mới của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Đầm Hà khi huyện được tái lập theo Nghị định 59/2001/NĐ-CP ngày 29/8/2001 của Chính phủ; chính thức đi vào hoạt động với tâm thế của một đơn vị hành chính mới. Hành trình 20 năm xây dựng và phát triển của huyện đã để lại những mốc son đáng nhớ. Đặc biệt là về tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của người dân nơi vùng đất này.
Ngược dòng thời gian 20 năm trở về trước, Đầm Hà khi ấy cơ sở hạ tầng, kinh tế thiếu thốn, hệ thống thủy lợi, điện, đường, trường học, y tế hầu như vẫn còn ở điểm xuất phát. Đất canh tác nhiều nơi thường bỏ hoang vì thiếu nước tưới, trình độ dân trí thấp, nhất là vùng dân tộc thiểu số. Phần lớn cuộc sống mưu sinh của người dân phụ thuộc vào sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi, đánh bắt thủy sản ven biển và bán buôn nhỏ lẻ, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao. Trụ sở các cơ quan hành chính huyện chưa có, phải xây mới hoàn toàn, nguồn thu ngân sách hạn hẹp, cán bộ thiếu, trình độ nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu.
Dù đối diện với nhiều khó khăn, song bằng quyết tâm, nỗ lực, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện đã đoàn kết một lòng, phát huy nội lực, khai thác tiềm năng, vận dụng sáng tạo, có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết sát với thực tế địa phương, tập trung chỉ đạo đưa Đầm Hà bứt phá.
Kinh tế có bước phát triển vượt bậc: Quy mô kinh tế được mở rộng; các chỉ tiêu chủ yếu của các ngành được duy trì ở mức tăng trưởng khá; tổng giá trị sản xuất năm 2020 tăng 51,54% so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - xây dựng từ 12% (năm 2002) lên 23,3% (năm 2020), giảm tỷ trọng nông nghiệp từ 60% (năm 2002) xuống 45,6% (năm 2020), tăng tỷ trọng dịch vụ, thương mại từ 28% (năm 2002) lên 31,1% (năm 2020). Trong đó, huyện chú trọng xúc tiến, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào huyện, triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; đến nay có nhiều nhà đầu tư lớn, tiềm năng đã đến tìm hiểu và đầu tư trên địa bàn huyện.
Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Đặc biệt, chú trọng tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, nâng cao chất lượng sản phẩm có giá trị cao và bền vững; đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, gia trại, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là lĩnh vực có thế mạnh của huyện là chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung ứng dụng công nghệ cao; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị đảm bảo VSATTP. Đặc biệt, năm 2019 UBND tỉnh đã ban hành quyết định thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh về thủy sản tại huyện Đầm Hà.
Văn hóa - xã hội phát triển và có nhiều tiến bộ, GD&ĐT có nhiều bước tiến vững chắc. Chất lượng giáo dục toàn diện từng bước được nâng cao, chất lượng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu phát triển theo hướng bền vững. Trường, lớp học ngày càng khang trang, hiện đại. Các hoạt động văn hóa, thể thao được đẩy mạnh. Huyện tập trung xây dựng, phát triển văn hóa, con người Đầm Hà, ban hành Bộ quy tắc ứng xử người Đầm Hà “Đoàn kết - Sáng tạo - Tự tin - Thân thiện”. An sinh xã hội, giảm nghèo bền vững được triển khai có hiệu quả, huyện đã thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo, huy động cả hệ thống chính trị và các nguồn lực xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân tham gia giúp đỡ hộ nghèo. Đến nay tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 0,1% (giảm 26,94% so với cuối năm 2010); tỷ lệ hộ cận nghèo còn 1,17% (giảm 8,16% so với cuối năm 2010)...
Đặc biệt, ngày 29/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định Số 1826/QĐ-TTg công nhận huyện Đầm Hà đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Đây là mốc son ghi dấu kết quả hành trình 10 năm nỗ lực, quyết tâm, đoàn kết của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc huyện; cũng đánh dấu một mốc phát triển để tiếp tục mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.
- Nhiệm vụ xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được Đảng bộ huyện triển khai ra sao, thưa đồng chí?
+ Trong quá trình phát triển đi lên qua 2 thập kỷ, Đầm Hà luôn lấy phương châm chiến lược trong toàn Đảng bộ là xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần. Phương châm này đã được thực hiện xuyên suốt qua các kỳ Đại hội Đảng bộ của huyện. Cụ thể, Đảng bộ huyện đã tập trung xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và cán bộ, bằng việc đổi mới phương thức lãnh đạo, đề ra những chủ trương, quyết sách linh hoạt, sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương trong từng nhiệm kỳ, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị.
Huyện luôn quan tâm lãnh đạo, tổ chức quán triệt, triển khai, cụ thể hóa thực hiện nghiêm túc Điều lệ Đảng, các chỉ thị, nghị quyết, quy định, hướng dẫn của Trung ương, tỉnh, huyện về công tác xây dựng Đảng. Trong đó ban hành một số nghị quyết chuyên đề triển khai thực hiện có hiệu quả, như: Nghị quyết về phát triển nuôi trồng thủy sản; tái cơ cấu ngành nông nghiệp; phát triển du lịch; xây dựng và phát triển văn hóa, con người Đầm Hà; phát triển sản xuất, đưa các xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành chương trình 135; công tác quân sự, quốc phòng địa phương; đảm bảo an ninh trật tự...
Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng có nhiều sáng tạo, đổi mới về cách làm, mang lại hiệu quả. Trong đó, đã chú trọng thực hiện có hiệu quả việc học tập, quán triệt, triển khai các nghị quyết; tổ chức hội nghị báo cáo viên hằng tháng; công tác sơ kết, tổng kết thực hiện các nghị quyết. Đi liền với đó là phổ biến kinh nghiệm hay, nhân rộng điển hình tiên tiến từ cơ sở. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên đã đạt được kết quả quan trọng. Tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân ổn định, tin tưởng, phấn khởi, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Nâng cao chất lượng sinh hoạt ở chi bộ được coi là một trong những giải pháp trọng tâm để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, được Huyện ủy đặc biệt chú trọng. Huyện ủy đã phân công các đồng chí ủy viên BCH Đảng bộ huyện, cán bộ các ban xây dựng Đảng dự và kiểm tra việc chấp hành chế độ sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ. Đảng viên là cán bộ, công chức tại các xã, thị trấn tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn, bản, khu phố. Tổ chức đảng ở những địa bàn trọng yếu, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tập trung củng cố. Công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức được chú trọng. Đảng bộ huyện không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Năm 2001, Đảng bộ huyện mới có 26 chi, đảng bộ trực thuộc với 700 đảng viên; đến năm 2020 là 35 chi, đảng bộ cơ sở với 2.114 đảng viên.
Huyện tập trung kiện toàn tổ chức, bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị theo Nghị quyết số 18, Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Đề án về đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo sức chiến đấu của Đảng, thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế trên địa bàn huyện, xác định những khâu đột phá, lựa chọn những vấn đề trọng tâm, trọng điểm để kiện toàn, sắp xếp, sáp nhập một số đơn vị và tinh giản biên chế. Huyện đã thực hiện thành công sắp xếp, sáp nhập xã Quảng Lợi vào xã Quảng Tân; giảm 13 đầu mối cơ quan; thành lập 4 đơn vị sự nghiệp thuộc huyện; thực hiện nhất thể hóa đối với 4 chức danh trưởng ban xây dựng Đảng; 7/9 bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã, thị trấn; 76/76 bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn (bản, khu phố). Bộ máy biên chế được tinh gọn, vừa tiết kiệm ngân sách, vừa nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp.
Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng được quan tâm chỉ đạo và coi trọng, chất lượng, hiệu quả được nâng lên. Từ năm 2017 đến nay, huyện thực hiện chương trình đồng bộ về công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra theo chủ trương chung toàn tỉnh để tránh chồng chéo, trùng lặp về nội dung. Chú trọng công tác kiểm tra theo dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng và đảng viên; theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, thông báo sau kiểm tra, giám sát, thanh tra và kiểm toán.
- Trong giai đoạn phát triển mới với nhiều cơ hội, thách thức mới, Đảng bộ huyện xác định những giải pháp trọng tâm là gì, thưa đồng chí?
+ Những năm tiếp theo, huyện có những thuận lợi hết sức cơ bản. Đó là, sự ổn định về chính trị và những thành quả đạt được cùng với những kinh nghiệm cơ bản trong lãnh đạo, chỉ đạo của thời kỳ đổi mới, nhất là sau 20 năm tái lập huyện, là động lực quan trọng, tạo nền tảng vững chắc để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh.
Nghị quyết Đại hội XXV của Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2020-2025, xác định mục tiêu tổng quát: “Tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, dân chủ, đổi mới, sáng tạo, khai thác tốt, tiềm năng, thế mạnh huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng - an ninh, nâng cao toàn diện đời sống nhân dân, hình thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; sản xuất giống và nuôi thương phẩm thủy sản; vùng sản xuất và chế biến nông, hải sản cung cấp cho các khu du lịch, khu kinh tế và xuất khẩu. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng, phát triển văn hóa, con người Đầm Hà, xây dựng Đầm Hà trở thành huyện NTM kiểu mẫu vào năm 2025”.
Để hoàn thành các mục tiêu trên, Đảng bộ huyện đã đề ra nhiều giải pháp, nhằm không ngừng đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng; tinh giản bộ máy biên chế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp chính quyền; nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và cán bộ, đảng viên; phát huy tinh thần đoàn kết, năng động sáng tạo của nhân dân; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tiếp tục phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XXV của Đảng bộ huyện đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xây dựng quê hương Đầm Hà ngày càng giàu mạnh, văn minh.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!
BẢNG VÀNG THÀNH TÍCH - Có 3 tập thể được phong tặng Anh hùng LLVT, Anh hùng Lao động (nhân dân, cán bộ và LLVT huyện Đầm Hà, năm 2005; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đầm Hà, năm 2002; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đại Bình, năm 2010); 4 cá nhân được phong tặng, truy tặng Anh hùng LLVT, Anh hùng Lao động (Anh hùng LLVT Lê Lương, Anh hùng LLVT Lỷ A Coỏng, Anh hùng liệt sĩ Hà Quang Vóc, Anh hùng Lao động Nguyễn Tuấn Anh); 27 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được Đảng, Nhà nước phong tặng, truy tặng qua các thời kỳ. - Năm 2015, cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Đầm Hà được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao Động hạng Nhất. - Có 48 lượt tập thể, 9 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trung ương khen thưởng; trong đó có 2 tập thể, 1 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao Động hạng Ba. - Có 605 lượt tập thể, 838 lượt cá nhân được UBND tỉnh khen thưởng; 4.292 lượt tập thể, 32.732 lượt cá nhân được UBND huyện khen thưởng. (Nguồn Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đầm Hà) |
Thái Cảnh
Liên kết website
Ý kiến ()