Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 18:10 (GMT +7)
TP Cẩm Phả: Phát huy tối đa các lợi thế du lịch trong tình hình mới
Thứ 5, 22/09/2022 | 10:15:02 [GMT +7] A A
Cẩm Phả sở hữu nhiều tiềm năng về du lịch biển, tâm linh, trải nghiệm… Trong lộ trình phát triển, để hạn chế sự phụ thuộc vào ngành khai khoáng, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, thành phố đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp như: Xây dựng đề án phát triển du lịch, đa dạng hóa sản phẩm, hoàn thiện hạ tầng du lịch… từ đó, thu hút du khách trong và ngoài tỉnh.
Những giải pháp cụ thể
Nhằm định hướng cho sự phát triển, TP Cẩm Phả đã xây dựng đề án phát triển du lịch tổng thể giai đoạn 2020-2030, định hướng đến năm 2050; đồng thời, cập nhật quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của địa phương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; quy hoạch chung xây dựng TP Cẩm Phả đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và ngoài năm 2050. Trong đó, xác định rõ định hướng phát triển không gian đô thị toàn thành phố theo dạng tuyến từ Quang Hanh đến Cộng Hòa, khu vực phía Tây phát triển đô thị và du lịch hướng ra biển, khu vực phía Nam tập trung cho các loại hình du lịch, điểm du lịch, dịch vụ.
Đặc biệt, thành phố hiện có 24 di tích đã được kiểm kê, xếp hạng và gần 40 công trình, địa điểm là các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo có giá trị cần được bảo tồn. Để phát huy giá trị di tích, tạo dựng nền tảng tinh thần của xã hội, thúc đẩy phát triển du lịch địa phương, thành phố đang xây dựng đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hoá lịch sử trên địa bàn.
Với mục tiêu phát triển tâm điểm du lịch đa kết nối, Cẩm Phả đã chủ động đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, cũng như đầu tư trùng tu, tôn tạo, mở rộng các di tích. Đặc biệt, sự huy động nguồn lực tích cực từ xã hội, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã góp phần làm thay đổi tích cực ngành du lịch của địa phương.
Hàng loạt dự án đã được triển khai và đi vào hoạt động, như: Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Yoko Onsen Quang Hanh, cảng tàu tham quan Vịnh Bái Tử Long, đường dẫn vào khu du lịch Vũng Đục, công viên cây xanh trung tâm, đền Quan Châu, đình Dương Huy... Bên cạnh đó, thành phố đã nâng cấp Cổng thông tin và ứng dụng du lịch thông minh phục vụ du khách trên các thiết bị di động, triển khai hệ thống dịch, thuyết minh tự động… nhằm cung cấp thông tin cho du khách.
Hiện thành phố đang báo cáo UBND tỉnh đề xuất chủ trương đầu tư dự án khu đô thị dịch vụ du lịch ven biển Quang Hanh, dự án khu đô thị sinh thái kết hợp công viên chuyên đề Yoko Park tại phường Quang Hanh… Ngoài ra, các cơ sở lưu trú cũng được đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách. Trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 111 cơ sở lưu trú với gần 1.700 phòng.
Với mục tiêu tăng cường quản lý môi trường kinh doanh du lịch, TP Cẩm Phả đã thiết lập, công khai số điện thoại đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận phản ánh của du khách; lắp đặt biển "Đường dây nóng giải quyết khiếu nại của khách du lịch" theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại 6/6 khu, điểm du lịch; chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn không để xảy ra tình trạng chèo kéo khách du lịch, bán hàng không niêm yết giá, tình trạng ăn xin hoạt động tại điểm du lịch...
Xây dựng các sản phẩm đặc trưng
Để phát triển du lịch, thu hút du khách, tạo sự khác biệt, việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu. Theo đó, TP Cẩm Phả đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách. Trong đó, thành phố đã tổ chức thành công chương trình nghệ thuật sân khấu thực cảnh bên bờ Vịnh Bái Tử Long là Festival áo dài Quảng Ninh 2022 và trình diễn thời trang biển với hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên, người mẫu tham gia.
Thành phố đã chuẩn bị tốt nhất các điều kiện cơ sở vật chất như: Bố trí 2 khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế, lắp đặt 4 đường truyền Internet tốc độ cao, bổ sung 4 cột phát sóng thông tin, lắp đặt 3 màn hình led... để tổ chức thành công 13 trận thi đấu môn bóng đá nữ trong khuôn khổ SEA Games 31. Hay như từ ngày 27 đến 30/8/2022 (ngày 1 đến 4/8 âm lịch), thành phố đã tổ chức thành công Lễ hội đền Cửa Ông, thu hút 15.000 người tham gia... Qua đó, tạo được ấn tượng tốt đẹp cho người dân và du khách.
Phát huy đặc trưng riêng có của thành phố mỏ, Cẩm Phả đã xây dựng, khai trương và đưa vào hoạt động phố đi bộ “Phố đêm thợ mỏ” nhằm tăng thời gian lưu trú của du khách, tạo ra nét đẹp về văn hóa, từng bước phát triển kinh tế đêm. Hiện Cẩm Phả đang phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam nghiên cứu thực hiện dự án tu bổ di tích ngã tư đường lên mỏ Đèo Nai, trọng tâm là dự án tu bổ, tôn tạo, nâng cấp nhà giữ lửa truyền thống.
Đây là di tích gắn liền với Cuộc tổng bãi công của 3 vạn thợ mỏ ngày 12/11/1936. Trên cơ sở đó, thành phố sẽ kết nối các di tích, khai trường, mỏ... do ngành Than quản lý như: Quảng trường 12/11, địa điểm Bác Hồ về thăm mỏ Đèo Nai, Trung tâm đánh giá kỹ năng nghề hầm lò, khu di tích và danh thắng Vũng Đục... để xây dựng sản phẩm du lịch “Than”.
Ngoài ra thành phố đã chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu, xây dựng sản phẩm du lịch bóng đêm nhằm khai thác nét đặc trưng gắn với văn hóa vùng than của khu mỏ Cẩm Phả. Thành phố cũng đang tích cực ra quân, xử lý, di dời các lồng, bè, cơ sở nuôi trồng thủy sản trái phép trên khu vực biển, lập lại trật tự trên tuyến biển, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ môi trường biển...
Để “đánh thức” tiềm năng du lịch của Vịnh Bái Tử Long, TP Cẩm Phả cũng đã đưa vào các hoạt động trong hành trình thăm vịnh như: Chèo thuyền kayak, tắm biển, thăm các làng chài, tìm hiểu văn hóa truyền thống của ngư dân, thưởng thức các loại hải sản... nhằm thu hút du khách, phát triển du lịch biển, thúc đẩy KT-XH địa phương.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()