Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 02:17 (GMT +7)
Phát huy tinh thần hào khí Điện Biên
Thứ 5, 02/05/2024 | 06:33:52 [GMT +7] A A
Những ngày đầu tháng 5 này, toàn Đảng, toàn quân và nhân dân ta đang hướng về kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 7/5 (1954-2024), niềm xúc động tự hào về những năm tháng “khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt” ấy, mãi là ký ức đối với những người lính Điện Biên năm xưa.
Ở tuổi 94, nhưng CCB Nguyễn Văn Tỉnh ở khu 2A, phường Cẩm Thành (TP Cẩm Phả) vẫn nhớ những năm tháng hào hùng khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. CCB Nguyễn Văn Tỉnh nhớ lại: Trước khi quân ta mở chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi đang ở Đại đội 54, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 77 trực thuộc Bộ tổng Tư lệnh đang huấn luyện tân binh ở tỉnh Phú Thọ. Nhiệm vụ của chúng tôi là tiếp nhận các tân binh nhập ngũ và tổ chức thành các tiểu đội, trung đội, đại đội; huấn luyện trên thao trường, hướng dẫn các chiến sĩ sử dụng các loại vũ khí...
Khi quân ta mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị của CCB Nguyễn Văn Tỉnh được lệnh đưa các chiến sĩ qua huấn luyện lên bổ sung cho các đại đoàn đang tham gia chiến dịch. Khi giao quân số cho các đơn vị, lúc này quân ta đang mở đợt tiến công lần thứ 3 tại Điện Biên Phủ, các trận đánh diễn ra rất ác liệt. Ngày 7/5/1954, quân ta tổng công kích, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.
Còn CCB Trần Văn Đào, 91 tuổi, ở khu 1, phường Yết Kiêu (TP Hạ Long), đầu tháng 1/1954, ông ở Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 được lệnh hành quân tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tại Điện Biên Phủ, các vị trí A1, C1, C2 là những cứ điểm quan trọng và rất kiên cố, án ngữ những vị trí trọng yếu trong hệ thống Tập đoàn cứ điểm. Đây cũng chính là mục tiêu mà Đại đoàn 316 được Bộ Chỉ huy Chiến dịch giao nhiệm vụ tiêu diệt.
Nhiệm vụ của Trung đoàn 174 được tấn công vị trí đồi A1, tại đây nhiều trận chiến đấu diễn ra ác liệt. CCB Trần Văn Đào nhớ lại: Địch dựa vào một hầm cố thủ chống trả quyết liệt, anh em trong đơn vị bị thương vong nhiều. Bộ Chỉ huy Chiến dịch quyết định dừng tấn công, tổ chức phòng ngự, kiên quyết giữ vững những vị trí đã chiếm được, chuẩn bị tốt mọi mặt khi có lệnh.
Trung đoàn 174 bố trí đào một đường hào phía Tây Nam lượn theo đồi E cách đồi A1 về phía Đông Nam khoảng 200m. Đường hào này sẽ tạo điều kiện cho bộ đội ta áp sát đồi A1 hình thành vòng vây từ 3 phía. Bộ Chỉ huy Chiến dịch chỉ đạo lực lượng công binh đào một đường hầm từ trận địa ta đến dưới hầm địch tại A1 rồi dùng lượng thuốc nổ khoảng 1.000kg đánh sập hầm.
Tối ngày 5/6/1954 tiếng nổ lớn của khối bọc phá tại đồi A1 cũng là lệnh nổ súng tiêu diệt địch. Mặc dù địch quyết liệt cố thủ chống trả nhưng đến sáng ngày 7/5 quân ta đã làm chủ đồi A1. Sau đó quân ta tổng công kích toàn mặt trận đến 17h30' ngày 7/5/1954 tướng Đờ Cát và toàn bộ Chỉ huy địch đã đầu hàng, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Nói đến đây, CCB Trần Văn Đào nghẹn lại với ánh mắt đầy tự hào.
70 năm đã trôi qua kể từ sau chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, CCB Nguyễn Văn Tỉnh, CCB Trần Văn Đào và những chiến sĩ Điện Biên đều ở tuổi xưa nay hiếm. Nhưng ký ức mà mỗi người lính mang theo vẫn là những mảnh ghép chân thực về lịch sử hào hùng của dân tộc.
Theo số liệu của Hội CCB tỉnh, hiện toàn tỉnh còn 176 CCB trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây 70 năm. Ông Đàm Huy Đắc, Chủ tịch Hội CCB tỉnh, cho biết: Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Hội CCB tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội trực thuộc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức các hoạt động gặp mặt tri ân các chiến sĩ Điện Biên Phủ ở tại 3 cấp tỉnh, huyện và xã nhằm ôn lại truyền thống ký ức về chiến thắng lịch sử cách đây 70 năm.
Những CCB sức khỏe giảm sút, cấp ủy chính quyền, MTTQ cùng ngành, đoàn thể gặp mặt, thăm hỏi, động viên tại gia đình. Đặc biệt, Hội CCB tỉnh đã cùng với lãnh đạo tỉnh đến thăm hỏi, tặng quà, động viên các chiến sĩ Điện Biên Phủ ở tại các địa phương trong tỉnh. Đây là hoạt động hết sức ý nghĩa nhằm tri ân thế hệ đi trước cống hiến hy sinh cho độc lập, tự do của dân tộc.
Dương Trường
Liên kết website
Ý kiến ()