Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 12:23 (GMT +7)
Đánh thức tiềm năng du lịch cộng đồng ở Tiên Yên
Chủ nhật, 06/03/2022 | 08:19:53 [GMT +7] A A
Thời gian qua, du lịch cộng đồng ở Tiên Yên đang dần thu hút được nhiều sự chú ý, khám phá của du khách với sự kết hợp của thắng cảnh, giá trị văn hóa cộng đồng và sự tham gia của người dân địa phương. Đó là thành quả của nỗ lực, định hướng đúng, tuy nhiên còn nhiều khó khăn, cản trở để khai phá tiềm năng này.
Vùng đất ngã ba sông giàu tiềm năng
Trong những năm gần đây, cùng các địa phương khác, Tiên Yên cũng dần nằm trong “cẩm nang du lịch” của nhiều lữ khách, các hãng lữ hành với tiềm năng du lịch cộng đồng đặc sắc, nhiều khám phá thú vị. Đã trải nghiệm, chắc hẳn nhiều du khách sẽ thích thú với cảnh quan thiên nhiên kỳ thú của thác Pạc Sủi, Mũi Lòng Vàng hay phố cổ Tiên Yên nhộn nhịp…
Không chỉ tạo được dấu ấn về sản phẩm du lịch, chúng ta còn thấy Tiên Yên là vùng đất giàu tiềm năng cho phát triển du lịch cộng đồng dựa trên nền tảng tài nguyên, giá trị văn hóa, cảnh quan bản địa đặc sắc. Tiên Yên có 35km bờ biển với diện tích bãi triều gần 9.000ha, trong đó có 6.200ha khu sinh thái rừng ngập mặn. Đặc biệt, rừng ngập mặn Đồng Rui với hệ sinh thái đa dạng, nơi có bãi cát Mũi Lòng Vàng như quà tặng kỳ thú của thiên nhiên.
Tiên Yên còn là vùng đất da dạng về địa hình với các dạng thắng cảnh, hệ sinh thái được bảo tồn tốt. Đó là hệ thống rừng ngập mặn trải dài ven biển ở các xã Đông Ngũ, Đông Hải, Hải Lạng và Tiên Lãng; vô số thắng cảnh đẹp được phát hiện bảo tồn từ lâu, như: Hang Rồng (xã Hà Lâu), thác Khe San, núi Vua (xã Phong Dụ), thác Nậm Văm, Đồi Tình, Hồ Tuyệt tình cốc (xã Đại Dực), hồ Khe Táu (xã Đông Ngũ), hồ Khe Cát (xã Hải Lạng)… Đáng nói, đây là nguồn tài nguyên tiềm năng, rất thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái cộng đồng gắn với trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương vốn là những người phát hiện, bảo vệ và tham gia phát triển du lịch ở đây.
Ngoài ra, Tiên Yên còn có nguồn tài nguyên nhân văn đa dạng là điểm hội tụ và giao thoa văn hóa các dân tộc của các huyện miền Đông với 10 dân tộc anh em. Huyện có 5 di tích lịch sử đã được công nhận, xếp hạng cấp tỉnh (Khe Giao, Đường số 4, Khe Tù, Hòn Ngò, Chùa An Long); 1 tuyến du lịch và 5 điểm du lịch được công nhận cấp tỉnh.
Dễ thấy, Tiên Yên còn là vùng đất giàu giá trị văn hóa, lịch sử mà chính bà con các dân tộc Tiên Yên là chủ nhân, người góp phần tạo nên giá trị đặc sắc cho vùng ngã ba sông này. Đó là hàng loạt các công trình kiến trúc, di tích lịch sử đẹp, có giá trị lớn như: Phố cổ Tiên Yên, đền thờ Đức Ông Hoàng Cần (xã Hải Lạng), chùa Quán Âm (xã Tiên Lãng), chùa Linh Quang (thị trấn Tiên Yên)…
Không thể không kể tới là các lễ hội mà chính bà con các dân tộc địa phương là chủ nhân, đúc kết nên từ lâu đời, như: Lễ hội văn hoá - thể thao dân tộc Sán Chỉ, Tày, Sán Dìu, Dao; Lễ hội đua thuyền truyền thống (Đồng Rui) cùng nhiều sự kiện, lễ hội, hội thi đặc trưng khác, thể hiện và tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn nói riêng và cả vùng Đông Bắc nói chung.
Không chỉ có vị trí địa lý thuận lợi, tài nguyên thiên nhiên phong phú, văn hóa truyền thống đặc sắc, đa dạng, đến với Tiên Yên, du khách còn được thưởng thức văn hóa ẩm thực rất riêng biệt, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc, khó phai.
Xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc
Có thể thấy, vùng đất ngã ba sông Tiên Yên vừa thuận lợi về giao thông, vừa hội tụ nhiều tiềm năng, thế mạnh đặc sắc, khác biệt. Đây là những nguyên liệu tốt, triển vọng xây dựng nên các sản phẩm thú vị, kích thích sự phát triển của du lịch cộng đồng.
Chia sẻ về nỗ lực và định hướng của địa phương, ông Phạm Văn Hoài, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên, cho biết: Cùng với sự quan tâm của tỉnh, các cấp, ngành, thời gian qua, Tiên Yên cũng tranh thủ sự ủng hộ, sử dụng linh hoạt, hợp lý các nguồn lực để phát huy hết thế mạnh. Hy vọng, đó vừa là cách bảo tồn, phát huy giá trị vùng đất, vừa góp phần phát triển KT-XH nhằm cải thiện, nâng cao đời sống của bà con địa phương.
Quả thật, để làm nền tảng vững chắc cho du lịch phát triển, thời gian qua, Tiên Yên đã bám sát chủ trương, định hướng của tỉnh, sớm ban hành các Nghị quyết, Đề án phát triển du lịch cùng các hành động thiết thực.
Tiêu biểu là: Chương trình hành động Nghị quyết về phát triển du lịch giai đoạn 2013-2020, ban hành tháng 9/2013, chỉ 2 tháng sau Nghị quyết số 07-NQ/TU (ngày 24/7/2013) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch; tiếp theo là Đề án phát triển du lịch huyện đến 2020, định hướng đến 2030 (tháng 12/2017)… Có thể nói, đó là định hướng, tiền đề quan trọng cho triển khai, ban hành nhiều Nghị quyết, phê duyệt và thực hiện các đề án phát triển du lịch dài hơi.
Đáng chú ý, huyện còn tích cực gìn giữ, bảo tồn các giá trị, tài sản vô giá của cộng đồng bằng việc triển khai các đề án bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Cụ thể là: Đề án xây dựng chợ phiên văn hóa vùng cao xã Hà Lâu; làng văn hóa dân tộc Tày (thôn Đồng Đình, xã Phong Dụ); phục dựng Lễ hội đình Đồng Đình (xã Phong Dụ); bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Sán Dìu (xã Hải Lạng)...
Tiên Yên còn đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, nâng tầm các giá trị, biến các nguyên liệu thành sản phẩm du lịch. Xác định hạ tầng là yếu tố thúc đẩy quan trọng, Tiên Yên dành nguồn lực đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng tới các điểm du lịch tiềm năng trên địa bàn. Cụ thể, đầu tư gần 10 tỷ đồng hoàn thành tuyến đường mòn, các điểm nhấn cảnh quan của thác Pạc Sủi (năm 2019); mở rộng đường vào xã đảo Đồng Rui (năm 2018); đưa Trung tâm văn hóa - thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc tại Tiên Yên với tổng diện tích trên 9ha vào hoạt động.
Gần đây là đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp chỉnh trang phố đi bộ Tiên Yên; trang trí tạo điểm nhấn, khánh thành công trình cầu đường bờ sông huyện Tiên Yên… Đồng thời với đó là xây dựng quy hoạch, giải phóng mặt bằng các di tích lịch sử, đền thờ; phục dựng, nâng cao chất lượng các lễ hội truyền thống...
Có thể thấy, nhờ sự vào cuộc tích cực, cho đến nay đã có một số sản phẩm du lịch hình thành, đưa vào khai thác và nhận được phản hồi tốt từ du khách. Đó là điểm du lịch thác Pạc Sủi khang trang, đường đi lại tham quan tiện lợi cho du khách; trải nghiệm thú vị tham quan rừng ngập mặn Đồng Rui, Mũi Lòng Vàng. Đặc biệt là phố đi bộ Tiên Yên khai trương tháng 8/2017, trở thành điểm đến vô cùng sôi động, nhộn nhịp, thu hút khoảng 60.000 lượt khách/năm. Đáng chú ý là các điểm đến này đều phát huy được các giá trị, có sự tham gia, đóng góp tích cực của cộng đồng địa phương.
Ngoài định hướng phát triển du lịch tổng thể của huyện, trong tương lai du lịch cộng đồng dựa trên các giá trị đặc trưng cũng được xác định là sản phẩm thế mạnh, các sản phẩm chủ lực. Không chỉ vậy, trong Đề cương, nhiệm vụ phát triển du lịch Tiên Yên đến năm 2025, định hướng 2030 đang được xây dựng, huyện cũng xác định du lịch cộng đồng là sản phẩm chiến lược, đề ra nhiều sản phẩm chính, dự án du lịch cộng đồng được ưu tiên thực hiện.
Bên cạnh đó, để thúc đẩy du lịch phát triển, huyện cũng đặc biệt quan tâm, mời gọi, tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư tìm hiểu, nghiên cứu các điểm du lịch. Nhờ đó cho tới nay, trên địa bàn đã có các dự án được nghiên cứu, triển khai như: Dự án Siêu thị Aloha Mall Tiên Yên (thị trấn Tiên Yên); Việc nghiên cứu, lập quy hoạch quần thể đô thị du lịch, nghỉ dưỡng phía Tây Cảng Mũi Chùa của Công ty CP Flamingo; nghiên cứu khảo sát đầu tư du lịch tại huyện Tiên Yên của Tập đoàn TH True Milk...
Tuy nhiên, hiện nguồn lực dành cho phát triển du lịch cộng đồng của địa phương còn hạn chế. Bởi trên thực tế là muốn du lịch cộng đồng phát huy hết thế mạnh thì điều vô cùng quan trọng là phải giữ nguyên văn hoá bản địa, trong khi nhiều giá trị truyền thống của các dân tộc như: Nhà cổ, nét văn hóa, sinh hoạt bản địa, trang phục… đang bị mai một.
Việc thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho các điểm, dự án du lịch cộng đồng như: Du lịch cộng đồng tại Đại Dực, thác Pạc Sủi, bản văn hóa, du lịch người Tày gắn với phát triển du lịch tại thôn Đồng Đình (xã Phong Dụ), chợ phiên vùng cao Hà Lâu...; cơ sở hạ tầng giao thông đến nhiều nơi, như: Hang Rồng, thác Cá Nhảy, Hà Lâu; thác Khe San, Núi Vua, xã Phong Dụ... vẫn còn nhiều khó khăn.
Việc kêu gọi và thu hút các nguồn vốn đầu tư, cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch chưa rõ nét; tiếp thị quảng bá, nguồn nhân lực... còn nhiều hạn chế. Vì thế, ngoài định hướng, nỗ lực của địa phương, để đánh thức hết tiềm năng, cần sự quan tâm cụ thể, đầu tư các nguồn lực nhiều hơn nữa.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()