Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 06:26 (GMT +7)
Phát huy thế mạnh thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP
Chủ nhật, 12/07/2020 | 12:42:14 [GMT +7] A A
Thương mại điện tử (TMĐT) là xu hướng nhiều ngành nghề, lĩnh vực đang thúc đẩy, cập nhật để đón đầu thời công nghệ 4.0. TMĐT và phát triển sàn giao dịch TMĐT cho sản phẩm OCOP dù đã có những kết quả bước đầu nhưng cần được quan tâm để phát huy hết thế mạnh.
Với Quảng Ninh, TMĐT đã có những bước manh nha, trong đó đáng kể nhất chính là hoạt động của sàn giao dịch TMĐT tỉnh Quảng Ninh ở địa chỉ http://teqni.gov.vn. Từ 2009, sàn đi vào hoạt động với vai trò giới thiệu các nông đặc sản của tỉnh nhà.
Trước sự phát triển như vũ bão của TMĐT, đến năm 2016, Sàn giao dịch thương mại được đơn vị chủ quản tranh thủ các nguồn lực và sự hỗ trợ của Bộ Công Thương đầu tư nâng cấp tiệm cận với các sàn giao dịch hiện đại đương thời. Nhờ đó, sàn thực hiện tốt hơn chức năng quảng bá, giới thiệu và giao dịch các đặc sản, đặc biệt là sản phẩm OCOP Quảng Ninh.
Trung tâm Xúc tiến và phát triển công thương tổ chức tập huấn ứng dụng TMĐT trong tiêu thụ sản phẩm nông sản cho các đơn vị doanh nghiệp. |
Chia sẻ về phát triển thương mại điện tử, ông Hoàng Đức Khá, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến và phát triển công thương, đơn vị chủ quản sàn giao dịch, cho biết: TMĐT đặc biệt là sàn giao dịch TMĐT các sản phẩm OCOP tạo ra những thuận lợi, tiện nghi và nhanh chóng cho người tiêu dùng và cả các doanh nghiệp quan tâm. Đặc biệt, trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19 dịp đầu năm, khi nhiều hoạt động giao dịch, kinh tế xã hội đóng băng thì hoạt động TMĐT qua sàn vẫn sôi động. Không chỉ từ tác động đó, việc phát triển TMĐT là kênh quan trọng để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, luôn được quan tâm.
Thực tế, không chỉ trong bối cảnh dịch bệnh, thời gian qua, Trung tâm đã có những nỗ lực đáng kể trong việc nâng cấp, tăng cường hoạt động của sàn. Đó là việc nâng cấp tiện ích giao dịch, chất lượng hình ảnh sản phẩm quảng bá đồng thời với việc liên kết quảng bá mạnh mẽ qua các sàn có tiếng như: Sendo, Tiki, Shopee; kết nối với "ông lớn" Amazone. Trung tâm cũng thúc đẩy kết nối với các hãng giao hàng nhanh chuyên nghiệp, dài nhất là 2-3 ngày đối với các vùng miền xa xôi theo kịp nhu cầu mua sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh.
Nhờ đó, thời gian qua TMĐT qua sàn cũng được thúc đẩy. Sàn cũng được nhiều người tiêu dùng biết tới. Trung bình có hơn 1000 lượt truy cập/ngày, đạt 10.000 - 20.000 lượt/tuần, cao hơn con số 11.000 - 12.000 lượt truy cập/năm của giai đoạn trước năm 2016. Doanh thu giao dịch qua sàn cũng tăng nhanh từ 28,7 triệu đồng (năm 2017) lên gần gấp 3 năm 2018, đạt trên 71,4 triệu đồng và cán mốc khoảng 400 triệu đồng (năm 2019).
Tuy nhiên, bên cạnh thành quả, theo đánh giá của các chuyên gia, thời công nghệ 4.0, TMĐT đang phát triển mạnh mẽ với nền tảng công nghệ hiện đại, đem lại nhiều tiện nghi cho người dùng. Trong khi đó sàn TMĐT tỉnh còn nhiều hạn chế về hạ tầng kỹ thuật sàn còn lạc hậu, giao diện chưa hiện đại, chức năng còn hạn chế, đặc biệt, thanh toán trực tuyến chưa có ứng dụng trên thiết bị di động. Đây cũng là những hạn chế lớn của sàn khiến sàn phần nào chưa phát huy hết thế mạnh, chưa khai thác hết tiềm năng của hàng trăm sản phẩm OCOP...
Để thúc đẩy và tháo gỡ “nút thắt” cho TMĐT, vừa qua, tỉnh đã đưa ra các kế hoạch phát triển TMĐT, các nội dung thực hiện kèm các giải pháp cụ thể. Theo đó, đẩy mạnh ứng dụng TMĐT ở diện rộng trong đơn vị quản lý nhà nước và cả doanh nghiệp. Các giải pháp đề ra đó là phát triển, hoàn thiện hạ tầng về TMĐT gồm tập trung hoàn thiện chính sách phát triển hạ tầng, hỗ trợ giao dịch trực tuyến tích hợp thanh toán, hóa đơn điện tử; phát triển các sản phẩm, giải pháp TMĐT (hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, ứng dụng trên thiết bị di động…).
Cán bộ Trung tâm Điều hành sàn giao dịch TMĐT quảng bá, xúc tiến sản phẩm OCOP. |
Đối với sàn giao dịch TMĐT tỉnh, sàn được duy trì vận hành và nâng cấp bổ sung tính năng hoạt động để sàn http://teqni.gov.vn hoạt động tốt, ổn định đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, người tiêu dùng. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp cung cấp thông tin, tạo cơ hội giao thương, thực hiện các giao dịch mua bán, thanh toán qua mạng thông qua sàn, phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025 sàn đạt từ 350 - 400 doanh nghiệp tham gia.
Sàn sẽ được tích hợp, liên kết các trang thông tin TMĐT hiện do các sở, ngành, địa phương trong tỉnh quản lý nhằm tăng hiệu ứng công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm và dịch vụ tỉnh trên môi trường internet đến với du khách và người tiêu dùng. Đồng thời, với đó là tổ chức các hoạt động, sự kiện về XTTM tiêu thụ sản phẩm qua môi trường internet; phối hợp với Cục Thương mại Điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) trong việc kết nối sàn giao dịch TMĐT tỉnh với các sàn TMĐT các tỉnh, thành trong cả nước; kết nối các chương trình hợp tác quốc tế về lĩnh vực TMĐT và sàn giao dịch TMĐT.
Ngoài ra, chương trình cũng đề ra các giải pháp cụ thể ứng dụng TMĐT hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển sản phẩm theo chính sách do Trung ương ban hành, thông tin tuyên truyền rộng về TMĐT, phát triển nguồn nhân lực nâng cao hiệu quả và năng lực quản lý nhà nước về TMĐT.
Hy vọng từ kế hoạch này, nhiều giải pháp, chương trình cụ thể sẽ là lực đẩy, hỗ trợ sự phát triển của TMĐT, của sàn, xúc tiến mạnh mẽ các sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP của tỉnh rộng rãi, theo kịp xu thế thời đại.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()