Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:32 (GMT +7)
Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vào thực hiện "mục tiêu kép"
Thứ 3, 14/12/2021 | 10:45:25 [GMT +7] A A
Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, đại đoàn kết toàn dân tộc là di sản vô giá, truyền thống quý báu được hun đúc qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Đại đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, quyết định thành bại của cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định: Đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết là một lực lượng vô địch. Người đã khẳng định một chân lý bất hủ: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) đã mở ra một thời kỳ mới cho đất nước ta - thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng. Đây là một cuộc cách mạng mới vô cùng khó khăn, phức tạp nhằm xoá bỏ nghèo nàn, lạc hậu, đưa nước ta tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội và sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Để thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng này, Đảng ta đã nhận thức đúng đắn sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc cách mạng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, chưa có trong tiền lệ.
Tiếp tục quán triệt sâu sắc trong tư tưởng và thực hiện nhất quán quan điểm mấu chốt: Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, nhân dân là chủ, nhân dân làm chủ; đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm mỗi người dân đều sống trong môi trường an toàn, an ninh và được thụ hưởng những thành quả của công cuộc đổi mới. Vì thế, trong nhiều năm qua, Đảng chú trọng không ngừng hoàn thiện đường lối, chủ trương về đại đoàn kết toàn dân tộc và Nhà nước kịp thời thể chế hóa bằng các chính sách, pháp luật.
Chưa khi nào, Đảng ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc như những năm qua. Trong đó có Nghị quyết số 23-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đai hóa đất nước; Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết số 27-NQ/TW về xây dựng đội ngũ trí thức; Nghị quyết số 09-NQ/TW về xây dựng đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 25-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa... Cùng với đó, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật về dân tộc, tôn giáo, thanh niên, phụ nữ, công nhân, nông dân, trí thức, văn nghệ sĩ, người Việt Nam ở nước ngoài... nhằm khơi dậy, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Trong bối cảnh hiện nay, tình hình khu vực và thế giới diễn biến hết sức phức tạp, gay go, khó lường. Hơn bao giờ hết, để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, việc phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc càng có ý nghĩa quyết định. Chính vì vậy, Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng khẳng định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định vị trí quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đại đoàn kết toàn dân tộc là động lực, nguồn lực quan trọng và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: “Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.
Từ đầu năm 2020 đến nay, thế giới đứng trước nhiều rủi ro và thách thức mới. Dịch bệnh COVID-19 đang có những diễn biến hết sức phức tạp khó lường, ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển kinh tế xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có nước ta. Với sự chỉ đạo đúng đắn của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết nhất trí của các tầng lớp nhân dân, những tháng đầu năm 2020, Việt Nam đã nhanh chóng khống chế thành công dịch trong thời gian 99 ngày. Những thành công của Việt Nam đã được bạn bè thế giới ghi nhận và đánh giá cao, tạo thêm đà để vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng cao. Năm 2020, mức độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lọt vào top 10 nền kinh tế tăng trưởng nhất thế giới. Có thể tự hào rằng, năm 2020, Việt Nam thực hiện thành công mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh COVID-19 thành công vừa phát triển kinh tế xã hội. Việt Nam vinh dự được thế giới đánh giá là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất năm 2020.
Để đạt được thành tựu trên có nhiều nguyên nhân, song một trong những nguyên nhân quan trọng đó là chúng ta đã phát huy được sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam, hơn 96 triệu người dân Việt Nam chung sức chung lòng thực hiện mục tiêu kép do Chính phủ phát động “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế” với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Đại đoàn kết thực sự trở thành nguồn nội lực to lớn để Đảng ta chèo lái con thuyền cách mạng đi đến thành công, bất chấp mọi khó khăn, thách thức của thời đại.
Năm 2021, Việt Nam phải gồng mình chống chọi với 4 đợt bùng phát dịch hết sức gay go, quyết liệt. Mỗi lần bùng phát dịch lại chứng tỏ rõ hơn tinh thần đại đoàn kết của nhân dân trong cả nước. Đợt bùng phát dịch lần thứ tư tại tâm dịch ở TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An đã gây ra nhiều mất mát, đau thương, nhưng đồng thời Việt Nam cũng đã tỏ rõ cho toàn thế giới biết thêm về sức mạnh đại đoàn kết dân tộc “triệu người như một”. Có lẽ, trong con mắt của các nhà báo quốc tế có mặt tại Việt Nam thời điểm đó, họ cũng từng đánh giá, chưa có một quốc gia nào có tinh thần chống “giặc” COVID-19 và tinh thần đoàn kết như ở Việt Nam. Xét ở góc độ nào đó, chúng ta đã quảng bá rất tốt về hình ảnh và con người Việt Nam đối với bạn bè quốc tế. Theo đánh giá của các chuyên gia ở cả Việt Nam và quốc tế, dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường. Việt Nam vẫn kiên định mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”, với dự kiến tăng trưởng 4,8%.
Để đạt được mục tiêu kép mà Chính phủ đã đề ra, chúng ta cần tiếp tục huy động sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở trong phòng chống dịch. Trong đó, phát huy sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của các cấp ủy đảng, sự triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch của chính quyền địa phương và vai trò “nòng cốt” của các cơ quan y tế. Tiếp tục phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong việc tuyên truyền, phổ biến, cung cấp thông tin một cách kịp thời, chính xác đến mọi tầng lớp nhân dân. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, các kênh tuyên truyền, tận dụng ưu thế của các mạng xã hội như facebook, zalo,… để tuyên truyền kịp thời, chi tiết đến từng người dân nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế.
Cần tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội. Đoàn kết là sức mạnh. Đoàn kết là nguồn nội lực to lớn để đất nước Việt Nam giành được từ thắng lợi này đến thắng lợi khác mặc dù phải trải qua bao thăng trầm, biến cố trong lịch sử. Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan, bùng phát trong cộng đồng thì việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, trong đó “ý Đảng, lòng dân” cùng chung một nhịp đập đóng vai trò hết sức quan trọng. Đồng thời, cần xác định mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng chống dịch. Cần động viên, khích lệ người dân chủ động, tích cực, trách nhiệm trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch; nêu cao tinh thần cảnh giác và phát huy truyền thống đoàn kết. Tuân thủ nghiêm ngặt sự hướng dẫn của các cơ sở y tế.
Các cơ quan truyền thông từ Trung ương đến cơ sở cần phát huy vai trò chủ lực trong tuyên truyền, định hướng thông tin đảm bảo nhanh chóng, chính xác, kịp thời. Sáng tạo những cách làm mới đem lại hiệu quả cao trong việc nâng cao nhận thức và trách nhiệm cộng đồng cho người dân trong phòng chống dịch. Trên cơ sở được thông tin kịp thời, chính xác sẽ giúp người dân bình tĩnh, không hoang mang trước nhiều thông tin nhiễu, để người dân vừa thực hiện nhiệm vụ của một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch, vừa là những chiến sĩ trên mặt trận phát triển kinh tế.
Th.s Nguyễn Thị Hương Giang (Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ)
Liên kết website
Ý kiến ()