Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:09 (GMT +7)
Phát huy quy chế dân chủ cơ sở
Thứ 3, 02/02/2021 | 08:54:01 [GMT +7] A A
Việc thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trong những năm qua luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện gắn với nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, đơn vị.
Để người dân phát huy quyền làm chủ
Còn nhớ vào cuối tháng 12/2020, HĐND tỉnh xây dựng Dự thảo Nghị quyết “Quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên công lập, từ năm học 2020-2021 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”. Ngay lập tức, HĐND tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến của tất cả các phụ huynh trên địa bàn về các khoản thu, mức thu; trên cơ sở này sẽ điều chỉnh sao cho phù hợp, tạo sự đồng thuận nhất của người dân.
Đây chỉ là một trong hàng nghìn hoạt động phát huy tính dân chủ trên địa bàn tỉnh. Có thể thấy rõ ngay từ cơ sở, cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn luôn quan tâm, thực hiện tốt việc công khai, minh bạch các nội dung theo quy định của pháp luật gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Ngay như việc bầu cử trưởng, phó thôn, bản, khu phố nhiệm kỳ 2020-2022 được tiến hành đồng loạt theo phương châm: “Dân tin, Đảng cử”. Bởi vậy, qua bầu cử đã có 1.542/1.542 bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố.
Cán bộ thôn Thìn Thủ, xã Quảng An (Đầm Hà) tuyên truyền PBGDPL cho bà con trong thôn. (Ảnh chụp tháng 12/2020). |
Chính quyền cơ sở còn thực hiện công khai, minh bạch các quy hoạch, kế hoạch bồi thường GPMB, xây dựng cơ sở hạ tầng, chương trình xây dựng nông thôn mới, các chính sách an sinh xã hội, các khoản thu, các quy định về thủ tục hành chính (TTHC), giải quyết công việc liên quan đến nhân dân, bình xét hộ nghèo... thông qua việc công khai tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh; niêm yết tại trụ sở UBND xã, nhà văn hóa thôn, bản, khu phố; phổ biến trong các cuộc họp tổ dân, khu phố... Nhờ đó, nhiều vấn đề, dự thảo chính sách được phổ biến kịp thời để nhân dân bàn bạc, thảo luận đi đến thống nhất.
Ngay cả việc rà soát, bổ sung, thực hiện các hương ước, quy ước thôn, bản, khu phố cũng được quan tâm, triển khai sâu rộng trong nhân dân, góp phần xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa... Đặc biệt, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng được tăng cường, góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Không chỉ ở các thôn, bản, khu phố, mà ở trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, QCDC cũng được thực hiện một cách triệt để. Các cơ quan, đơn vị, trường học đã tổ chức Hội nghị cán bộ công chức, viên chức (CBCCVC) đảm bảo theo quy định; phát huy tinh thần của CBCCVC, người lao động trong tham gia ý kiến xây dựng quy chế của cơ quan, đơn vị. Việc lựa chọn đội ngũ cán bộ được thực hiện thông qua thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý theo nguyên tắc có cạnh tranh, công khai, minh bạch. Trong năm 2020, tỉnh đã tổ chức thi tuyển 7 chức danh lãnh đạo sở, ngành diện Ban Thường vụ quản lý.
Mặc dù năm 2020, tỉnh đã thực hiện sắp xếp giảm 44 đầu mối cơ quan, đơn vị, giảm 21 cấp trưởng, 3 cấp phó ban, đơn vị so với trước khi sáp nhập; thực hiện sắp xếp 299 cán bộ công chức cấp xã, nhưng mọi việc luôn đảm bảo công khai, dân chủ, không để xảy ra khiếu kiện, phản ánh.
Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là TTHC, hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Trung tâm hành chính công cấp huyện, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã cũng không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ, tạo sự công khai, minh bạch khi người dân, doanh nghiệp làm các TTHC. Hiện nay đã có 1.435 TTHC đưa vào thực hiện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; 287 thủ tục đưa vào phục vụ tại Trung tâm hành chính công cấp huyện, 111 thủ tục thực hiện tại cấp xã.
Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương còn chú trọng đến công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; tăng cường công tác hòa giải.
Về phía các doanh nghiệp đã nêu cao ý thức, trách nhiệm trong thực hiện công khai các quy định liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của người lao động (NLĐ), như: Nội quy lao động, thang lương, bảng lương. Các cấp công đoàn tích cực tuyên truyền việc thực hiện QCDC tại nơi làm việc, tăng cường tư vấn pháp luật cho NLĐ; phối hợp kiểm tra, giám sát thực hiện pháp luật lao động, chính sách liên quan đến quyền, lợi ích chính đáng của NLĐ...
Tăng cường kiểm tra, giám sát
Để đảm bảo thực hiện QCDC ở cơ sở được triển khai sâu rộng, có hiệu quả; tỉnh và các địa phương, các sở, ngành thường xuyên củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở các cấp. Ban chỉ đạo cũng kịp thời xây dựng chương trình công tác năm, phân công trách nhiệm cho các thành viên cụ thể, rõ ràng.
Các phòng chuyên môn của Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh ký cam kết thi đua với lãnh đạo cơ quan tại Hội nghị CBCCVC, người lao động năm 2021. Ảnh: Khánh Giang |
Trên cơ sở đó, Ban chỉ đạo cấp tỉnh, huyện thường xuyên tổ chức kiểm tra việc triển khai thực hiện QCDC ở các địa phương, đơn vị. Cụ thể, tháng 2/2020, Ban Dân vận Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với MTTQ tỉnh và một số sở, ngành tổ chức giám sát đột xuất việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính tại 3 trung tâm hành chính công cấp huyện và 19 bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã. Năm 2020, Sở Nội vụ cùng các ngành liên quan đã kiểm tra công vụ đột xuất tại 52 xã, phường, thị trấn, 5 trung tâm hành chính công cấp huyện và 10 đơn vị trực thuộc sở, ngành.
Qua kiểm tra thực hiện QCDC ở các địa phương, đơn vị, các đoàn cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế; đồng thời hướng dẫn triển khai thực hiện đảm bảo theo quy định, góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả việc thực hiện QCDC ở cơ sở. Thành viên Ban chỉ đạo cấp huyện cũng chủ động lồng ghép nhiệm vụ được giao với hoạt động của cơ quan, đơn vị; nắm tình hình nhân dân gắn với công tác chuẩn bị tổ chức đại hội trực thuộc, các chi, đảng bộ cơ sở, phối hợp tuyên truyền phòng, chống Covid-19...
Tỉnh còn duy trì tốt hoạt động của 1.550 tổ hòa giải ở cơ sở để kịp thời hòa giải những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Việc triển khai thực hiện tốt QCDC ở cơ sở đã góp phần giúp Quảng Ninh hoàn thành thắng lợi “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa đảm bảo duy trì, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Cầm Khuê
Liên kết website
Ý kiến ()