Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 04:24 (GMT +7)
Phát huy những công trình hạ tầng nông thôn
Thứ 7, 26/03/2022 | 15:25:09 [GMT +7] A A
Từ nhiều nguồn lực khác nhau, những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hình thành nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông nông thôn ngày càng hoàn thiện. Những công trình này ngay sau khi đưa vào sử dụng đã phát huy tác dụng, từng bước tạo điều kiện cho người dân đi lại, giao thương, phát triển sản xuất.
Năm 2018, tuyến đường vắt qua những dải rừng hồi, kéo dài từ Đồng Thắng qua Sông Moóc A đến Sông Moóc B trên địa bàn xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, được đưa vào sử dụng, tạo điều kiện cho người dân dễ dàng vào rừng để chăm sóc, thu hái, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm hồi.
Nhờ tuyến đường, sản phẩm hồi thu hoạch đến đâu bán hết đến đó. Đời sống người dân 3 thôn Đồng Thắng, Sông Moóc A, Sông Moóc B khấm khá hơn. Ngày càng nhiều hộ dân trong thôn thoát nghèo, cận nghèo vươn lên mức sống ổn định, khá giả. Ngày càng xuất hiện nhiều nhà mới to đẹp, khang trang, góp phần vào sự phát triển chung của xã Đồng Văn cũng như của huyện Bình Liêu.
Còn ở xã Sơn Dương của TP Hạ Long, năm 2021 vừa qua, địa phương cũng đã triển khai 27 công trình kênh mương nội đồng, tuyến đường vận xuất, các đập tràn qua suối… trong đó có công trình đập tràn thôn Đồng Giữa.
Đồng Giữa là một trong 3 vùng chuyên canh ổi với diện tích 30ha của Sơn Dương. Công trình đập tràn thôn Đồng Giữa hoàn thành và đi vào hoạt động đã khắc phục hoàn toàn tình trạng chia cắt giữa hai bên cánh đồng vào mùa lũ, nâng cao hiệu quả cho vùng canh tác chuyên canh này. Với công trình đập tràn Đồng Giữa, vừa là đường giao thông to đẹp, vừa là hạ tầng thoát lũ nhanh chóng, xóa dần đi ký ức một thời Đồng Giữa bị chia cắt, cô lập vì lũ. Từ hạ tầng được nâng cấp, hoàn thiện đã đóng góp đáng kể để thu nhập của người dân Sơn Dương đạt trên 60 triệu đồng/năm, riêng các vùng chuyên canh ổi mang lại cho người nông dân trên dưới 500 triệu đồng/ha/năm.
Tại các vùng nông thôn Quảng Ninh trong những năm qua hiện diện hàng ngàn các công trình hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, các công trình phục vụ dân sinh, phục vụ sản xuất. Các công trình này đã kéo gần những thôn bản xa xôi với vùng trung tâm, giảm khoảng cách về trình độ, nhận thức, chênh lệch giàu nghèo giữa người dân trên địa bàn và với các khu vực khác.
Năm 2022 này, trong bối cảnh tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu về đích NTM thì việc đầu tư, triển khai các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông càng trở nên cấp thiết.
Có thể thấy, ngay từ những ngày đầu năm 2022 này, huyện Bình Liêu đã tập trung đẩy mạnh thi công để sớm hoàn thiện 12 công trình tràn vượt lũ. Đến thời điểm này, gần như 12 tràn vượt lũ này đều đã hoàn thiện đến 80% khối lượng, hoàn toàn có thể đạt tiến độ đưa vào thông tuyến và sử dụng trước mùa mưa lũ, cụ thể là trước 30/4.
Được biết, từ nay đến cuối năm 2022, Bình Liêu sẽ tiếp tục triển khai gói 12 tràn vượt lũ tiếp theo với trị giá khoảng 75 tỷ đồng, cùng với đó là một số công trình đáp ứng tiêu chí huyện về đích NTM năm 2022 như trường học, đô thị nông thôn, công trình xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, hạ tầng cụm công nghiệp…
Cùng mục tiêu hoàn thiện hạ tầng nông thôn, ngày 5/3 vừa qua, TP Hạ Long đã phát động đợt cao điểm 90 ngày đêm thực hiện chương trình xây dựng NTM. Theo đó đồng loạt 12/12 xã trên địa bàn thành phố đã ra quân chỉnh trang các công trình nhà văn hóa; chuẩn bị mặt bằng để phục vụ các dự án cải tạo, nâng cấp, xây mới các tuyến đường giao thông kết nối, các tuyến kênh mương nội đồng, các công trình bảo vệ môi trường… Đây được xem là một trong những phần việc đầu tiên để Hạ Long hoàn thiện tối thiểu 66 công trình hạ tầng nông thôn lớn nhỏ đã được phân bổ cho các xã thực hiện ngay từ đầu năm.
Theo tính toán của tỉnh, các nguồn vốn Chương trình 135, vốn của Đề án 196, vốn chương trình xây dựng NTM đã tạo ra nguồn lực cả ngàn tỷ đồng trong hơn 10 năm qua để đầu tư hoàn thiện các công trình hạ tầng kỹ thuật nông thôn. Riêng trong năm 2021, nguồn lực ngân sách tỉnh dành cho hạ tầng nông thôn là trên 300 tỷ đồng. Năm 2022 này, trong khoảng 500 tỷ đồng nguồn vốn tỉnh dành cho các xã về đích NTM, NTM nâng cao thì kinh phí dành cho hạ tầng chiếm 2/3. Riêng TP Hạ Long, đơn vị tự chủ thu chi đã dành cho các dự án xây dựng cơ bản trên địa bàn các xã nông thôn năm 2022 này ước khoảng 500 tỷ đồng.
Như vậy, có thể thấy sự quan tâm đầu tư đồng bộ hạ tầng nông thôn của tỉnh, ngành, các địa phương trong những năm qua đã đi đúng hướng, là cơ sở để phát triển toàn diện địa bàn vùng nông thôn, kinh tế nông nghiệp bền vững, đời sống nông dân được nâng cao. Khu vực nông thôn trở thành cực tăng trưởng của tỉnh, hòa nhịp cùng khu vực đô thị, thực hiện thắng lợi các mục tiêu tăng trưởng của tỉnh Quảng Ninh.
Việt Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()