Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:40 (GMT +7)
Phát huy mạnh mẽ vai trò của toàn xã hội trong phòng, chống tham nhũng
Thứ 3, 24/12/2024 | 11:31:30 [GMT +7] A A
Sáng 24/12, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN). Đồng chí Nghiêm Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Ninh.
Qua 5 năm thi hành Luật PCTN, với những nỗ lực không ngừng nghỉ, công tác phòng, chống tham nhũng đã có những bước tiến quan trọng, mạnh mẽ. Theo đó, tình trạng tham nhũng được kiềm chế, từng bước ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm. Công tác phát hiện và xử lý tham nhũng được chỉ đạo và thực hiện bài bản, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả. Từ đó khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước ta trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”; từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh để “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng. Cán bộ, công chức, viên chức cơ bản có ý thức rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, hoàn thành tốt nhiệm vụ, có ý thức phục vụ nhân dân, được nhân dân tin tưởng; góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, ổn định và phát triển kinh tế, xã hội, củng cố vững chắc quốc phòng, an ninh.
Về công tác thanh tra, toàn ngành đã triển khai 37.032 cuộc thanh tra hành chính và 935.196 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra đã góp phần chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 658.383 tỷ đồng, 28.321 ha đất; kiến nghị thu hồi 558.977 tỷ đồng, 5.516 ha đất; ban hành 599.203 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân với số tiền 27.325 tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 12.934 tập thể và 15.873 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 1.714 vụ, 1.334 đối tượng.
Với tỉnh Quảng Ninh, ngay sau khi Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 ban hành và có hiệu lực, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đầy đủ nội dung Luật PCTN; các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác PCTNTC; chỉ đạo triển khai bài bản, kịp thời, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương và thực tiễn địa phương với chủ trương chủ động phòng ngừa, lấy phòng ngừa làm biện pháp hàng đầu; đi đôi với phát hiện, xử lý tham nhũng, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị; triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện trên các mặt công tác và trong các lĩnh vực, gắn PCTNTC với xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Chỉ số đánh giá chấm điểm về PCTN của tỉnh từ năm 2020 - 2023 đều nằm trong top 5 tỉnh, thành trên cả nước.
Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, công tác PCTN vẫn còn những hạn chế nhất định: Tình trạng tham nhũng vẫn diễn biến hết sức phức tạp; hiệu quả một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa cao; việc tự phát hiện tham nhũng của cơ quan, tổ chức, đơn vị còn thấp mà chủ yếu được phát hiện qua dư luận xã hội, đơn thư tố cáo, báo chí phản ánh hoặc khi có cơ quan chức năng thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra mới phát hiện sai phạm; tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát vẫn còn thấp; giá trị tài sản phải thu hồi trong các vụ án tham nhũng, tiêu cực còn lớn; các quy định của pháp luật về xử lý người có hành vi tham nhũng còn chưa đủ mạnh, chưa đủ chế tài, sức răn đe…
Tại hội nghị, nhiều ý kiến tham luận của các đại biểu đề cập về kết quả thực hiện pháp luật về PCTN tại các bộ, ngành, địa phương và những hạn chế còn tồn tại; đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật cũng như các biện pháp tổ chức thi hành pháp luật về PCTN hiệu quả hơn trong những năm tới, trong đó chú trọng phát huy mạnh mẽ vai trò của toàn xã hội trong PCTN..
Đỗ Hùng
Liên kết website
Ý kiến ()