Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 21:00 (GMT +7)
Phát huy hiệu quả kỹ thuật mới trong trồng trọt
Thứ 5, 03/03/2022 | 10:04:57 [GMT +7] A A
Những năm qua, việc ứng dụng kỹ thuật mới vào lĩnh vực trồng trọt đã mang lại những thay đổi tích cực trong nhận thức của người dân. Từ phương thức sản xuất truyền thống, người dân đã mạnh dạn chuyển đổi sang sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn, đưa các kỹ thuật mới vào sản xuất... Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên từng đơn vị diện tích canh tác, tăng thu nhập cho người dân.
Những năm qua, cây thanh long đã được nhiều địa phương trong tỉnh đưa vào canh tác và trở thành một trong những giống chủ lực phát triển kinh tế cho nhiều hộ dân. Tuy nhiên với khí hậu miền Bắc, cây thanh long thường có thời vụ thu hoạch từ tháng 5 đến cuối tháng 11 hàng năm với 7-9 lứa quả/năm, thời gian thu hoạch trùng với thời vụ thu hoạch của nhiều loại hoa quả khác (nhãn, vải, xoài, na, ổi...) nên áp lực về thị trường tiêu thụ, giá bán sản phẩm thấp (giá bán trung bình 25.000 đồng/kg), hiệu quả kinh tế chưa cao. Để nâng cao giá trị của cây, từ năm 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai, hướng dẫn người dân áp dụng kỹ thuật sử dụng đèn để chiếu sáng bổ sung nhằm kích thích cho cây thanh long ra hoa, quả trái vụ.
Với trên 2ha trồng thanh long, từ cuối năm 2020, gia đình ông Đoàn Quang Ngọc, khu 1, phường Phương Đông, TP Uông Bí, đã ứng dụng đèn để chiếu sáng cho diện tích thanh long của gia đình. Ông Ngọc cho biết: Ứng dụng công nghệ chiếu sáng giúp gia đình tôi có thể chủ động điều chỉnh được thời điểm ra hoa, phát triển quả của cây thanh long. Qua đó, giúp tăng lứa quả/năm, đồng thời rải vụ, kéo dài thời gian thu hoạch đến các tháng cuối năm và thu hoạch sớm vào vụ đầu năm sau, giúp nâng cao giá thành sản phẩm hơn so với chính vụ.
TX Đông Triều có địa hình, thổ nhưỡng khí hậu phù hợp với việc phát triển các loại cây ăn quả, trong đó cây bưởi, cam Canh, na, vải... đang là hướng đi giúp hàng trăm hộ dân có việc làm và thu nhập. Đặc biệt là cây bưởi, cam Canh được trồng tập trung ở các địa phương như: Việt Dân, Thủy An, An Sinh với diện tích trồng lớn, nên việc tưới tiêu và chăm sóc mất nhiều thời gian và tốn kém. Trước thực tế trên, Trung tâm Ứng dụng và Thống kê KH&CN (Sở KH&CN) thí điểm mô hình tưới văng điều khiển bằng Smartphone trên diện tích vườn rộng gần 3.500m2 của gia đình bà Nguyễn Thị Đào, xã Việt Dân.
Bà Nguyễn Thị Đào cho biết: Sau một thời gian đưa hệ thống áp dụng công nghệ tưới văng vào hoạt động, đã cho thấy việc vận hành mô hình rất hiệu quả, đơn giản. Tôi chỉ cần vài thao tác trên điện thoại là hệ thống đã tự động cảm ứng bơm nước, phun tưới. Cách làm này nhanh chóng, hữu ích, giúp cho việc tưới nước, chăm sóc cây thuận tiện, rút ngắn thời gian, công sức và tiết kiệm nước so với tưới thủ công trước đây.
Đối với canh tác rau, so với phương pháp truyền thống thì hiện nay mô hình trồng rau thủy canh có nhiều ưu điểm, như: Thời gian chăm sóc ít, không tốn quá nhiều diện tích, lại cho sản phẩm rau sạch... Mô hình này hiện đang được nhiều doanh nghiệp và hộ trồng rau áp dụng cho hiệu quả và chất lượng cao. Tại Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại 188, phường Mạo Khê, TX Đông Triều mô hình trồng rau thủy canh được cơ sở trồng trên diện tích 5.000m2. Toàn bộ khu vực trồng được áp dụng thêm các hệ thống: Nhà ươm, nhà sơ chế với hệ thống nhà màng, lưới che tự động, quạt gió, máy điều chỉnh nhiệt độ, máng thủy canh, hệ thống lọc nước, ống bơm và dẫn nước dinh dưỡng.
Bà Bùi Thị Thể, Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại 188 chia sẻ: Các loại rau sống trong nhà màng, nhà lưới nên hầu như sản phẩm không bị sâu bọ hại, không bị tác động quá mức bởi nhiệt độ, ánh sáng bất lợi, thay vào đó là môi trường sống an toàn, phù hợp sinh trưởng phát triển của cây. Đặc biệt, cây trồng tiếp nhận chất dinh dưỡng từ dòng nước hồi lưu, lượng dưỡng chất do đơn vị chủ động pha chế, điều phối theo quy trình sản xuất chuẩn nên hạn chế tối đa tình trạng thừa hoặc thiếu dưỡng chất, từ đó mà sản phẩm khi ra thị trường đều đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
Với chiến lược phát triển nông nghiệp phù hợp, đến nay, Quảng Ninh đã hình thành được vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung như: Vùng lúa chất lượng cao; vùng rau an toàn, vùng sản xuất chuyên canh cây ăn quả. Để phát huy thế mạnh các vùng trồng, việc đưa phương thức, kỹ thuật mới vào canh tác là một giải pháp quan trọng. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư, phát triển mạnh, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, tự động hóa các khâu trong quá trình sản xuất; tập trung ứng dụng các tiến bộ về giống, các quy trình sản xuất tiên tiến, công nghệ sạch, hữu cơ, các chế phẩm sinh học, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Tin tưởng, với cách làm này, nông nghiệp Quảng Ninh sẽ có những bước tiến vững chắc, hiện đại, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()