Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 15:21 (GMT +7)
Phát huy hiệu quả công nghệ số trong xúc tiến thương mại
Thứ 2, 05/06/2023 | 14:17:50 [GMT +7] A A
Năm 2022, doanh thu từ hoạt động thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 7,9 nghìn tỷ đồng, đóng góp 10,8% trong tổng mức bán lẻ hàng hoá. Tiếp tục phát huy hiệu quả từ nền tảng công nghệ số, hiện tỉnh đang triển khai quyết liệt nhiều giải pháp, đổi mới công tác xúc tiến thương mại (XTTM), tận dụng cơ hội mới mà cuộc cách mạng 4.0 mang lại để hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất tiêu thụ sản phẩm.
Theo số liệu Cổng thông tin điện tử về quản lý cơ sở dữ liệu đăng ký, thông báo website/ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) của Bộ Công Thương, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 148 website về thương mại điện tử. Trong đó, có 143 website có chức năng bán hàng và 5 website có chức năng là sàn giao dịch TMĐT. Đến nay, đã đưa 267 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3-5 sao lên các sàn TMĐT. Riêng Sàn giao dịch thương mại điện tử Quảng Ninh (http://teqni.gov.vn) đang giới thiệu 383 sản phẩm OCOP, trong đó có 172/336 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên. Đặc biệt, để thúc đẩy xúc tiến, thương mại sản phẩm OCOP, sàn TMĐT mới ở địa chỉ: http://ocop.com.vn hiện đã được đưa vào chạy thử để hoàn thiện các tính năng thương mại mới.
Có thể thấy, trong 3 năm dịch bệnh vừa qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động XTTM đã được các tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chú trọng, từng bước thích nghi hiệu quả với tình hình thị trường. Việc tăng cường cung cấp thông tin thị trường trong nước và ngoài nước, tìm kiếm và mở rộng phát triển thị trường, hướng dẫn hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh thực hiện ứng dụng TMĐT vào sản xuất kinh doanh và bắt kịp tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế được thực hiện thường xuyên và liên tục.
Trong tháng 11/2022, Sở Công Thương đã phối hợp với Trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin thuộc Cục XTTM - Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong XTTM trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cho 60 đại biểu là công chức các sở, ban, ngành của tỉnh; công chức phụ trách lĩnh vực XTTM của các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã... Tham gia lớp tập huấn các đại biểu đã được phổ biến về nội dung Quyết định 1968/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch triển khai thực hiện của Bộ Công Thương, UBND tỉnh Quảng Ninh; được giới thiệu chi tiết Hệ sinh thái xúc tiến thương mại (DECOBIZ) và được hướng dẫn, trực tiếp thực hành tham gia hệ thống quản trị thông tin và điều hành XTTM.
Tiếp đó, tháng 12/2022, Sở Công Thương phối hợp với Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) tổ chức Hội nghị kết nối, hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thủy sản sang thị trường Trung Quốc với sự tham gia của trên 130 đại biểu tại điểm cầu trực tuyến TP Móng Cái; 100 đại biểu tại các điểm cầu trực tuyến của một số tỉnh, thành phố trong nước và Tham tán thương mại, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Côn Minh, Quảng Châu, Nam Ninh, Quảng Tây, Thượng Hải và Bắc Kinh (Trung Quốc).
Ngoài ra, nhằm định hướng, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong XTTM, Sở Công Thương cũng thông tin rộng rãi 80 chương trình XTTM trong và ngoài nước, trong đó 20 hội nghị giao thương trực tuyến, các chương trình XTTM và hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác trên thế giới như: Mexico, Ấn Độ, châu Phi, Trung Quốc, Nam Mỹ, EU... do Cục XTTM và Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài phối hợp tổ chức tới doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh biết bằng nhiều hình thức: Văn bản, trên Cổng thông tin điện tử thành phần, trang fanpage DDCI của Sở...; đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn đơn vị đăng ký tham gia khi có nhu cầu. Bên cạnh đó, hiện nay, 100% thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực xúc tiến thương mại được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh và tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, 50% siêu thị, trung tâm mua sắm, cơ sở phân phối hiện đại, các hộ gia đình và cá nhân sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng. Doanh số giao dịch TMĐT loại hình doanh nghiệp – người tiêu dùng sẽ tăng bình quân 15%/năm. Đồng thời có 80% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử, thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn đặt hàng thông qua các phương tiện điện tử; 90% các giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng TMĐT có hoá đơn điện tử. Dự kiến, mỗi năm tỉnh sẽ hỗ trợ 10 đơn vị là các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất được hỗ trợ xây dựng phần mềm quản lý bán hàng, quản lý doanh nghiệp, marketing, logistics, tích hợp giải pháp thẻ thanh toán TMĐT trên trang website… Đồng thời, mô hình chuỗi cung ứng thông minh, vận dụng dữ liệu lớn để dự báo thị trường cho một số mặt hàng nông sản chủ lực cũng sẽ được xây dựng…
Để hoàn thành mục tiêu này, hiện tỉnh đang chú trọng phát triển và hoàn thiện hạ tầng TMĐT trong hệ thống hỗ trợ giao dịch trực tuyến, tích hợp thanh toán, hoá đơn điện tử và các giải pháp xác thực thông tin giao dịch, triển khai trung tâm giải quyết tranh chấp kết hợp với thanh toán đảm bảo, hệ thống quản lý trực tuyến dịch vụ chuyển phát và hoàn tất đơn hàng. Ngoài ra, các sản phẩm, giải pháp TMĐT cũng sẽ được chú trọng để giúp các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có thể triển khai, đặc biệt, hỗ trợ nâng cao năng lực cho doanh nghiệp xuất khẩu tham gia các sàn giao dịch TMĐT uy tín trong và ngoài nước. Đồng thời, tỉnh sẽ tổ chức kết nối giữa doanh nghiệp TMĐT (online) với doanh nghiệp phân phối truyền thống (offline), nhà sản xuất thông qua các chương trình như: Phân phối thực phẩm an toàn, khuyến mại trực tuyến… nhằm tăng cường hợp tác trong cộng đồng doanh nghiệp và củng cố, nâng cao niềm tin của người tiêu dùng vào giao dịch TMĐT. Trước mắt trong năm 2023, ngành Công Thương Quảng Ninh sẽ bám sát tình hình triển khai Hệ sinh thái XTTM số từ Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) để kịp thời tham mưu triển khai hệ thống dữ liệu XTTM của tỉnh Quảng Ninh đủ tiêu chuẩn kết nối dữ liệu với hệ sinh thái xúc tiến thương mại. Đồng thời, nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số thông qua các hội nghị tập huấn, trong đó, tập trung vào các đối tượng doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Cung cấp thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ, hội nghị giao thương trong và ngoài nước theo hình thức trực tuyến. Hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp tham gia và tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại trên nền tảng Hệ sinh thái XTTM số.
Với sự vào cuộc tích cực, hiệu quả, chắc chắn thời gian tới, TMĐT tại tỉnh Quảng Ninh sẽ sớm trở thành hoạt động phổ biến, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh của tỉnh, đưa Quảng Ninh sớm trở thành tỉnh có thị trường TMĐT phát triển trong tốp đầu của cả nước, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()