Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 19:08 (GMT +7)
Quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng
Thứ 4, 22/02/2023 | 15:00:58 [GMT +7] A A
Thời gian qua, chương trình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng (IPM) được người dân trên địa bàn tỉnh tích cực áp dụng. Phương pháp này đã và đang giúp giảm chi phí sản xuất cũng như lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) độc hại tồn dư trên sản phẩm, đảm bảo sức khỏe người sản xuất, an toàn vệ sinh thực phẩm, ổn định cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng, nâng cao năng suất, chất lượng và tăng lợi nhuận trên đơn vị canh tác.
Những năm qua, dong riềng trở thành cây trồng chủ lực của nhiều hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Bình Liêu. Tuy nhiên, với đặc thù thời gian sinh trưởng dài ngày nên cây dong riềng dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố ngoại cảnh như mưa, bão..., nhất là sâu bệnh. Để phòng trừ sâu bệnh, không ít nông dân sử dụng các biện pháp hóa học. Thực hiện mục tiêu ứng dụng nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh hại cho cây dong riềng, Phòng NN&PTNT huyện Bình Liêu đã triển khai mô hình IPM cho người dân.
Bà Lê Thị Thu Hương, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bình Liêu, cho biết: Mục tiêu của IPM là tìm ra biện pháp có hiệu quả, có lợi về mặt kinh tế, hạn chế tác hại của sâu bệnh, làm cho cây trồng đạt năng suất cao và thực phẩm chất lượng tốt. Quản lý dịch hại tổng hợp không chỉ nhằm tiêu diệt nguồn sâu bệnh mà còn điều hòa, cân bằng hệ sinh thái. Triển khai mô hình này, từ năm 2021, phòng đã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn cho người dân kỹ thuật phòng trừ bệnh gây hại thối thân, cháy lá trên cây dong riềng, diệt cỏ dại; hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng”... Đồng thời, cử cán bộ xuống các hộ dân “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn bà con thực hiện và đánh giá, phân tích cụ thể hiệu quả các biện pháp. Với cách làm này, diện tích dong riềng trên địa bàn đã phát triển tốt, đảm bảo năng suất, chất lượng, góp phần đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản phẩm miến dong của huyện.
Cùng với huyện Bình Liêu, chương trình IPM đã được nhân rộng tại các vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Chương trình IPM được thực hiện nhằm ngăn chặn các đối tượng gây hại tác động đến cây trồng; làm ảnh hưởng đến năng suất và giá trị kinh tế; hạn chế rủi ro ảnh hưởng đến an toàn cây trồng; đảm bảo sức khỏe con người và chống ô nhiễm môi trường. Hơn thế, IPM chú trọng sự phát triển cây trồng khỏe mạnh và được kiểm soát dịch hại với phương pháp tự nhiên, ít gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái nông nghiệp.
Năm 2022, cấp tỉnh đã tổ chức 7 lớp huấn luyện về IPM, với 210 học viên nông dân tham gia; tổ chức 132 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật về trồng trọt và bảo vệ thực vật, các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại, hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả cho nông dân. Cấp huyện đã tổ chức 29 lớp huấn luyện IPM cho nông dân với 840 học viên tham gia. Trong đó, tập trung vào phổ biến các kiến thức quản lý dịch hại trên cây lúa, rau màu, cây ăn quả, cây dược liệu và cây công nghiệp.
Theo đánh giá, chương trình IPM đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho người nông dân, như: Giảm số lần phun thuốc trên cây trồng từ 1-2 lần so với diện tích không thực hiện chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM nên đã tiết kiệm chi phí mua thuốc và công phun thuốc (tiết kiệm tiền thuốc BVTV và công phun thuốc từ 90.000-180.000 đồng/sào/vụ, tương đương 2,4-4,9 triệu đồng/ha/vụ); năng suất cây trồng tăng trung bình 5-10% so với diện tích không thực hiện chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM; giảm thiểu việc gây ô nhiễm môi trường sống, từ đó tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn cho người tiêu dùng.
Việc xây dựng các mô hình thực hành, ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp trên các cây trồng (lúa, rau, cây ăn quả,...) theo các lớp huấn luyện nông dân nòng cốt đã đem lại hiệu quả về kinh tế cho người dân, là cơ sở để nhân rộng và tuyên truyền chương trình quản lý dịch hại trong cộng đồng. Trên cơ sở này, nhiều mô hình sản xuất hữu cơ được quan tâm triển khai, như: Sản xuất rau VietGAP 10ha tại Quảng Yên; cải tạo vườn chanh đào thâm canh theo hướng VietGAP 2ha tại Hải Hà. Một số mô hình sản xuất hữu cơ cũng bắt đầu được người dân triển khai ứng dụng, như: Trồng rau theo hướng hữu cơ trong nhà màng che tại huyện Ba Chẽ; trồng thử nghiệm cây Na QN-D1 theo hướng hữu cơ tại Đầm Hà. Việc áp dụng sản xuất hữu cơ theo chương trình IPM đã giúp cải thiện kinh tế, nâng cao giá trị sản phẩm cho người dân. Đây chính là động lực chính để nhân rộng mô hình trong những năm tiếp theo.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()