Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 17:43 (GMT +7)
Phát huy hiệu quả các chính sách đào tạo nghề
Thứ 3, 15/08/2023 | 07:20:28 [GMT +7] A A
Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trên địa bàn Quảng Ninh có 11 KCN; đến nay 6 KCN đã có dự án thứ cấp hoạt động. Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều doanh nghiệp ngành than, 11.248 doanh nghiệp và chi nhánh khác đang hoạt động... Điều này đòi hỏi số lượng lớn lao động qua đào tạo đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp và xu thế phát triển chung của tỉnh. Bởi vậy, công tác đào tạo nghề luôn được tỉnh quan tâm.
Những chính sách về đào tạo, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh thường xuyên được các cơ quan tham mưu rà soát, đề xuất bổ sung phù hợp với tình hình thực tiễn, như: Xây dựng dự thảo Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tham mưu điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết số 35/2021/NQ-HĐND ngày 27/8/2021 của HĐND tỉnh về việc quy định chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Trường Đại học Hạ Long, Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh và Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025...
Đặc biệt, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10/1/2023 của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập, nhằm phục hồi nhanh KT-XH trên địa bàn với các chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025: Tỷ trọng lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản trong tổng lao động xã hội khoảng 22,11%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 11%/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 52%; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 25% lực lượng lao động...
Để thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề, tỉnh đã thành lập tổ công tác gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững trên địa bàn Quảng Ninh. Còn Sở LĐ-TB&XH phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai tích cực hoạt động gắn kết "3 nhà" (Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp) để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và của thị trường lao động; góp phần đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng lao động phục vụ phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, cũng như phát triển kinh tế biển, cảng biển và dịch vụ cảng biển... trên địa bàn.
Tạo điều kiện cho người lao động an tâm gắn bó với tỉnh, góp phần thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng về làm việc, sinh sống tại Quảng Ninh; đồng thời thu hút đông đảo lực lượng lao động tham gia học nghề, tỉnh cũng triển khai quyết liệt, hiệu quả đề án phát triển nhà ở CNLĐ ngành than, KCN... Trên địa bàn tỉnh đã có Dự án nhà ở xã hội phục vụ công nhân và chuyên gia KCN Đông Mai tại phường Đông Mai (TX Quảng Yên) khởi công từ tháng 3/2022; Dự án khu nhà ở xã hội thuộc khu dân cư đồi ngân hàng phường Hồng Hải và phường Cao Thắng (TP Hạ Long) khởi công ngày 30/10/2022 và Dự án nhà ở xã hội tại phường Đông Mai (TX Quảng Yên) phục vụ công nhân, người lao động của các doanh nghiệp trong KCN Sông Khoai khởi công từ tháng 5/2023.
Hiện Quảng Ninh đang đẩy mạnh tiến độ hoàn thành các thủ tục để khởi công Dự án Làng văn hóa công nhân Vùng mỏ tại phường Mông Dương (TP Cẩm Phả); Dự án nhà ở xã hội công nhân, người lao động tại KCN Cảng biển Hải Hà và Dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại thị trấn Quảng Hà (huyện Hải Hà)...
Sở LĐ-TB&XH chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thường xuyên phối hợp cùng các địa phương, doanh nghiệp tổ chức Ngày hội tư vấn tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp. 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh tổ chức 58 phiên giao dịch việc làm định kỳ, 12 phiên giao dịch việc làm lưu động, qua đó đã giới thiệu việc làm trong nước cho 1.540 lượt lao động. Tỉnh còn đề ra mục tiêu tạo 20.000 vị trí việc làm trong năm 2023, theo đó từ đầu năm đến nay đã có 13.842 người có việc làm mới, trong đó 550 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.
Về phía các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; nâng cao chất lượng đào tạo thu hút học sinh; phối hợp cùng Sở LĐ-TB&XH triển khai chương trình công tác năm, đăng ký, xét duyệt chỉ tiêu tuyển sinh với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp... 6 tháng đầu năm 2023, các cơ sở này đã tuyển sinh, đào tạo nghề nghiệp mới cho 17.066 người, trong đó 250 sinh viên trình độ cao đẳng, 1.556 học sinh trình độ trung cấp, 15.260 học viên trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng.
Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo của Quảng Ninh đã đạt 85,7%. Việc nâng cao hiệu quả đào tạo nghề đã góp phần không nhỏ trong cung cấp lực lượng lao động cho các doanh nghiệp, lĩnh vực sản xuất trên địa bàn. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp của tỉnh 7 tháng đầu năm 2023 tăng 7,13% so với cùng kỳ; tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm tăng 12,51%, cao hơn 1,27 điểm so với cùng kỳ năm 2022.
Hiện các sở, ngành liên quan, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp để hoàn thành mục tiêu tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp mới cho 39.200 người trong năm 2023, trong đó, trình độ đào tạo cao đẳng và trình độ trung cấp là 6.850 người, trình độ đào tạo sơ cấp và đào tạo thường xuyên là 32.350 người.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()