Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 16:38 (GMT +7)
Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam
Thứ 3, 28/05/2024 | 06:28:14 [GMT +7] A A
Cụ thể hóa Nghị quyết số 33-NQ/TW Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) "Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều nghị quyết, kế hoạch quan trọng xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, xây dựng các cơ sở vật chất để nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn.
Bám sát các quan điểm, chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nghị quyết đại hội đảng các cấp, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng nhiều kế hoạch, chương trình hành động, đề án lớn xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ giải pháp cụ thể, khả thi về văn hóa, con người nhằm tạo tiền đề cho việc hình thành những nét đặc trưng riêng của Quảng Ninh. Điển hình: Nghị quyết số 11-NQ/TU (ngày 9/3/2018) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; Nghị quyết số 17-NQ/TU (ngày 30/10/2023) về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực phát triển nhanh, bền vững. Đây là bước cụ thể hóa những quan điểm, mục tiêu mà Nghị quyết số 33-NQ/TW để triển khai trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Tại Hội thảo “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao” diễn ra ngày 12/5/2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hạnh nhấn mạnh: Quảng Ninh luôn kiên trì kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa bản sắc Quảng Ninh; khơi dậy, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh, truyền thống và sức mạnh kỷ luật và đồng tâm và sự năng động, sáng tạo, ý chí tự lực, tực cường, khát vọng đổi mới vượt lên mạnh mẽ và bền vững của nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh. Đời sống của nhân dân được đặc biệt quan tâm, nâng cao chất lượng; tạo bước chuyển lớn về phát triển văn hóa, xã hội, con người, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, thu hẹp chênh lệnh vùng miền, khoảng cách giàu nghèo. Các công trình phúc lợi xã hội được tỉnh quan tâm đầu tư mạnh, trong đó có hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Huy động các nguồn lực cho xây dựng, phát triển văn hóa, thể thao của tỉnh luôn có bước đột phá.
Các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh luôn quan tâm dành nguồn lực ngân sách và huy động các nguồn lực trong xã hội để xây dựng, phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Tổng số chi nguồn ngân sách (chi đầu tư và chi thường xuyên) cho lĩnh vực văn hóa giai đoạn 2014-2024 trên địa bàn tỉnh đạt trên 6.105 tỷ đồng, trong đó chi đầu tư cho lĩnh vực văn hóa gần 4.350 tỷ đồng; chi thường xuyên cho lĩnh vực văn hóa trên 1.750 tỷ đồng.
Bám sát mục tiêu, nhiệm vụ trong Nghị quyết số 33-NQ/TW, tỉnh tập trung xây dựng các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người, tạo môi trường và điều kiện để phát triển nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước. Quảng Ninh xây dựng Quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh trên cơ sở kế thừa và phát triển bộ quy tắc ứng xử “Nụ cười Hạ Long”. Năm 2022, tỉnh tiếp tục thực hiện rà soát, điều chỉnh và cập nhật những quy định mới để ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh đảm bảo theo quy định pháp luật, tôn trọng quyền con người và hướng tới xây dựng con người Quảng Ninh với các đặc trưng “Năng động - Sáng tạo - Hào sảng - Lành mạnh - Văn minh - Thân thiện”. Năm 2023, Nghị quyết 17-NQ/TU được ban hành cũng xác định rõ mục tiêu “Phát triển con người Quảng Ninh toàn diện cả về nhân cách, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật, tình yêu quê hương, đất nước với các đặc trưng “Bản lĩnh - Tự cường - Kỷ cương - Đoàn kết - Nghĩa tình - Hảo sảng - Văn minh”. Nhiều đơn vị như: Hạ Long, Móng Cái, Uông Bí... đã chủ động xây dựng và ban hành Bộ quy tắc ứng xử riêng mỗi địa phương, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, du khách trong việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh luôn quan tâm hoàn thiện thể chế, chế định pháp lý và thiết chế văn hóa bảo đảm xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đến nay, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trong tỉnh cơ bản hoàn thiện về số lượng, chất lượng hoạt động. Cấp tỉnh có Bảo tàng, Thư viện tỉnh, Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm; Khu liên hợp thể thao; Cung Văn hoá Thanh thiếu nhi, Cung Văn hoá Lao động Việt - Nhật. Toàn tỉnh có 13/13 huyện, thị xã, thành phố được đầu tư xây dựng mới và sửa chữa, cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất trung tâm văn hóa - thể thao. Cấp xã có 71/177 nhà văn hóa xã, phường, thị trấn; cấp thôn có 1.450/1.452 thôn, khu có nhà văn hóa thôn/khu. Nhiều thôn, khu đã thành lập được câu lạc bộ văn nghệ, thể thao được tổ chức hoạt động thường xuyên thu hút đông đảo nhân dân tham gia.
Quảng Ninh cũng xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, đưa văn hóa trở thành một thị trường tiềm năng, hướng tới xuất khẩu văn hóa, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững. Tỉnh đang khai thác thế mạnh, tiềm năng văn hóa về cảnh quan, giá trị truyền thống, ẩm thực vùng miền; khuyến khích sản xuất, quảng bá các loại hình văn hóa phi vật thể, các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ có giá trị cao, đồ lưu niệm mang thông điệp văn hóa thể hiện đặc trưng, phục vụ phát triển kinh tế dịch vụ, du lịch của tỉnh.
Với những chủ trương, chính sách phát triển văn hóa, con người đúng hướng và hiệu quả, Quảng Ninh không chỉ khai thác tốt tài nguyên văn hóa, mà còn lan tỏa, quảng bá rộng rãi hình ảnh, những bản sắc độc đáo, riêng có của con người và vùng đất Quảng Ninh tới cả nước và quốc tế.
Trúc Linh
Liên kết website
Ý kiến ()