Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:40 (GMT +7)
Nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách
Chủ nhật, 30/06/2024 | 08:28:27 [GMT +7] A A
Chúng ta đều biết gia đình là một thiết chế xã hội quan trọng, là nơi bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, là môi trường quan trọng để hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Gia đình chính là nơi lưu giữ và trao truyền các giá trị văn hóa tốt đẹp. Với cái nôi gia đình, các giá trị văn hóa truyền thống được bồi đắp, thẩm thấu một cách tự nhiên.
Xã hội Việt Nam nói chung, Quảng Ninh nói riêng từ xưa tới nay, trong mỗi mái nhà, các thế hệ thường xuyên quan tâm, chăm lo thực hành, giáo dục truyền thống văn hóa của cha ông mình cho thế hệ sau. Nhiều gia đình đề cao việc bảo lưu được truyền thống văn hóa, tập tục, nghi lễ làm cho các giá trị chân, thiện, mỹ được trao truyền một cách tự nhiên cho con trẻ. Cũng từ đó, văn hóa gia đình không chỉ gián tiếp tác động với gia đình mà còn trực tiếp tác động tới các lĩnh vực của đời sống xã hội. Văn hóa gia đình góp phần duy trì và phát triển văn hóa các nhóm cộng đồng xã hội, dòng họ, làng xã, dân tộc, giai cấp.
Chính việc lưu giữ, trao truyền văn hóa trong gia đình mà dù xã hội hiện đại có nhiều biến đổi nhưng những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các tộc người vẫn bền vững qua thời gian. Những giá trị văn hóa gia đình đã tích hợp trong văn hóa dòng họ, văn hóa làng xã và tồn tại một cách sinh động trong đời sống xã hội, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị cao đẹp, thiêng liêng của cộng đồng quốc gia - dân tộc trong tiến trình lịch sử.
Qua nhiều thời kỳ phát triển của đất nước, cấu trúc và quan hệ trong gia đình Việt Nam có những thay đổi, nhưng những giá trị truyền thống quý báu của gia đình Việt Nam, như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù, sáng tạo trong lao động, bất khuất kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách vẫn được giữ gìn, vun đắp và phát huy trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước. Gia đình đã trở thành một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Gia đình với tư cách là tế bào của xã hội, một thiết chế xã hội nên gia đình vừa chịu tác động của xã hội, vừa tác động lại xã hội. Văn hóa gia đình và văn hóa xã hội cũng tác động lẫn nhau như sự tác động của gia đình và xã hội, tác động của gia đình và văn hóa gia đình cũng chính là sự tác động của mỗi cá nhân đối với xã hội. Nhưng mỗi cá nhân đều bắt đầu từ gia đình, văn hóa gia đình. Văn hóa cá nhân, văn hóa gia đình, văn hóa xã hội có mối quan hệ chặt chẽ, khăng khít như 3 đỉnh của một tam giác văn hóa.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra tại Hà Nội ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu đặc biệt quan trọng, trong đó, thêm một lần khẳng định sự đúng đắn trong quan điểm chỉ đạo, lãnh đạo sự nghiệp phát triển văn hóa của Đảng những năm qua, đồng thời nêu ra sáu giải pháp thiết thực, trong đó, giải pháp thứ hai đã được nhấn mạnh: “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc, kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia - dân tộc và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc.
Đại Dương
Liên kết website
Ý kiến ()