Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:55 (GMT +7)
Phát huy giá trị di sản văn hóa nhà Trần trong thời đại mới
Chủ nhật, 01/01/2023 | 07:35:07 [GMT +7] A A
Đó là nội dung cuộc tọa đàm do Viện Nghiên cứu Phật học, Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và Hội đồng họ Trần Việt Nam vừa tổ chức gần đây tại TP Hạ Long.
Tại toạ đàm, Thượng toạ Thích Thọ Lạc, Trưởng Ban Văn hoá Trung ương GHPG Việt Nam, nhận định: Nhắc đến văn hoá thời Trần không thể không nhắc đến Phật giáo. Bởi thời Trần là thời kỳ Phật giáo hoà nhập sâu rộng vào mọi mặt của đời sống xã hội, trở thành bệ đỡ tư tưởng, văn hoá. Phật giáo không tách rời sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, trí tuệ Phật giáo hoà cùng trí tuệ dân tộc, Phật giáo trở thành hạt nhân cố kết nhân tâm, đoàn kết dân tộc, xây dựng đất nước cường thịnh.
Thượng toạ Thích Thọ Lạc cho biết thêm: Trong bối cảnh hiện nay, những giá trị văn hoá Phật giáo thời Trần vẫn còn nguyên giá trị, trách nhiệm của thế hệ con cháu thời Trần là khơi dậy, phát huy những giá trị mà cha ông bao đời đã vun đắp để làm rạng danh dòng họ, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp.
Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam, Phó Trưởng Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương, Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, nhận định: Triều đại nhà Trần là một trong những triều đại huy hoàng nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam, với ba lần đánh tan quân Nguyên Mông, đem lại độc lập, hòa bình cho xứ sở, xây dựng quốc gia Đại Việt hùng cường. Đây cũng là triều đại đã sản sinh ra nhiều nhân tài kiệt xuất của dân tộc, trong đó đặc biệt nhất là Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông. Sau khi hoàn thành trách nhiệm của một vị hoàng đế anh hùng, Ngài đã về Yên Tử xuất gia tu Phật, sáng lập Phật giáo Trúc Lâm - nền Phật giáo thống nhất của nước Việt, lấy tư tưởng Phật giáo nhập thế, “Cư trần lạc đạo”, “Hòa quang đồng trần” làm nền tảng tư tưởng của quốc gia Đại Việt và trở thành kim chỉ nam, sợ chỉ đỏ xuyên suốt của Phật giáo Việt Nam cho đến ngày nay.
Đương thời, Yên Tử là Trung tâm Phật giáo Thiền tông thuần Việt với người sáng lập là Điều ngự giác hoàng Trần Nhân Tông - vị vua đã từ bỏ ngai vàng tu hành và đắc đạo. Quần thể di tích, danh thắng Yên Tử mang tính liên vùng, liên tỉnh, liên di tích với trên 70 điểm di tích được đưa vào hồ sơ trình UNESCO đề nghị công nhận Yên Tử là di sản thế giới lần này nằm ở 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương. Tại Quảng Ninh, các điểm di tích trải dài từ Đông Triều đến Uông Bí.
Trong đó, khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều thuộc địa phận các xã An Sinh, Tràng An, Bình Khê, Thủy An cũng mang đậm dấu ấn văn hóa. Khu di tích được định hình rõ nét về mặt quy mô từ sau năm 1299, khi Thượng hoàng Trần Nhân Tông đến Yên Tử tu hành, lập nên Thiền phái Trúc Lâm. Đến cuối thế kỷ XIV, nhiều lăng mộ của vua Trần được xây dựng hoặc di chuyển về Đông Triều. Triều đình còn xây dựng đền, miếu để thờ cúng các bậc tiên đế, cùng nhiều công trình kiến trúc tôn giáo để phục vụ cho việc tu hành, giảng đạo. Vì thế, nơi đây đã trở thành một vùng “thánh địa” linh thiêng, nơi tập trung nhiều kiến trúc độc đáo mang đậm dấu ấn của triều đại nhà Trần.
Bên cạnh giá trị về kiến trúc, Khu di tích còn lưu giữ khá nhiều di vật, cổ vật có giá trị về lịch sử, văn hóa và khoa học, gồm: Bia đá, chân tảng đá, gạch, ngói trang trí, đồ gốm các loại, tháp đá, tượng voi, ngựa... Cùng với đó là nhiều sinh hoạt văn hóa dân gian, lễ hội dân gian độc đáo gắn với lịch sử vùng đất.
Các di sản văn hóa liên quan đến nhà Trần tại Quảng Ninh đang được bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị đúng hướng, hiệu quả. Các di tích này chính là một phần “bức tranh” đời sống, văn hóa, kinh tế thời Trần trên vùng đất Quảng Ninh mà các thế hệ hiện nay và sau này đều muốn tìm hiểu, khám phá. Hơn hết, các di tích nhà Trần cũng góp phần làm giàu thêm giá trị cho Yên Tử trong lộ trình đưa Yên Tử trở thành di sản thế giới đang được tích cực triển khai.
Trong lĩnh vực kinh tế, con cháu họ Trần tích cực phát huy tư tưởng nhà Trần trong sản xuất kinh doanh. Ông Trần Văn Mười, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nhân họ Trần Việt Nam, cho biết: Trong lĩnh vực kinh tế, dòng họ Trần Việt Nam ra sức thi đua lao động sản xuất, chung tay xây dựng nước Việt Nam hùng cường, phát triển thịnh vượng, xứng đáng với niềm tin và sự kỳ vọng của tổ triều Trần và xứng đáng là con cháu của dòng họ Trần Việt Nam.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()