Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:37 (GMT +7)
Phát huy giá trị đa dụng của rừng
Thứ 7, 14/01/2023 | 15:37:28 [GMT +7] A A
Rừng có vai trò rất quan trọng đối với cuộc sống con người. Tác dụng của rừng rất đa dạng, đặc biệt giá trị về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, với khả năng chống xói mòn, sạt lở đất đá, giữ và điều hoà nguồn nước, chắn sóng gió, tạo lượng khí oxy, làm sạch không khí, hình thành “lá phổi xanh” rộng lớn... Cùng với đó, rừng trở thành bệ đỡ cho nhiều ngành kinh tế phát triển.
Quảng Ninh đang có trên 388.000ha đất có rừng, tỷ lệ che phủ rừng hiện là 55%. Những thông số trên khiến rừng Quảng Ninh thực sự trở thành “lá phổi xanh”, là động lực cho sự phát triển.
Xác định rất rõ tính phòng hộ, bảo vệ môi trường của rừng, bằng nhiều giải pháp, rừng Quảng Ninh ngày càng được trồng, chăm sóc, bảo vệ và phát triển, làm giàu rừng, nâng cao chất lượng rừng. Những năm gần đây, trung bình mỗi năm Quảng Ninh đạt diện tích rừng trồng mới trên 12.000ha. Năm 2022 vừa qua, diện tích rừng trồng mới là gần 14.000ha, cao hơn nhiều so với diện tích rừng trồng đã khai thác. Tình trạng cháy rừng, xâm lấn, huỷ hoại rừng đã giảm đến mức rất thấp.
Năm 2022, lần đầu tiên tỉnh Quảng Ninh đưa ra chỉ tiêu trồng rừng lim, giổi, lát với con số cụ thể 2.000ha năm 2022, và 5.000ha tính đến năm 2025. Đây là loại cây rừng có đặc tính sinh trưởng dài, thân gỗ quý, tán lá dày rộng, dưới có thể phát triển các loại dược liệu... chính là giải pháp nền tảng để làm giàu rừng, nâng cao chất lượng rừng, tăng độ che phủ rừng, từ đó nâng cao tính phòng hộ, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Năm 2022, lĩnh vực kinh tế rừng có bước phát triển đột phá, góp phần thúc đẩy tăng trưởng cho lĩnh vực nông nghiệp. Ba Chẽ, trung tâm lâm nghiệp của tỉnh, có cả ngàn hộ dân tiến hành khai thác rừng trồng, với diện tích rừng khai thác là gần 3.000ha, sản lượng gỗ khai thác là trên 154.000m3, tương ứng với khoản tiền thu về là trên 300 tỷ đồng.
Những chuyến xe thu mua, vận chuyển gỗ xuôi ngược lăn bánh, những xưởng chế biến gỗ hoạt động ngày đêm, những khoản tiền rất đáng kể thu được từ rừng đã đến tay người dân... Tất cả như khiến cho vùng NTM Ba Chẽ thêm sôi động, đời sống người trồng rừng, sống dựa vào rừng thêm sung túc.
Đáng mừng, chuyển động kinh tế rừng Ba Chẽ cũng là chuyển động kinh tế rừng chung trên toàn tỉnh. Con số thống kê cho thấy, năm 2022, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng của Quảng Ninh đạt 839.860m3, tăng 19,2% so với kế hoạch điều chỉnh. Sản lượng khai thác lâm sản ngoài gỗ, bao gồm nhựa thông là 3.293 tấn; vỏ quế 5.564 tấn; hoa hồi 925 tấn; hạt sở 600 tấn... Mang về nguồn thu cả ngàn tỷ đồng cho những hộ trồng rừng, doanh nghiệp lâm nghiệp.
Cùng với những giá trị về bảo vệ môi trường, về tạo việc làm, thu nhập cho người trồng rừng, rừng Quảng Ninh còn là bệ đỡ cho nhiều ngành kinh tế phát triển. Huyện Bình Liêu là địa phương có thể nói phát huy rất tốt giá trị của rừng trong phát triển kinh tế du lịch.
Người dân Bình Liêu, nhờ vào vốn rừng đang có đã tự tin tham gia trong các định hướng phát triển kinh tế chung của huyện, trong đó có kinh tế dịch vụ, du lịch. Những hoạt động du lịch mà Bình Liêu tổ chức gần đây luôn gắn với cây sở, hồi, quế, những loại cây rừng chủ lực của huyện Bình Liêu. Tiêu biểu như lễ hội hoa sở, check-in với hoa sở, chơi trò chơi dân gian trong rừng sở, thưởng thức ẩm thực dân tộc dưới rừng sở, bay dù lượn trên rừng sở, đua xe đạp dọc rừng sở...
Tới đây, Bình Liêu sẽ phát huy những sản phẩm du lịch mới gắn với cây hồi, cây quế. Ví như Ngày hội kiêng gió kết hợp trải nghiệm rừng hồi, rừng quế; Phiên chợ vùng cao kết hợp nghề trồng cây dong giềng dưới tán rừng, trên đất rừng, sản xuất sản phẩm miến ăn từ nguyên liệu củ dong giềng... Rừng đã thực sự khiến cho vùng đất đậm bản sắc dân tộc Bình Liêu thêm tươi mới, hấp dẫn, thúc đẩy kinh tế du lịch trên toàn địa bàn huyện.
Có thể thấy, rừng Quảng Ninh đang nhận được sự quan tâm, đầu tư xứng đáng, thúc đẩy tiến trình trồng, chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng, nhân lên những cánh rừng xanh bền vững. Đây là cơ sở để rừng Quảng Ninh mang giá trị và phát huy giá trị đa dụng của mình. Đó không chỉ là giá trị về kinh tế, làm ấm no đời sống nhân dân, làm giàu mạnh những vùng quê nông thôn miền núi, mà còn tạo bệ đỡ cho các hoạt động kinh tế - xã hội phát triển. Quan trọng hơn, rừng đang tích cực bảo vệ môi sinh, môi trường, cảnh quan, là động lực của sự phát triển bền vững, tăng trưởng, giá trị cao của tỉnh Quảng Ninh.
Việt Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()