Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 12:35 (GMT +7)
Phát huy bản sắc riêng có của vùng than
Chủ nhật, 12/11/2023 | 06:05:14 [GMT +7] A A
Cùng với nhiều nét văn hóa đa dạng, phong phú trong thống nhất, "Kỷ luật và đồng tâm" đã trở thành một truyền thống quý báu, mà cao hơn là một giá trị văn hóa riêng có của Quảng Ninh. Giá trị văn hóa đặc sắc này của công nhân mỏ đã và đang được phát huy tích cực trong lịch sử đấu tranh cách mạng, bảo vệ Tổ quốc cũng như xây dựng quê hương hôm nay.
Văn hóa công nhân mỏ - văn hóa riêng có và là bản sắc đặc trưng nhất của Quảng Ninh gắn liền với truyền thống "Đoàn kết, đồng tâm" vốn là truyền thống của cư dân vùng biên ải, vùng biển trong lao động, sản xuất, đấu tranh chống thiên tai, giặc giã. Ở vùng đất heo hút, hiểm trở, thường trực bị đe dọa bởi các mối hiểm nguy từ thiên tai và địch họa, cố kết lại để thành một khối bền chặt, đồng tâm hiệp lực là yêu cầu bắt buộc để sinh tồn.
Trải qua thời gian, đoàn kết, đồng tâm càng thêm khăng khít, trở thành một lẽ tự nhiên của cư dân vùng Đông Bắc. Tinh thần đoàn kết, đồng tâm trong văn hóa truyền thống càng được phát huy trong văn hóa hiện đại, ra đời từ cuộc sống công nghiệp trên vùng đất Quảng Ninh, trở thành nét văn hóa “Kỷ luật và đồng tâm”.
Tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm” được hình thành từ giữa thế kỷ XIX khi người Việt Nam bắt đầu bổ nhát cuốc đầu tiên khai thác mỏ than tại núi Yên Lãng (Đông Triều) theo chỉ dụ của vua Minh Mạng. Cùng với quá trình khai thác thuộc địa của thực dân Pháp ở vùng Đông Bắc, lực lượng công nhân mỏ được hình thành và phát triển ngày càng đông đảo. Đội ngũ công nhân xuất thân từ nhiều vùng, miền khác nhau, sống đoàn kết, quần tụ thành các xóm thợ, lán thợ, làng công nhân, khu phố thợ... Trong quá trình lao động, sản xuất hầm lò, nhất là đấu tranh cách mạng chống lại ách áp bức hà khắc của thực dân và tay sai, công nhân mỏ phải đoàn kết, đồng tâm thành một khối thống nhất để cộng hưởng sức mạnh đấu tranh.
Từ khi Đảng ta ra đời, đoàn kết thống nhất là một nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nên phẩm chất đó càng được rèn giũa, phát huy, nâng lên tầm cao mới. Hơn nữa, giai cấp công nhân là giai cấp có ý thức tổ chức kỷ luật cao; sản xuất công nghiệp theo dây chuyền, mang tính chuyên môn hoá nên bắt buộc người lao động phải rèn tính kỷ luật, tuân thủ tuyệt đối kỷ luật lao động và kỷ luật tổ chức.
Đặc biệt, trong quá trình đấu tranh cách mạng, đội ngũ công nhân mỏ sớm giác ngộ được sứ mệnh lịch sử, kết thành một khối vững chắc, hình thành nên giá trị cốt lõi của tinh thần kỷ luật và đồng tâm trong cuộc Tổng đình công tháng 11/1936 với câu khẩu hiệu được hô vang “Kỷ luật và đồng tâm, chúng ta nhất định thắng”... Như vậy, kỷ luật và đồng tâm là phẩm cách văn hóa Quảng Ninh ra đời từ văn hóa truyền thống và từ đời sống công nghiệp hiện đại, mà Quảng Ninh vốn là một trong những cái nôi hình thành và phát triển của giai cấp công nhân Việt Nam.
Giá trị tinh thần từ khẩu hiệu tranh đấu của cuộc Tổng đình công năm xưa được phát huy qua các thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, bảo vệ biên giới phía Bắc và tiếp tục trở thành hành trang vô giá của người Quảng Ninh trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước những năm đổi mới.
Ông Lê Thanh Xuân, Chủ tịch Công đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, cho rằng, văn hóa truyền thống đã trở thành niềm tự hào, là tài sản vô giá đã, đang và sẽ tiếp tục được giữ gìn, phát huy bằng những sản phẩm mà thợ mỏ tạo ra trong quá trình lao động sản xuất, được chi phối bởi môi trường tự nhiên và xã hội, đã hình thành nét đặc trưng riêng của văn hóa TKV. Những giá trị văn hóa công nhân mỏ là giá trị cốt lõi tạo nên những hợp lực, sức mạnh tổng hợp, góp phần vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ của ngành Than.
Hiện nay, trong việc phát triển nguồn nhân lực, TKV xác định, xây dựng đội ngũ thợ mỏ có sự giao thoa về văn hóa. Cũng theo ông Lê Thanh Xuân, Chủ tịch Công đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, sự biến động về nguồn nhân lực do tăng giảm lao động và thu hút một bộ phận người lao động, nhất là thợ lò là người dân tộc thiểu số đến làm việc, đã tiếp tục duy trì quá trình giao thoa văn hóa vùng, miền. Việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa công nhân mỏ đặt ra những yêu cầu cấp thiết, nhất là trong thời điểm hiện tại khi mà vấn đề nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế nhà nước nói chung, TKV nói riêng đang là đòi hỏi bắt buộc mà điểm tựa không thể thiếu để tập đoàn ổn định tình hình sản xuất, ngày càng phát triển, chính là phát huy và nhân lên sức mạnh từ bản sắc văn hóa công nhân mỏ.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()