Biến chủng KP.2, một nhánh con của Omicron, sở hữu hai đột biến đặc biệt giúp lây truyền nhanh, có thể trốn tránh được miễn dịch.
Thông tin được công bố trên bioRxiv, một nền tảng lưu trữ bản thảo khoa học trước khi được bình duyệt, hôm 4/5.
Nhóm biến chủng này là nhánh con của Omicron, xuất phát từ JN.1, lây lan mạnh tại Mỹ vào mùa đông vừa qua. KP.2 chiếm khoảng 25% số ca mắc được giải trình tự kể từ ngày 20-27/4, theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC).
Giáo sư Albert Ko, bác sĩ bệnh truyền nhiễm tại Trường Y tế Công cộng Yale, cho biết KP.2 có thêm hai đột biến khác biệt so với JN.1, mang lại lợi thế về lây lan và trốn tránh miễn dịch.
"Vẫn còn ở những ngày đầu biến chủng phát triển, nhưng ấn tượng của giới y khoa là KP.2 khá dễ lây truyền", William Schaffner, giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt, nhận định.
Các chuyên gia lưu ý tỷ lệ ca nhiễm KP.2 ngày càng tăng, trong khi tỷ lệ của các biến chủng khác đang giảm. Điều này cho thấy KP.2 có lợi thế xâm nhập cơ thể. Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy KP.2 đã đột biến đến mức các vaccine hiện nay chỉ có thể bảo vệ được một phần. Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý còn quá sớm để đưa ra bất cứ lời cảnh báo nào khiến cộng đồng hoang mang.
Tiến sĩ Andrew Pekosz, nhà virus học tại Đại học Johns Hopkins, nhận định sự xuất hiện của KP.2 và các biến thể khác là "câu chuyện cũ". Covid-19 thường xuyên biến đổi và tạo ra các chủng mới có khả năng lây lan cao theo thời gian. Chu kỳ này là từ ba đến 6 tháng, nhanh hơn nhiều so với các virus theo mùa khác như cúm.
Theo CDC, hiện hơn 97% người dân Mỹ có kháng thể tự nhiên hoặc từ tiêm chủng chống lại Covid-19. Tuy nhiên, khả năng bảo vệ sẽ mất dần theo thời gian. Tỷ lệ tiêm chủng thấp sẽ tạo ra một nhóm dân số dễ tổn thương, cho phép các biến chủng mới phát huy tác dụng. Nhóm người già và mắc bệnh nền được khuyến cáo nên chủng ngừa mỗi năm một lần để ngăn khả năng chuyển nặng nếu nhiễm virus.
Các nhà khoa học chưa rõ biến chủng có thể gây ra làn sóng lây nhiễm đột biến vào mùa hè hay không. Tuy nhiên, số ca mắc Covid-19 trong thời gian qua vẫn tăng ổn định theo mùa.
"Người dân dương tính quanh năm, ở mức độ vừa phải. Có lẽ chúng ta chưa thể đi đến giai đoạn mầm bệnh biến mất hoàn toàn", Pekosz cho biết.
Theo CDC, tỷ lệ dương tính trên đầu người, một chỉ báo sớm về mức độ lây nhiễm của virus, hiện là 3% tính đến ngày 20/4, giảm 0,4% so với một tuần trước đó, giảm mạnh từ khoảng 12% vào giữa tháng 1. Số trường hợp nhập viện cũng thấp hơn nhiều so với mùa đông.
Dữ liệu nước thải của CDC cho thấy mức độ lưu hành của virus đang là "tối thiểu".
"Tình trạng lây truyền hiện khá thấp. Điều này cũng hợp lý vì các đỉnh dịch thường đến vào mùa đông, khi mọi người ở trong nhà và tiếp xúc nhiều hơn", giáo sư Ko nói.
Ý kiến ()