Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 22:28 (GMT +7)
Pháp hủy 'quan hệ đối tác chiến lược' với Australia vì thỏa thuận tàu ngầm
Thứ 6, 25/02/2022 | 18:43:16 [GMT +7] A A
Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới của Pháp đã gạt bỏ mối quan hệ đối tác chiến lược của nước này với Australia.
Theo trang web breakingdefense.com ngày 24/2, nhằm phản đối việc Australia từ chối thỏa thuận tàu ngầm khổng lồ, Pháp đã loại Australia ra khỏi nhóm các đối tác chiến lược của nước này.
Thông báo này được đưa vào Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương chính thức của Pháp, một văn bản do Bộ trưởng Ngoại giao Pháp ký và được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phê chuẩn. Ngoài hành động với Australia, chiến lược của Pháp cũng cam kết kiên quyết đảm bảo tự do trên biển, tuân thủ luật pháp quốc tế và bảo vệ các lợi ích kinh tế như ngư nghiệp, dầu mỏ và khí đốt trong khu vực.
Chiến lược nêu rõ: “Quyết định tháng 9/2021 của Australia liên quan đến Chương trình Tàu ngầm Tương lai (FSP), mà không có sự tham vấn hoặc cảnh báo trước, đã cắt đứt quan hệ đối tác tin cậy với Pháp. Điều đó dẫn đến việc cần phải đánh giá lại mối quan hệ đối tác chiến lược trong quá khứ giữa hai nước. Pháp sẽ theo đuổi hợp tác song phương với Australia trên cơ sở từng trường hợp cụ thể, tùy theo lợi ích quốc gia của mình và lợi ích của các đối tác trong khu vực".
Đáng chú ý, trong khi thỏa thuận AUKUS (thỏa thuận giữa Mỹ-Anh-Australia) tiếp tục gây tổn hại cho mối quan hệ Pháp-Australia, chiến lược mới của Pháp cho thấy quan hệ giữa Paris và Washington vẫn đang trên đà phát triển tốt đẹp. “Pháp tiếp tục duy trì quan hệ chặt chẽ với Mỹ, đồng thời sẽ tăng cường phối hợp giữa hai bên”, tài liệu chiến lược dài 67 trang của Pháp cho biết.
Pháp vẫn tức giận trước quyết định của Australia từ bỏ thỏa thuận tàu ngầm giữa hai nước, một thương vụ Paris gọi là "thỏa thuận thế kỷ". Song có dấu hiệu cho thấy Canberra bắt đầu lạnh nhạt với thỏa thuận vào tháng 6 năm ngoái, khi Greg Moriarity, một quan chức hàng đầu của Bộ Quốc phòng Australia, đề cập đến "các lựa chọn thay thế" cho thỏa thuận tàu ngầm với Pháp tại một phiên điều trần của Thượng viện.
Sau đó, trong cuộc họp vào tháng 8 giữa các bộ trưởng quốc phòng Pháp và Australia, hai bên đã đưa ra một tuyên bố, trong đó “nhấn mạnh tầm quan trọng của Chương trình Tàu ngầm Tương lai”. Nhưng chỉ một tháng sau, AUKUS đã ra đời, cùng với đó là hậu quả chính trị đi kèm. Australia thông báo hủy thỏa thuận mua tàu ngầm của Pháp và công bố thỏa thuận mới với Mỹ-Anh về tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Chính phủ Pháp đã có những hành động đặc biệt sau khi Australia thông báo thỏa thuận tàu ngầm trị giá 65 tỷ USD bị hủy bỏ. Ngoại trưởng Pháp mô tả đây là một "cú đâm sau lưng" và Pháp đã ngay lập tức triệu hồi các đại sứ của mình ở Australia và Mỹ vào ngày hôm sau.
Mặc dù Pháp không phủ nhận việc Australia vẫn là đối tác quan trọng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhưng Paris rõ ràng đang tận dụng chiến lược mới để gửi một thông điệp nhằm nhắc nhở Australia rằng Pháp vẫn tức giận như thế nào về việc hủy bỏ hợp đồng tàu ngầm.
Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương đóng vai trò là nền tảng cho một loạt cam kết của Pháp, được khởi xướng khi Tổng thống Emanuel Macron có bài phát biểu về khu vực vào năm 2018 tại Australia và New Caledonia. Ông Macron cam kết Pháp sẽ hợp tác với các quốc gia có chung lợi ích với Pháp, đặc biệt là Australia, Ấn Độ và Nhật Bản.
Pháp hiện có quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ, Nhật Bản, Indonesia, Singapore và Việt Nam.
Theo Baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()