Nhà chức trách Mỹ và Canada đang nỗ lực tìm kiếm tàu lặn Titan của công ty OceanGate chở 5 người mất tích khi tham quan xác tàu Titanic. Họ phát hiện tiếng động lớn cách 30 phút khi máy bay của Canada triển khai thiết bị sóng âm gọi là phao thủy âm trong quá trình tìm kiếm. Điều này dẫn tới hy vọng hành khách trên tàu lặn Titan vẫn còn sống và đang tìm cách tạo ra tiếng động qua vỏ tàu.
Trong lúc bay qua khu vực tìm kiếm ở Bắc Đại Tây Dương, máy bay của Canada thả thiết bị gọi là phao thủy âm, một công cụ quan trọng để tìm kiếm dưới nước. Khi rơi từ máy bay xuống nước, phao hạ thấp dần xuống mặt nước bằng dù. Sau khi thiết bị tới mặt nước, nhà chức trách có thể triển khai chúng ở độ sâu cần thiết và duy trì liên lạc với máy bay bên trên.
Trong nước, phao thủy âm tách thành hai đầu, một đầu có máy phát tần số vô tuyến truyền lên bề mặt. Đầu còn lại trang bị hàng loạt microphone gọi là đầu thu sóng trong nước chĩa về phía tầng nước sâu. Cả hai đầu nối với dây cáp. Bất kỳ âm thanh nào mà đầu thu sóng phát hiện đều được truyền qua dây cáp tới máy phát tần số vô tuyến. Máy phát sau đó truyền tín hiệu tới máy bay, giúp đội cứu hộ xác định vị trí phát ra âm thanh ở độ sâu hàng nghìn mét.
Cách phao thủy âm hoạt động dựa trên nguyên lý định vị thủy âm, đó là sử dụng sóng âm để phát hiện vật thể dưới nước. Định vị thủy âm hoạt động theo hai cách khác nhau là phát hiện chủ động và bị động. Phát hiện chủ động bao gồm phát truyền "ping" vào khu vực xung quanh và nghe tiếng vang truyền về. Phát hiện bị động liên quan tới lắng nghe âm thanh tạo bởi chân vịt và máy móc.
Đội tìm kiếm chủ yếu sử dụng phát hiện bị động, thu tiếng động có thể do hành khách đập vào vỏ tàu ngầm. Phát hiện chủ động là điều thách thức hơn nhiều xung quanh xác tàu Titanic bởi rất khó phân biệt giữa tàu lặn và mảnh vỡ xung quanh. Một loại phao thủy âm thứ ba đôi khi được gọi là phao thủy âm mục đích đặc biệt bởi chúng cung cấp thêm thông tin về môi trường như nhiệt độ nước hoặc độ cao sóng.
Cần ba phao thủy âm thu âm thanh để các chuyên gia có thể lập tam giác khoanh vùng vị trí tàu lặn. Phép đạc tam giác thường được các nhà địa chất học dùng để tìm vị trí động đất, cho phép xác định vị trí chính xác hơn thông qua sử dụng góc nhọn.
"Việc tiếng động phát ra cách 30 phút là một dấu hiệu lớn. Ít có khả năng tiếng động đến từ tàu lặn khác thường chỉ xuống tới độ sâu 900 m. Chân vịt của tàu trên mặt nước sẽ tạo ra tiếng động liên tục, vì vậy âm thanh này có khả năng do con người tạo ra. Âm thanh truyền xa trong nước vừa là tin tốt và tin xấu. Bạn vẫn cần ba phao thủy âm để lập tam giác khoanh vùng vị trí. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng âm thanh đến từ thứ khác. Thiếu oxy là một yếu tố chủ chốt", tiến sĩ Jamie Pringle, nghiên cứu sinh Khoa học địa chất ở Đại học Keele, chia sẻ.
Phao thủy âm ban đầu được phát triển để phát hiện tàu ngầm U-boat của Đức trong Thế chiến II. Bất kỳ tín hiệu âm thanh dưới nước nào mà đầu thu sóng phát hiện, gây ra bởi tàu U-boat gần đó, sẽ được truyền tới máy bay qua máy phát vô tuyến. Nhưng hiện nay, phao thủy âm được sử dụng cho nhiều mục đích đa dạng bao gồm hoạt động tìm kiếm cứu hộ. Chúng có thể lập bản đồ vị trí rơi máy bay, xác tàu đắm hoặc người sống sót trên biển. Phao thủy âm từng được sử dụng vào năm 2014 trong nhiệm vụ tìm kiếm máy bay mất tích MH370 của Hãng hàng không Malaysia.
Ý kiến ()