Tất cả chuyên mục

573 nhãn hiệu sữa giả bị phanh phui, đặt ra những câu hỏi về việc tự công bố chất lượng sản phẩm sữa, vai trò hậu kiểm và trách nhiệm của các cơ quan quản lý.
Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn Luật sư Hoàng Văn Hà - Giám đốc Công ty Luật ARC Hà Nội để làm rõ những vấn đề trên.
Tự công bố - thuận lợi cho doanh nghiệp hay kẽ hở cho hàng giả
- Thưa luật sư, hiện nay sữa được xếp vào nhóm thực phẩm và doanh nghiệp được quyền tự công bố chất lượng sản phẩm. Nhưng từ vụ việc 573 loại sữa giả đã được bán ra thị trường nhiều năm qua, vấn đề lại được đặt ra là liệu cơ chế này có đang trở thành “kẽ hở” để hàng giả, hàng kém chất lượng lọt lưới?
- Luật sư Hoàng Văn Hà: Theo quy định tại Khoản 1, Điều 4 - Nghị định 15/2018/NĐ-CP, các sản phẩm như sữa tiệt trùng, sữa bột (trừ sữa dành cho trẻ dưới 36 tháng tuổi hoặc các nhóm đối tượng đặc biệt) thuộc diện doanh nghiệp được tự công bố chất lượng.
Cơ chế này ra đời nhằm giảm gánh nặng thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường. Tuy nhiên, mặt trái là nếu thiếu hậu kiểm nghiêm túc, nó có thể trở thành “lỗ hổng” để hàng giả, hàng nhái len lỏi, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Giải pháp là gì? Là phải siết chặt hậu kiểm, xử lý thật nghiêm các hành vi gian dối. Có như vậy, cơ chế tự công bố mới phát huy đúng tinh thần cải cách mà pháp luật hướng tới.
- Vụ việc Rance Pharma, Hacofood sản xuất hàng loạt sữa giả được tiêu thụ trong nhiều năm khiến dư luận bức xúc. Theo ông, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nằm ở đâu?
- Không thể chỉ dừng lại ở việc xử lý doanh nghiệp.
Trong vụ việc này, cần nhìn thẳng vào trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền hậu kiểm, được quy định rõ tại: Điều 19 - Nghị định 15/2018/NĐ-CP: Cơ quan có thẩm quyền phải kiểm tra sản phẩm tự công bố, đối chiếu với điều kiện sản xuất và hồ sơ pháp lý; Điều 15 - Thông tư 43/2018/TT-BYT: Yêu cầu kiểm tra định kỳ, đột xuất, xử lý vi phạm và chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra nếu có dấu hiệu hình sự.
Rõ ràng, việc để sai phạm kéo dài cho thấy lỗ hổng trong giám sát, thanh tra, cũng như sự thiếu phối hợp giữa các cơ quan như y tế, công thương, quản lý thị trường.
Tôi cho rằng cần chấn chỉnh lại toàn bộ quy trình, truy rõ trách nhiệm từng đơn vị liên quan.
Cơ chế hậu kiểm đang bị lạm dụng?
- Nghị định 15 cho phép hậu kiểm thay vì tiền kiểm với sữa. Nhưng trong thực tế, cơ chế này đang bộc lộ nhiều bất cập?
- Về cơ chế hậu kiểm đối với sản phẩm sữa theo Nghị định 15, tôi cho rằng đây là một bước tiến đúng trong cải cách hành chính. Tuy nhiên, trên thực tế, cơ chế này đang bộc lộ nhiều bất cập và có dấu hiệu bị lạm dụng.
Việc hậu kiểm hiện nay thiếu hiệu quả do lực lượng kiểm tra còn mỏng, tần suất kiểm tra quá thấp và đặc biệt là chưa có cơ sở dữ liệu cảnh báo rủi ro đầy đủ. Điều này vô tình tạo ra khoảng trống để một số doanh nghiệp hợp thức hóa sản phẩm kém chất lượng.
Để khắc phục tình trạng này, tôi đề xuất cần tăng tần suất kiểm tra theo mức độ rủi ro, ứng dụng công nghệ trong phân tích và cảnh báo, đồng thời công khai kết quả hậu kiểm, xử phạt nhằm tạo hiệu ứng răn đe trên diện rộng.
Pháp luật quy định rõ nhưng khâu thực thi thiếu chặt chẽ, thậm chí buông lỏng
- Với nhóm sản phẩm đặc biệt như sữa cho trẻ nhỏ, người bệnh… có nên áp dụng cơ chế tiền kiểm thay vì cho tự công bố?
- Pháp luật hiện hành đã quy định rất rõ về việc quản lý các nhóm sản phẩm đặc biệt. Cụ thể, theo Khoản 2, Điều 4 Nghị định 15/2018/NĐ-CP, các sản phẩm như sữa dành cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi hay thực phẩm dinh dưỡng y học bắt buộc phải đăng ký bản công bố - tức là áp dụng cơ chế tiền kiểm, không được tự công bố.
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở khâu thực thi. Hiện nay, việc thẩm định hồ sơ phần lớn chỉ mang tính hình thức, còn công tác hậu kiểm - nhất là sau khi đã tiền kiểm - lại thiếu chặt chẽ, thậm chí buông lỏng.
Theo tôi, không cần thay đổi cơ chế phân loại sản phẩm như hiện nay. Thay vào đó, cần tập trung vào việc nâng cao hiệu quả thực thi với ba giải pháp trọng tâm: Thứ nhất, siết chặt và nâng cấp quy trình thẩm định hồ sơ; Tăng cường kiểm nghiệm thực tế, hậu kiểm định kỳ. Ngoài ra cần đặc biệt lưu ý các sản phẩm có nguy cơ cao, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.
Ý kiến ()