Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 21:38 (GMT +7)
Phản ứng của Nga trước quyết định của Đức coi Moskva là mối đe dọa lớn nhất
Thứ 2, 19/06/2023 | 14:08:00 [GMT +7] A A
Việc Đức coi Moskva là mối đe dọa lớn nhất trong Chiến lược an ninh quốc gia mới vừa được công bố là hành động đi ngược lại với logic và lợi ích của Berlin.
Đó là lời khẳng định của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình quốc gia Nga ngày 18/6 khi được hỏi về tài liệu liên quan tới Chiến lược an ninh quốc gia mới mà chính phủ Đức vừa công bố.
"Thật khó để tôi bình luận về các hành động và tài liệu được các chính trị gia Đức thông qua mới đây. Tài liệu này không dựa trên logic cũng như lợi ích của nước Đức và người dân Đức", ông Lavrov chỉ rõ.
Theo nội dung Chiến lược an ninh quốc gia mới của Đức, Nga được coi là đe dọa an ninh lớn nhất, trong khi Berlin ủng hộ cách tiếp cận cân bằng với Trung Quốc. "Trong tương lai gần, nước Nga là mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình và an ninh ở khu vực châu Âu - Đại Tây Dương", tài liệu nhấn mạnh.
Văn bản dài 76 trang đã phân tích môi trường an ninh theo cách tiếp cận tổng thể có hệ thống dựa trên khái niệm rộng về an ninh và các biện pháp cụ thể. Văn kiện đưa ra các hướng dẫn với mục đích tăng cường an ninh của nước Đức trước các mối đe dọa, với những định hướng liên bộ ứng phó với các thách thức về chính sách an ninh, bao gồm cả sự tương tác giữa chính quyền trung ương và các địa phương.
Ý tưởng cơ bản của chiến lược là lần đầu tiên tính đến tất cả các mối đe dọa bên trong và bên ngoài đối với an ninh của nước Đức. Ngoài đe dọa quân sự, còn có các cuộc tấn công mạng, các cuộc tấn công có thể xảy ra nhằm vào cơ sở hạ tầng trọng yếu và biến đổi khí hậu. Chiến lược cũng nêu rõ liên minh xuyên Đại Tây Dương phải có khả năng và quyết tâm chống lại tất cả các mối đe dọa quân sự từ vũ khí hạt nhân, thông thường, cũng như phòng thủ mạng và các mối đe dọa nhắm vào các hệ thống không gian.
Trong chính sách an ninh quốc gia, Chính phủ Đức đặt ra một số mục tiêu chiến lược, trong đó Berlin sẽ đặt mục tiêu "trung bình trong nhiều năm" chi 2% Tổng sản phầm quốc nội (GDP) cho quốc phòng của NATO; tăng cường hoạt động phản gián, chống phá hoại và phòng thủ mạng; đẩy mạnh công nghệ quốc phòng ở cấp độ châu Âu; hài hoà các quy định về kiểm soát xuất khẩu vũ khí trên toàn Liên minh châu Âu (EU)...
Theo Baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()