Sáng 7/7, tại TP Hạ Long, HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026 đã tổ chức khai mạc Kỳ họp thứ 9 (kỳ họp thường lệ giữa năm). Phát biểu khai mạc kỳ họp, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, yêu cầu các đại biểu tập trung trí tuệ, phát biểu thảo luận có trọng tâm, trọng điểm, dân chủ, thẳng thắn bày tỏ rõ quan điểm, chính kiến và quyết nghị thông qua các nghị quyết có tính khả thi cao. Trong đó, cần phân tích, dự báo những cơ hội, thách thức để xác định các giải pháp hoàn thành toàn diện nhiệm vụ năm 2022. Trung tâm Truyền thông tỉnh trân trọng đăng toàn văn phát biểu khai mạc của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh.
Quang cảnh kỳ họp. |
Trong không khí vui tươi, phấn khởi, tin tưởng với kết quả đạt được trong kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022; khí thế thi đua mới, động lực mới, quyết tâm mới sau chuyến thăm và làm việc tại Quảng Ninh của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngày 6/4/2022. Hôm nay, HĐND tỉnh long trọng khai mạc kỳ họp thứ 9, kỳ họp thường lệ giữa năm 2022 của HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 được cán bộ, đảng viên, cử tri và nhân dân hết sức quan tâm, theo dõi.
Thay mặt Thường trực HĐND tỉnh - Chủ tọa kỳ họp, tôi xin gửi tới các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các vị đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh, các đại biểu khách mời cùng cử tri, nhân dân trong tỉnh lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công!
Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền nhằm tiếp tục cụ thể hóa kịp thời các chủ trương Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh và các nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy thành các nghị quyết của HĐND tỉnh về chủ trương, giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2022 và của cả giai đoạn 2021 - 2025. Các báo cáo, tờ trình, dự thảo Nghị quyết của kỳ họp đã được các cơ quan chuẩn bị sớm, rất công phu, khoa học, các Ban của HĐND tỉnh đã thẩm tra nghiêm túc, nhiều vấn đề có khảo sát khi thẩm tra. Thay mặt Chủ tọa Kỳ họp, sau đây, tôi xin nêu một số vấn đề trọng tâm nhất của kỳ họp có tính chất gợi mở để các đại biểu tham dự kỳ họp và các đại biểu HĐND tỉnh quan tâm xem xét, thảo luận quyết định:
Một là, về tình hình kinh tế - xã hội, kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022.
Như chúng ta đã biết, tỉnh Quảng Ninh bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2022 có những thuận lợi rất cơ bản từ thành quả 2 năm liên tiếp 2020, 2021 thực hiện thành công “mục tiêu kép”,“giữ vững địa bàn an toàn, ổn định trong trạng thái bình thường mới, phát triển với đà tăng trưởng GRDP hai con số”, đồng thời cũng phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca mắc mới tăng rất nhanh sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán, tính đến ngày 5/7/2022 đã ghi nhận trên 352 ngàn ca mắc. Diễn biến phức tạp từ xung đột giữa Nga - Ukraine kéo theo những khó khăn về thị trường tiêu thụ, xuất nhập khẩu hàng hóa, đứt gãy chuỗi cung ứng lao động; giá xăng dầu, giá nguyên vật liệu và một số loại hàng hóa cơ bản tăng cao tác động trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và tỉnh Quảng Ninh chúng ta nói riêng, ảnh hưởng lớn đến mọi mặt đời sống Nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong bối cảnh đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn luôn chủ động, linh hoạt, quyết liệt, nhất quán với những chủ trương, biện pháp đúng đắn, kịp thời, khoa học, sát thực tiễn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; phát huy sức mạnh tổng hợp, vai trò của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Tỉnh ta đã hoàn toàn chủ động kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, thích ứng linh hoạt, an toàn, vừa chăm lo, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa giữ vững sự ổn định kinh tế - xã hội, phát triển sản xuất - kinh doanh, nhất là ngành than, điện, công nghiệp chế biến, chế tạo; nhanh chóng phục hồi vững chắc ngành du lịch, 6 tháng đầu năm đạt trên 5,5 triệu lượt, gấp 2,2 lần so với cùng kỳ, giúp hồi sinh hàng ngàn doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động; tạo tiền đề rất quan trọng để đạt mức tăng trưởng kinh tế (GRDP) 6 tháng đầu năm đạt 10,66%, cao hơn cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 27.908 tỷ đồng, tăng 21% cùng kỳ, trong đó thu nội địa đạt 20.710 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được tỉnh quan tâm, giữ được vị trí thứ nhất chỉ số PCI 5 năm liên tiếp (2017 - 2021), chỉ số SIPAS 3 năm liên tiếp (2019 - 2021) đã phản ánh những nỗ lực trong xây dựng chính quyền liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ nhân dân và xã hội.
Các lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, lao động, việc làm, văn hóa, xã hội, thể thao có nhiều tiến bộ; có nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi Olympic và khoa học quốc tế. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện; mở rộng cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao và bảo đảm chất lượng chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo quốc gia được giữ vững, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ; xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển. Hoạt động đối ngoại được chú trọng mở rộng và ngày càng đi vào chiều sâu.
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác nội chính, phòng, chống suy thoái, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, thực hành tiết kiệm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, qua 6 tháng đầu năm 2022 và nghiêm túc nhìn lại cả chặng đường triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh chúng ta nhận thấy vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần quan tâm khắc phục đó là: Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu quả thấp, phát triển kinh tế biển, dịch vụ cảng biển, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng chậm so với tiềm năng, lợi thế; tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp hiện nay ở Quảng Ninh còn quá thấp, các khu kinh tế chưa thực sự trở thành hạt nhân, động lực thúc đẩy tăng trưởng. Kinh tế ban đêm, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số còn chậm phát triển…
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút lao động có kỹ năng gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số vẫn chưa tạo được chuyển biến rõ rệt. Chênh lệch giàu nghèo, khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền vẫn là thách thức trong quá trình phát triển bền vững, tăng trưởng bao trùm. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực, nhất là quản lý tài nguyên, khoáng sản, đầu tư công, đất đai... có mặt còn hạn chế so với yêu cầu. Tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật đã được kiềm chế, kiểm soát nhưng còn tiềm ẩn phức tạp. Nhiều công trình giao thông động lực, chiến lược đều chậm tiến độ, chưa đạt kế hoạch đề ra; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp ở cả 3 cấp ngân sách.
Chủ tọa kỳ họp đề nghị các đại biểu thảo luận, đánh giá sâu sắc những nỗ lực, cố gắng chung của các cấp, các ngành, những việc đã làm và kết quả đạt được; làm rõ nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, yếu kém, nhất là trong khâu chấp hành, tổ chức thực hiện. Phân tích, dự báo những cơ hội, khó khăn, thách thức, từ đó xác định các giải pháp xác đáng để hoàn thành toàn diện mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2022 đã đề ra; nâng cao hơn nữa tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tiếp tục đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung, tự lực, tự cường vươn lên để đưa Quảng Ninh phát triển mạnh mẽ hơn nữa, toàn diện hơn nữa, trở thành một tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt như lời căn dặn và mong muốn của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Hai là, về việc lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Chúng ta đều biết, Quy hoạch không chỉ là sự sắp xếp, phân bố không gian, tạo ra động lực phát triển mới, không gian phát triển mới, giá trị mới và dự án đầu tư mới của địa phương; mà còn là công cụ quản lý của Nhà nước; là phương tiện giám sát của nhân dân; là niềm tin lựa chọn đầu tư của nhà đầu tư và doanh nghiệp. Quy hoạch tốt có định hướng, tầm nhìn chiến lược với sự tham gia của các tư vấn hàng đầu quốc tế; công khai, minh bạch, xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ, sẽ góp phần đổi mới cơ chế để khai thông các điểm nghẽn, huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực. Thực hiện Luật quy hoạch năm 2017, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã nghiêm túc, quyết liệt, tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và dành nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ triển khai việc lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 với sự tham gia của các tư vấn và chuyên gia, nhà khoa học, quản lý hàng đầu quốc tế và trong nước bảo đảm tính khoa học, chặt chẽ theo luật định.
Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh có trọng trách thảo luận, quyết nghị thông qua Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm tính kế thừa, đổi mới, phát triển của các quy hoạch kỳ trước, tiếp tục đổi mới tư duy kiến tạo phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau, xác lập tầm nhìn dài hạn trong tính liên thông với các kế hoạch trung hạn, ngắn hạn để làm cơ sở thực hiện mục tiêu phát triển nhanh, bền vững và dựa trên các trụ cột Kinh tế, Văn hóa - Xã hội, Môi trường và Quốc phòng, an ninh: Xây dựng, phát triển Quảng Ninh là một tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt; tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc; một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; là khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc về quốc phòng - an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2030 là 10%/năm. GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt 19.000 - 20.000 USD. Kiên trì thực hiện mô hình tổ chức không gian phát triển “một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực”, kiến tạo các hành lang giao thông gắn với các hành lang kinh tế, hành lang đô thị, định hình chức năng đô thị biển, hướng tới xây dựng thành thành phố trực thuộc Trung ương và thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng, phân công và hợp tác lãnh thổ...
Ba là, về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021 - 2025, phê duyệt chủ trương và phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công.
Nhận thức rõ phát triển “kết cấu hạ tầng phải đi trước một bước” để tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tại kỳ họp này, HĐND tỉnh tiếp tục xem xét các tờ trình và phê duyệt chủ trương đầu tư một số công trình, dự án nhằm tiếp tục cụ thể hóa khâu đột phá chiến lược trong giai đoạn 2021 - 2025 là: Đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông, tổng thể nhằm đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa - hiện đại hóa - đô thị hóa gắn với nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị; kết hợp chặt chẽ công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, lấy du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn gắn với phát triển kinh tế biển, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, kinh tế số; xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế nông nghiệp, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền; bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao chất lượng sống của Nhân dân theo tiêu chí “hạnh phúc”.
HĐND tỉnh sẽ thảo luận các báo cáo, tờ trình và dự thảo nghị quyết tại kỳ họp, báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh, quyết nghị thông qua các nghị quyết khác về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025; danh mục dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thu hồi đất trên địa bàn tỉnh; quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh để thực hiện các dự án, công trình đợt 2 năm 2022...
Cùng với đó, HĐND tỉnh sẽ nghe báo cáo của Ủy ban MTTQ tỉnh về công tác xây dựng chính quyền 6 tháng đầu năm 2022 và những ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp. Đồng thời, thực hiện quyền giám sát theo quy định của pháp luật, HĐND tỉnh sẽ xem xét báo cáo công tác của Thường trực HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh; các báo cáo của UBND tỉnh về công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.
Thảo luận các báo cáo giám sát của Thường trực HĐND tỉnh; dành thời gian thỏa đáng để đại biểu chất vấn các thành viên UBND tỉnh về những vấn đề Nhân dân và cử tri quan tâm nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn và chất lượng, sự hài lòng trong phục vụ nhân dân của chính quyền địa phương.
Với thời gian dự kiến diễn ra trong 3 ngày, phương pháp làm việc tập trung tại Hội trường và tại Tổ, để Kỳ họp thực sự có chất lượng, Chủ tọa Kỳ họp đề nghị các vị đại biểu HĐND tỉnh và các đại biểu tham dự kỳ họp đề cao tinh thần trách nhiệm trước cử tri và nhân dân, tập trung trí tuệ, nghiên cứu tài liệu, phát biểu thảo luận có trọng tâm, trọng điểm, dân chủ, thẳng thắn bày tỏ rõ quan điểm, chính kiến và quyết nghị thông qua các nghị quyết có tính khả thi cao.
Trong thời gian diễn ra kỳ họp, Chủ tọa kỳ họp rất mong cử tri và Nhân dân toàn tỉnh tích cực quan tâm theo dõi, đóng góp ý kiến, nhất là các phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp.
Với tinh thần đó, thay mặt chủ toạ kỳ họp, tôi xin tuyên bố khai mạc Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XIV. Chúc kỳ họp thành công tốt đẹp.
Ý kiến ()