Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:45 (GMT +7)
Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn còn chậm
Thứ 2, 26/08/2024 | 09:22:08 [GMT +7] A A
Luật Bảo vệ môi trường (số 72/2020/QH14) quy định từ ngày 31/12/2024 phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) là bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình. Ngày 2/11/2023 Bộ TN&MT ban hành Công văn số 9368/BTNMT-KSONMT "V/v hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt". Tuy nhiên, đến thời điểm này công tác phân loại, thu gom, vận chuyển CTRSH tại nguồn trên địa bàn tỉnh còn chậm so với kế hoạch đặt ra.
Theo thống kê của Sở TN&MT, từ đầu năm 2024 đến nay khối lượng CTRSH phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 217.000 tấn. Trong đó khu vực đô thị thu gom, xử lý khoảng 158.000 tấn (97,5%); khu vực nông thôn thu gom, xử lý khoảng 51.000 tấn (94,5%); địa bàn có hoạt động du lịch nói chung đạt 98%.
Nhằm nâng cao ý thức trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT), các địa phương tích cực chỉ đạo, phân công các phòng, ban chuyên môn, phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức của người dân về công tác quản lý CTRSH theo quy định của Luật BVMT, trong đó đặc biệt chú trọng công tác phân loại, tái chế và tái sử dụng CTRSH theo hướng dẫn kỹ thuật về phân loại CTRSH của Bộ TN&MT; xây dựng, nhân rộng các mô hình về tái chế CTRSH, ủ phân vi sinh đối với rác hữu cơ.
Điển hình, toàn tỉnh đã xây dựng được 1.280 mô hình phụ nữ tham gia BVMT, xây 8.623 bể ủ rác thành phân hữu cơ, 368 mô hình phân loại rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa. Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn các cấp hội tích cực huy động xã hội hoá sắm thùng rác chuyên dụng, túi dùng một lần để hội viên, phụ nữ thực hiện phân loại ngay từ gia đình. Hiện 13/13 địa phương đã xây dựng được 620 mô hình “biến rác thành tiền” do hội phụ nữ các cấp phát động.
Cùng với đó, các địa phương triển khai nhiều mô hình tự quản, mô hình kiểu mẫu về BVMT phù hợp với phong tục tập quán của người dân; một số địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện thí điểm phân loại CTRSH tại các hộ dân theo quy định của Luật BVMT.
Đặc biệt, từ năm 2018 Sở TN&MT phối hợp với các địa phương triển khai thí điểm mô hình quản lý tổng hợp CTRSH tại các phường, xã, thị trấn: Thanh Sơn (Uông Bí); Lương Mông (Ba Chẽ); Cô Tô, Đồng Tiến (Cô Tô), đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc phân loại rác.
Hiện 13 địa phương trong tỉnh bố trí 884 điểm tập kết CTRSH; một số địa phương đầu tư trạm cân rác và lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với các xe chở rác, nhằm kiểm soát chặt chẽ khối lượng thu gom, vận chuyển đưa vào xử lý rác theo quy định.
Tuy nhiên, đến nay công tác phân loại, thu gom, vận chuyển CTRSH tại nguồn còn chậm so với kế hoạch đặt ra theo yêu cầu của Luật BVMT. Theo lãnh đạo Sở TN&MT, hiện chưa có địa phương nào triển khai phân loại CTRSH tại nguồn đồng bộ; chưa cung cấp được dịch vụ thu gom, vận chuyển CTRSH sau phân loại theo quy định của Luật BVMT. Đáng chú ý còn thiếu địa điểm tập kết, trạm trung chuyển đáp ứng quy định; xử lý CTRSH chủ yếu qua hình thức chôn lấp và đốt (trừ khu xử lý ở Quảng Nghĩa, TP Móng Cái, đã có đủ hạ tầng công nghệ đáp ứng yầu cầu); nhất là chưa ban hành các quy định về định mức, đơn giá thu gom, vận chuyển, xử lý theo yêu cầu về phân loại CTRSH.
Để thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn theo quy định của Luật BVTM rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân nâng cao nhận thức về quản lý CTRSH, qua đó góp phần BVMT bền vững.
Hiểu Trân
Liên kết website
Ý kiến ()