Năm 2018, khi thuế ôtô nhập khẩu về 0% giữa các nước Đông Nam Á có hiệu lực (Hiệp định ATIGA), xe nhập ồ ạt về nước. Các hãng Nhật ngoài những dòng CUV/SUV, cũng đưa về các mẫu xe đô thị cỡ A để cạnh tranh miếng bánh thị phần khi đó thống trị bởi hai mẫu xe Hàn, Kia Morning và Hyundai i10.
Toyota Wigo và Suzuki Celerio xuất hiện tại Việt Nam 2018. Một năm sau, 2019, Honda cũng gia nhập cuộc chơi với mẫu Brio. Trước 2018, ngoài hai mẫu Hàn, nhóm xe cỡ A còn có Chevrolet Spark và Mitsubishi Mirage nhưng doanh số thấp. Sức ép của cả hai vì thế lên bộ đôi xe Hàn không đáng kể.
Lợi thế thương hiệu của các mẫu xe Nhật như Wigo, Brio, Celerio, Mirage không khoả lấp được nhược điểm giá cao bởi đều là xe nhập khẩu, ít phiên bản lựa chọn hơn xe Hàn. Ở phân khúc người mua xe lần đầu, ưu tiên chi phí đầu tư ban đầu thấp, Monring và i10 vẫn là lựa chọn gần như số một.
Dù tiềm năng ở phân khúc xe cỡ A còn lớn bởi doanh số tiêu thụ chỉ đứng sau sedan cỡ B trên thị trường, nhưng các mẫu xe Nhật đều không thể bứt phá doanh số. Đặc biệt, sự xuất hiện của VinFast Fadil với những ưu đãi cộng gộp nhiều chương trình khác nhau của hãng giúp đẩy giá xe xuống thấp, kéo sự chú ý của khách hàng đổ dồn về mẫu xe thương hiệu Việt.
Fadil không những "át vía" các mẫu xe Nhật mà còn lật đổ luôn cả xe Hàn. Hai năm liên tiếp 2019, 2020, doanh số Fadil dẫn đầu toàn phân khúc với lượng bán lần lượt 18.016 xe và 24.128 xe. Tuy vậy, đến giữa 2022, VinFast tuyên bố ngưng sản xuất Fadil (ngưng công bố doanh số từ tháng 8) để tập trung cho kế hoạch sản xuất xe điện. Cờ một lần nữa đến tay xe Hàn.
Ý kiến ()