Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:50 (GMT +7)
Phấn đấu trồng tối thiểu 2.000ha rừng cây bản địa, các loài lim, giổi, lát
Thứ 2, 09/05/2022 | 11:15:35 [GMT +7] A A
Quảng Ninh hiện đang tích cực triển khai nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững và kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện phát triển trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa các loài lim, giổi, lát, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Duy Văn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT về nhiệm vụ, giải pháp, cũng như cơ chế chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân phát triển rừng bền vững, trồng rừng gỗ lớn.
- Xin ông cho biết những chỉ đạo của tỉnh về mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, trồng rừng gỗ lớn trong thời gian vừa qua?
+ Xác định phát triển lâm nghiệp bền vững, trồng rừng gỗ lớn các loài cây bản địa, cây lim, giổi, lát có vai trò quan trọng trong phát triển KT-XH, bảo vệ môi trường, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã sớm ban hành các nghị quyết, văn bản chỉ đạo về phát triển lâm nghiệp phù hợp với đặc thù của địa phương. Cụ thể, BTV Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 về phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; UBND tỉnh ban hành các đề án, chương trình hành động, kế hoạch triển khai mục tiêu, nội dung, giải pháp của Nghị quyết số 19-NQ/TU, trong đó quan tâm bố trí nguồn lực hằng năm, bố trí tối thiểu 3% tổng chi ngân sách thường xuyên, đồng thời bố trí một phần kinh phí từ nguồn vốn bảo vệ môi trường, nguồn vốn đầu tư hằng năm để chi cho phát triển lâm nghiệp và thực hiện các cơ chế, chính sách liên quan.
BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 25/11/2021 về phương hướng, nhiệm vụ năm 2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 22/KH-UBND ngày 21/1/2022 về thực hiện phát triển trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa, các loài lim, giổi, lát trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2022, với mục tiêu phấn đấu toàn tỉnh trồng tối thiểu 2.000ha rừng cây bản địa, các loài lim, giổi, lát.
Ngoài ra, tỉnh đã có cách làm bài bản, khoa học và đồng bộ các nội dung, giải pháp từ xây dựng, triển khai phân bổ chỉ tiêu, kế hoạch trồng rừng, phát triển trồng rừng gỗ lớn, các loài cây bản địa, lim, giổi, lát từ tỉnh đến huyện; ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, người trồng rừng về huy động nguồn lực, dư địa trồng rừng, biện pháp kỹ thuật trồng rừng, kiểm soát chất lượng cây giống, mùa vụ trồng rừng.
- Tham gia trồng rừng gỗ lớn, các loài cây bản địa, lim, giổi, lát, các tổ chức, người dân sẽ được hưởng những cơ chế, chính sách gì, thưa ông?
+ Ngoài các cơ chế, chính sách của Trung ương, tỉnh đã xây dựng, triển khai chính sách đặc thù để khuyến khích, hỗ trợ người trồng rừng. Theo đó, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND ngày 24/3/2021 quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh với các nội dung hỗ trợ về chuyển từ rừng sản xuất sang rừng phòng hộ tại các lưu vực hồ, đập trọng điểm, mức hỗ trợ 45 triệu/ha; hỗ trợ cây giống trồng rừng bằng các loài cây bản địa, chuyển hóa trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn với mức hỗ trợ tối đa là 15 triệu/ha và hỗ trợ tín dụng với lãi suất ưu đãi cho đầu tư trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa...
Đến thời điểm này, các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn Hạ Long và Ba Chẽ đã đăng ký thực hiện 1.372ha cây gỗ lớn, cây bản địa và đã thực hiện hoàn thành trồng được 1.278ha cây gỗ lớn, cây bản địa tập trung là quế, giổi, lát...
Hiện nay, tỉnh đang chỉ đạo xây dựng trình ban hành sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND theo hướng mở rộng phạm vi, đối tượng hỗ trợ và bổ sung một số chính sách về hỗ trợ trồng cây lâm sản ngoài gỗ, dược liệu dưới tán rừng trồng các loài cây bản địa, gỗ lớn.
Ngoài việc ban hành chính sách hỗ trợ, để huy động nguồn lực xã hội, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 2136/UBND-NLN3 ngày 5/4/2022 về việc đăng ký hưởng ứng thực hiện trồng rừng lim, giổi, lát trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2022, trong đó có nội dung vận động các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hỗ trợ và đăng ký hỗ trợ trồng rừng lim, giổi, lát. Đến ngày 29/4/2022 đã có 31 sở, ngành, đơn vị, doanh nghiệp đăng ký hưởng ứng tự trồng và hỗ trợ kinh phí để các địa phương trồng rừng lim, giổi, lát với tổng diện tích trên 500ha.
Đến nay, tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 55,06%. Cơ cấu cây trồng trong lâm nghiệp đã có chuyển biến tích cực theo hướng tăng diện tích cây bản địa, cây gỗ lớn. Đến ngày 25/4/2022, toàn tỉnh đã trồng được 600,94ha lim, giổi, lát. Trong đó, trồng rừng đặc dụng 0,3ha; rừng phòng hộ 233,73ha; rừng sản xuất 345,8ha; cây phân tán 21,21ha.
- Từ những kết quả đã đạt được, tỉnh tiếp tục có những chỉ đạo, định hướng như thế nào trong thời gian tới?
+ Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TU, lĩnh vực lâm nghiệp đã vận hành đồng bộ từ việc trồng, cải tạo, đến quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển KT-XH nhanh, bền vững của tỉnh. Nhiều mục tiêu quan trọng và kết quả nổi bật đã đạt được, như tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và người dân trong hành động về phát triển lâm nghiệp bền vững.
Tỉnh đã hoàn thiện cơ bản hệ thống các văn bản, cơ chế chính sách phù hợp đặc thù cho phát triển lâm nghiệp bền vững, đây là căn cứ pháp lý để tiếp tục triển khai hỗ trợ nguồn lực, chuyển đổi cơ cấu cây trồng lâm nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, giá trị, chất lượng rừng. Nâng cao công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực lâm nghiệp; công tác giám sát, thanh, kiểm tra được thực hiện đồng bộ.
Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo tập trung vào các nội dung, giải pháp trọng tâm về nguồn lực, cơ chế chính sách, dư địa đất trồng rừng, khuyến cáo thời vụ trồng rừng, quy trình, kỹ thuật trồng rừng và chất lượng cây giống... để đảm bảo quý II đạt 50% kế hoạch, hết quý III đạt 100% kế hoạch trồng lim, giổi, lát. Bên cạnh đó, xem xét ban hành sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND theo hướng mở rộng phạm vi, đối tượng hỗ trợ và bổ sung một số chính sách về hỗ trợ trồng cây lâm sản ngoài gỗ, dược liệu dưới tán rừng trồng các loài cây bản địa, gỗ lớn.
- Xin cảm ơn ông!
Hữu Việt (thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()