Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 15/01/2025 16:27 (GMT +7)
Tăng sản lượng, giá trị tôm nuôi
Thứ 4, 15/01/2025 | 16:24:05 [GMT +7] A A
Trong 32.000ha nuôi trồng thủy sản, diện tích nuôi tôm của tỉnh chiếm gần 25%, đây là đối tượng nuôi thế mạnh có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, trước xu hướng nhiều khu vực nuôi tôm trong tỉnh đang dần thu hẹp diện tích để phục vụ cho các nhiệm vụ phát triển KT-XH, việc đổi mới các giải pháp kỹ thuật để gia tăng sản lượng, hiệu quả diện tích nuôi trồng được ngành Nông nghiệp quan tâm.
Huyện Tiên Yên là một trong 9 địa phương ven biển của tỉnh có nhiều ưu thế phát triển nuôi trồng thủy sản. Huyện đã xác định phát triển kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp là nền tảng để phát triển KT-XH, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, trong đó xác định chăn nuôi là ngành chủ lực, thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn với chủ trương phát triển "hai con, một cây" gồm con gà, con tôm và các loại cây trồng dược liệu.
Huyện Tiên Yên có 10 xã, trong đó có 5 xã vùng ven biển có lợi thế phát triển thủy sản, gồm: Hải Lạng, Tiên Lãng, Đồng Rui, Đông Ngũ. Năm 2024, diện tích nuôi trồng thủy sản của huyện đạt trên 1.560ha, trong đó, diện tích nuôi tôm chiếm tới 1.374ha. Phát huy lợi thế đối tượng chủ lực này, hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại xã Hải Lạng được đầu tư từ nguồn kinh phí của tỉnh và huyện đã tạo điều kiện cho nhân dân nuôi trồng trong vùng khai thác lợi thế phát triển kinh tế. Các hộ nuôi chủ động đổi mới công nghệ để nâng cao hiệu quả nuôi trồng, nhất là nuôi vụ đông.
Anh Đặng Văn Dũng (thôn Bình Minh, xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên) cho biết: Ở vụ đông hàng năm, miền Bắc rất khan hiếm về nguồn hàng. Nắm bắt điều kiện đó, đơn vị đã đầu tư 10 ao bạt, mỗi ao có diện tích 500m2 để nuôi tôm trong nhà và đón được đợt giá cao nhất trong năm. Nhiệt độ lý tưởng để nuôi tôm thẻ là 25-30 độ C, trong khi mùa này nhiệt độ ngoài trời thường từ 12-20 độ C và có những thời điểm nền nhiệt hạ thấp hơn, nên nếu nuôi ao ngoài trời là rất khó khăn, tôm chậm lớn. Vì vậy, khi đầu tư ao bạt có mái che, đơn vị chủ động kiểm soát nhiệt độ trong ao nuôi. Hiện nay, tôm đã được 75 ngày, dự kiến 20 ngày nữa khoảng từ 30-40 con tôm/kg và sẽ được thu hoạch. Sản lượng thu hoạch dự kiến 25-30 tấn.
Năm 2024, giá trị ngành thủy sản của huyện Tiên Yên chiếm hơn 50% tổng giá trị nông lâm thủy sản của huyện. Kết thúc năm, tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng của cả huyện đạt trên 11.000 tấn, tương đương với giá trị hơn 700 tỷ đồng, trong đó sản lượng tôm nuôi là 4.400 tấn, tương đương với giá trị 350 tỷ đồng. Bà Đỗ Thị Duyên, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tiên Yên, cho biết: Năm 2025, diện tích nuôi tôm của huyện tiếp tục duy trì như năm 2024. Ngay từ đầu vụ nuôi, các cơ quan chuyên môn tăng cường lấy mẫu giám sát, nhất là kiểm soát các cơ sở cung cấp giống thủy sản trên địa bàn tỉnh đảm bảo giống chất lượng khi cung cấp cho các hộ nuôi. Địa phương áp dụng công nghệ số để có thông báo ngay kết quả phân tích mẫu gửi trực tiếp hộ lấy mẫu giám sát dịch bệnh và các hộ nuôi trong vùng lấy mẫu quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi trồng thủy sản tập trung để cơ sở nuôi kịp thời, chủ động có biện pháp xử lý khi có cảnh báo. Tiên Yên xác định 2 vùng trọng điểm trong phát triển nuôi tôm là Đồng Rui và Hải Lạng. Hiện nay, địa phương tiếp tục thực hiện quy hoạch các vùng nuôi để có giải pháp đầu tư cơ sở hạ tầng để nâng cao hiệu quả nuôi trồng duy trì tốt kinh tế cho nhân dân.
Diện tích nuôi nội địa toàn tỉnh hiện khoảng 32.092ha, trong đó, nuôi tôm có trên 7.000ha với 2.765 cơ sở nuôi trồng. Năm 2025, ngành Nông nghiệp Quảng Ninh xác định tập trung đổi mới phương pháp trong nuôi tôm để làm sao phát huy lợi thế mặt nước ao đầm và tăng hệ sử dụng trong bối cảnh diện tích nhiều vùng nuôi nội địa trong tỉnh đang dần bị thu hẹp; khuyến khích các cơ sở nuôi tôm ứng dụng công nghệ, kỹ thuật đã triển khai có hiệu quả trên địa bàn tỉnh.
Ông Phan Thanh Nghị, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, chia sẻ: Đối với nuôi tôm, trước mắt tập trung vào xử lý phòng ngừa dịch bệnh. Bên cạnh duy trì mở rộng diện tích nuôi, đơn vị sẽ đảm bảo sản lượng nuôi trồng. Tôm được xác định có dư địa phát triển, vì vậy bà con cần hoàn thiện các cơ sở nuôi mang tính hiện đại hơn, cụ thể áp dụng công nghệ nhà màng để giúp duy trì ổn định nuôi vụ đông sẽ tăng được sản lượng tôm và từ đó sẽ tăng sản lượng cả năm. Để hỗ trợ người nuôi tôm, ngành Nông nghiệp tiếp tục nghiên cứu cơ chế chính sách hỗ trợ các vật tư thiết bị cho bà con đầu tư như cột chống, dây, bạt phủ bên cạnh đó cũng sẽ hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm vụ đông.
Năm 2025, ngành Nông nghiệp Quảng Ninh phấn đấu tổng sản lượng thủy sản cả năm đạt 175.000 tấn, tăng 5,4% so với năm 2024. Trong đó, riêng sản lượng nuôi tôm chiếm tối thiểu trên 25% tổng sản lượng thủy sản nuôi toàn tỉnh.
Hải Hà
Liên kết website
Ý kiến ()